Bên bảo phải gắn, bên bảo không cần
Liên quan tới nội dung dự thảo Nghị định Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô của Bộ Giao thông Vận tải, quá trình xây dựng có 2 luồng ý kiến. Luồng ý kiến thứ nhất, các hiệp hội taxi truyền thống yêu cầu hoạt động của Grab phải chịu sự quản lý như taxi không gọi là “hợp đồng điện tử”. Theo đó, toàn bộ ô tô dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải hành khách theo dạng hợp đồng điện tử đều phải quy định lộ trình thực hiện cấp đổi phù hiệu taxi và thực hiện các quy định kinh doanh của taxi.
Phía Grab đã có ý kiến bỏ gắn mào với xe công nghệ.
Còn luồng ý kiến thứ hai do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (CIEM) và các chuyên gia kinh tế đề nghị xe dưới 9 chỗ hoạt động vận tải khách có ứng dụng phần mềm sẽ được quản lý theo hợp đồng vận tải điện tử và bổ sung quy định taxi điện tử.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, xe dưới 9 chỗ kinh doanh vận tải theo hợp đồng điện tử so với hoạt động của taxi có nhiều điểm tương đồng, có quy định chung để quản lý như nhau nhằm đảm bảo công bằng, công khai minh bạch và chịu quy định về kinh doanh, điều kiện như hiện nay. Bộ Giao thông Vận tải đồng thuận ý kiến thứ nhất. Nghĩa là nếu được thông qua, toàn bộ xe đang kết nối phần mềm điện tử như Grab sẽ phải gắn phù hiệu “taxi” trên kính xe; niêm yết đầy đủ các thông tin trên xe và phải gắn hộp đèn trên nóc y chang như taxi truyền thống. Xe Grab cũng phải chịu các ràng buộc về niên hạn như taxi; tiêu chuẩn lái xe; kinh doanh trực thuộc doanh nghiệp, hợp tác xã và phải niêm yết giá như taxi.v.v..
Phía Công ty TNHH Grab Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải. Theo đó, Grab đề xuất Bộ này bỏ quy định buộc xe công nghệ phải “gắn mào” trên nóc vì Grab cho rằng, mục tiêu của quy định về hộp đèn trên nóc xe là nhằm nhận diện cho khách. Thông tin về xe, lái xe, số điện thoại liên lạc của lái xe đã được cung cấp cho khách hàng qua ứng dụng để nhận biết xe được kết nối và xe không đón khách vãng lai nên không cần.
Ai được lợi?
Trả lời Dân Việt, TS Trần Duy Khanh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo Doanh nhân APEC cho rằng “Grab là hiện tượng của xu thế công nghệ 4.0. Kinh doanh dựa trên các giao dịch nền tảng công nghệ. Suy tới cùng, xu hướng này tạo ra giá trị và lợi ích lớn cho nền kinh tế. Cái được lớn nhất là người tiêu dùng có quyền được lựa chọn, trả giá, đánh giá chất lượng phục vụ. Taxi truyền thống không làm được những điều ấy”.
Viện trưởng Trần Duy Khanh.
“Người tiêu dùng chọn Uber (trước đây), Grab đơn giản vì minh bạch. Minh bạch về giá, về hành trình giữa người bán hàng và người mua hàng. Kể cả vào giờ cao điểm, giá tăng nhiều người vẫn lựa chọn thay vì ướt sũng vẫy taxi truyền thống rồi bị từ chối đi vì “trời mưa, gần, không chạy”.
Sau khi sử dụng dịch vụ, người sử dụng dịch vụ còn chấm điểm, đánh giá lái xe cho thấy quyền của người tiêu dùng đã được trả về đúng nghĩa.
Do vậy, câu chuyện tranh cãi giữa taxi truyền thống với Grab nên để thị trường và các cá nhân tham gia thị trường quyết định thay vì biện pháp hành chính cứng rắn” - Viện trưởng Trần Duy Khanh.