Dân Việt

HAGL của bầu Đức tính thoái vốn khỏi Hoàng Anh Myanmar

Nguyên Phương 22/04/2019 18:11 GMT+7
Sau khi Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) thông qua Công ty con là Công ty CP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh sở hữu 51% vốn của Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh để tiếp tục đầu tư vào giai đoạn 2 của dự án Hoàng Anh Myanmar Center, phía HAGL của bầu Đức cho biết đang có chủ trương sẽ thoái vốn dự án này để trả bớt nợ và giải quyết nhu cầu thanh khoản của tập đoàn.

Doanh nghiệp bầu Đức lên kế hoạch “rút lui” khỏi Hoàng Anh Myanmar

Tại báo cáo thường niên năm 2018, Công ty Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) do ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) giữ vị trí Chủ tịch HĐQT, đã công bố một số thông tin về định hướng phát triển của doanh nghiệp trong năm 2019. Thông điệp chính được ông Đoàn Nguyên Đức và các cộng sự đưa ra tại báo cáo thường niên 2018 chính là kế hoạch trong mảng nông nghiệp. Trong đó, 2019 năm bản lề quan trọng để HAGL đi vào giai đoạn 2020 - 2025, phát triển bền vững, làm đòn bẩy đưa HAGL trở thành Tập đoàn nông nghiệp hàng đầu Châu Á vào năm 2025.

img

Hoàng Anh Gia Lai của bầu Đức tính thoái vốn khỏi Hoàng Anh Myanmar. (Ảnh: Internet)

Còn trong lĩnh vực bất động sản – lĩnh vực từng mang về doanh thu lớn cho HAGL trong quá khứ, thì nay doanh thu dịch vụ cho thuê chỉ đạt 509 tỷ đồng và chiếm tỷ trọng 9,4% trong tổng doanh thu của HAGL. Số lợi nhuận gộp đạt 282 tỷ đồng và biên lợi nhuận gộp đạt 55,3%. Các con số đóng góp này chủ yếu từ khu phức hợp Hoàng Anh Myanmar.

Từ tháng 9.2018, HAGL Land từ công con trở thành công ty liên kết của HAGL sau khi công ty này tăng vốn dẫn đến sở hữu của HAGL tại đây giảm xuống còn 47,89%. Kể từ thời điểm này, HAGL không còn nắm quyền kiểm soát HAGL Land cũng như với dự án HAGL Myanmar. Cùng với đó, trong tháng 9.2018, Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco) đã thông qua Công ty con là Công ty CP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh sở hữu 51% vốn của Công ty Cổ phần Xây dựng và phát triển nhà Hoàng Anh để tiếp tục đầu tư vào giai đoạn 2 của dự án Hoàng Anh Myanmar Center.

Hiện tại, HAGL đang có chủ trương sẽ thoái vốn dự án này để trả bớt nợ và giải quyết nhu cầu thanh khoản của tập đoàn.

VIC, VHM đưa VnIndex về gần tham chiếu

Mở cửa phiên giao dịch ngày 22.4, các chỉ số trên TTCK Việt Nam nhanh chóng “tụt” xuống dưới mốc tham chiếu do áp lực bán vẫn khá lớn. Có thời điểm VnIndex giảm sâu, xuống dưới mốc 960 điểm. Song lúc này, lực cầu xuất hiện ở một số cổ phiếu vốn hoá lớn giúp các chỉ số dần trở về mốc tham chiếu.

Trong phiên giao dịch chiều 22.4, đã có lúc sắc xanh xuất hiện ở chỉ số VnIndex. Song kết thúc phiên giao dịch, chỉ số VnIndex giảm 0,35 điểm (0,04%) xuống 965,86 điểm, còn HNX-Index giảm 0,25 điểm (0,22%) xuống 105,63 điểm.

img

Kết thúc phiên giao dịch ngày 22.4, chỉ số VnIndex giảm 0,35 điểm (0,04%) xuống 965,86 điểm. (Ảnh: TVSI)

Phiên giao dịch ngày 22.4 chứng kiến những diễn biến giằng co của cổ phiếu VIC. Sau khoảng thời gian dài giao dịch với mức giá dưới tham chiếu, VIC bất ngờ đón nhận lực cầu đột biến vào cuối phiên, giúp cổ phiếu này tăng 1,6% lên 111.900 đồng/cổ phiếu. Cùng với đó, VHM tăng 1,1% lên mức 90.000 đồng/cổ phiếu, đóng góp tích cực giúp chỉ số VnIndex về tiến sát mốc tham chiếu.

Ngoài ra, cổ phiếu GAS cùng một số blue-chip khác đảo chiều, lấy lại sắc xanh cũng giúp chỉ số VnIndex thoát khỏi mức giảm sâu. Cụ thể, GAS tăng 2,3% lên 108.600 đồng, SAB tăng 1% lên 243.000 đồng, HPG tăng 0,8% lên 31.850 đồng.

Ở chiều ngược lại, cổ phiếu VNM tiếp tục 2,6% xuống 129.600 đồng, trở thành tác nhân khiến chỉ số VnIndex giằng co dưới ngưỡng tham chiếu trong phần lớn thời gian của phiên giao dịch.

Còn ở nhóm cổ phiếu ngân hàng, phần lớn các cổ phiếu đều chìm trong sắc đỏ. Trong đó, VPB giảm 2,3%, BID giảm 1,9%, TCB giảm 1,9%, STB giảm 1,7%, MBB giảm 0,93%... Ở thời điểm kết thúc phiên giao dịch, chỉ có 2 mã tăng điểm.