Từ xa xứ làm thuê
Gia đình chị Thế là một trong những hộ dân sản xuất, nuôi tằm giỏi trên địa bàn xã Đambri. Tuy nhiên, để có được những thành quả như ngày hôm nay, với người nông dân ấy là cả một quá trình khó khăn vất vả.
Sinh ra ở mảnh đất địa linh nhân kiệt Nghệ An, chị Thế vào đất Bảo Lộc lao động từ năm 1997. Sau hàng chục năm làm việc nhưng cảnh khổ vẫn đeo bám, vợ chồng anh chị phải thuê nhà để ở. Nhưng cái khổ, cái nghèo chính là động lực để vươn lên. 10 năm sau, nhờ làm lụng chăm chỉ, tích cóp, đến nay, đã có cơ ngơi với 5ha vườn cùng đủ loại cây trái.
Sau bao năm vất vả, gia đình chị Thế đã vươn lên làm giàu, thu nhập ổn định từ nghề trồng dâu nuôi tằm. Ảnh Việt Thuận.
Bắt đầu nuôi tằm cách đây khoảng 3 năm, chị Thế cho biết “Thấy trên địa bàn xã mình, nhiều người nuôi tằm, mà hiệu quả kinh tế cao, nên mình quyết định thử”. Nghĩ là làm, anh chị đã dành 1ha đất để trồng dâu nuôi tằm. Chị còn học hỏi kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm từ những người nuôi trước. Vì vậy, tằm nhà chị Thế nuôi rất ít bị bệnh và cho sản lượng kén cao.
Cũng theo chị Thế “nuôi heo ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, nghề nào cũng có cái khó, vất vả của nó. Người nuôi tằm cần nắm vững các kỹ thuật nuôi tằm khi bắt đầu vào nuôi tằm. Người nuôi cũng cần biết một số yếu tố khách quan có thể ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng kén tằm. Chẳng hạn, vì tằm là loại nhạy cảm, lá dâu trước khi hái cho ăn phải đảm bảo sạch, an toàn, không tồn đọng thuốc trừ sâu trong lá.
Bà Thế (người đứng) đang bắt tằm lên né. Ảnh: Việt Thuận.
Chị Thế chia sẻ thêm “Mùa mưa là mùa nuôi tằm cực nhất đối với người nuôi. Vào những ngày tằm ăn rỗi, trung bình mỗi hộp ăn hết gần 2 tạ lá dâu. Việc sấy dâu để tằm ăn đủ bữa cũng rất vất vả”.
Chị Thế cũng trang bị thêm máy băm dâu, để phục vụ việc cho tằm ăn vào những lứa dâu cành. Ngoài ra, để tiết kiệm thời gian và công sức, chị Thế tiến hành nuôi tằm trên nền đất, theo chị “chỉ cần nơi nuôi kín đáo, sạch sẽ, quan trọng nhất là phải khô ráo. Người nuôi có thể rắc vôi dưới nền để tránh tằm bị ẩm, phòng dịch bệnh phát triển”.
Thu nhập tốt từ tằm
Nhờ nắm vững kỹ thuật nuôi tằm cộng thêm những kinh nghiệm nuôi tằm, đến nay, gia đình anh chị mỗi tháng có thu nhập hàng chục triệu đồng. Chị Thế cho biết “Với 1ha trồng dâu, mỗi tháng tôi nuôi gối khoảng 6 hộp tằm. Tằm là loại nuôi ngắn ngày (khoảng 18 ngày tằm sẽ quay tổ thành kén), nên tôi tiến hành nuôi gối đầu, cứ 10 ngày, tôi sẽ lấy thêm 2 hộp tằm mới”.
Đều đặn như vậy, trung bình mỗi tháng gia đình chị Thế thu khoảng 4 tạ kén. Với giá kén hiện nay rơi vào mức 150 ngàn/kg, nuôi tằm đã đem lại thu nhập cho gia đình anh chị khoảng 60 triệu đồng mỗi tháng. Ngoài kén tằm, phân tằm cũng là một loại phân hữu cơ giàu chất dinh dưỡng, chị Thế đã dùng để bón cho cà phê, vì vậy, hàng năm gia đình chị cũng tiết kiệm được một khoản tiền lớn từ phân bón cho cà phê.
Gia đình chị Thế đã có thu nhập ổn định từ nghề nuôi tằm đang phát triển tại địa phương. Ảnh: Việt Thuận.
Nói về nghề nuôi tằm, bà Mai Thị Phượng - Chủ tịch Hội Nông dân xã Đam B’ri cho biết: “Trong tổng số trên 2.270 gia đình sinh sống trên địa bàn xã Đam B’ri thì nay đã có trên 520 hộ trồng dâu nuôi tằm. Chính vì vậy, diện tích trồng dâu tính đến thời điểm hiện nay trên 468 ha, con số này trong thời gian đến sẽ tiếp tục tăng nhanh”.
Nhằm hỗ trợ cho người dân trên địa bàn, bà Phượng cho biết địa phương đã phối hợp với Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc mở các lớp dạy trồng dâu nuôi tằm nhằm hướng dẫn cho bà con những kĩ thuật nuôi trồng, chăm sóc mới. Bên cạnh đó, xã cũng phối hợp với Phòng Kinh tế và Trung tâm Nông nghiệp thành phố tổ chức các buổi hội thảo chia sẻ kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm cho người dân.
Một góc nhà nuôi tằm của gia đình chị Thế. Ảnh: Việt Thuận.
Nói định hướng phát triển ngành dâu tằm tơ của địa phương, ông Nghiêm Xuân Đức, Phó Chủ tịch UBND thành phố Bảo Lộc cho biết, trong thời gian sắp tới, chính quyền thành phố sẽ có những định hướng trong quy hoạch cũng như định hướng phát triển công nghiệp chế biến trong lĩnh vực dâu tằm.
Ông Đức cũng cho biết hiện tại, trên địa bàn thành phố Bảo Lộc có 22 doanh nghiệp, cơ sở hoạt động sản xuất tơ tằm. Trong đó, có 8 nhà máy ươm tơ tự động, 8 doanh nghiệp sản xuất lụa tơ tằm với tổng sản lượng tơ năm 2016 đạt trên 1.600 tấn, gần 5,7 triệu mét lụa với giá trị xuất khẩu đạt 9,6 triệu USD. Các công ty ươm tơ đã thay đổi thiết bị, từ máy cơ khí sang máy tự động, khiến chất lượng tơ và năng xuất được nâng cao.
Tổng sản lượng tơ năm 2016 tại TP. Bảo Lộc đạt trên 1.600 tấn. Ảnh: Văn Long.
Với gia đình chị Thế và nhiều người dân tại Đambri, nuôi tằm còn là nghề giúp xóa đói giảm nghèo, góp phần nâng cao kinh tế, giúp cho địa phương ngày càng phát triển.