Dân Việt

Chống bán phá giá nhôm, doanh nghiệp xây dưng kêu trời vì sử dụng nhôm Trung Quốc

Đam Vũ 07/05/2019 06:30 GMT+7
Quyết định điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số ản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim có xuất xứ từ Trung Quốc của Bộ Công Thương khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng, cũng như bất động sản bày tỏ sự lo lắng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất.

Vật liệu nhôm đang trở thành nguyên liệu không thể thiếu trong các công trình xây dựng bởi khả năng chống nắng, nhẹ, thi công nhanh, dễ bảo dưỡng, sửa chữa, đa dạng về hình thức…

Theo Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI), lượng tiêu thụ trong nước đối với nhóm ngành vật liệu nhôm mỗi năm tăng trung bình từ 15% đến 20%. Trong năm 2018, thị phần nhôm ngoại đang chiếm tới gần 50%, trong đó, nhôm Trung Quốc đang giữ vị trí dẫn đầu với hơn 30%; nhôm Đức, Úc, Đài Loan… đang chiếm 2% thị phần.

img

Sản xuất thép cuộn tại tỉnh An Huy, Trung Quốc ngày 3/5/2018. (Ảnh minh họa: AFP)

Tháng 1.2019 vừa qua, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định số 33/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá với một số sản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình xuất xứ từ Trung Quốc mức thuế chống bán phá giá với nhôm nhập từ Trung Quốc được đề nghị áp dụng là 35,58%.

Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) cho biết, ngày 10.1.2019 đã ban hành Quyết định số 33/QĐ-BCT về việc điều tra áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với một số sản phẩm bằng nhôm, hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình có xuất xứ từ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (mã số vụ việc AD05).

Theo đó, bên yêu cầu là Công ty CP Nhôm Austdoor; Công ty CP Nhôm Sông Hồng; Công ty TNHH Tung Yang và Công ty CP Tập đoàn Mienhua.

Hàng hóa bị điều tra là sản phẩm nhôm hợp kim hoặc không hợp kim, ở dạng thanh, que và hình (sản phẩm nhôm thanh định hình) thuộc các mã HS: 7604.10.10; 7604.10.90; 7604.21.90; 7604.29.10; 7604.29.90 có xuất xứ từ Trung Quốc.

img

Nhiều doanh nghiệp bất động sản và xây dựng lo lắng về ảnh hưởng của điều tra chống bán phá giá nhôm. (Ảnh: IT)

Về việc này, các doanh nghiệp xây dựng, bất động sản thể hiện sự lo lắng bởi kết quả của cuộc điều tra này dù thế nào cũng sẽ ảnh hưởng tới nền sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Doanh nghiệp ảnh hưởng đầu tiên và sau đó, người dân chịu ảnh hưởng trực tiếp.

Ông Nguyễn Văn H. (Tổng Giám đốc P.L) cho biết, các doanh nghiêp xây dựng có xu hướng sử dụng nhôm ngoại cho các công xây dựng thường là từ Trung Quốc, nếu áp mức thuế cao với nhôm ngoại nhiều chủ đầu tư sẽ gặp khó.

"Việc hỗ trợ nhôm nội, áp mức thuế cao với nhôm ngoại thì chủ đầu tư sẽ gặp nhiều khó khăn vì giá thành tăng cao, gia tăng chi phí. Trong khi đó, hệ nhôm sản xuất trong nước vẫn còn “phập phù” về hệ tiêu chuẩn chất lượng, dịch vụ phân phối còn nhiều bất cập chưa đáp ứng nhu cầu của nhiều doanh nghiệp", ông H cho biết.

img

Doanh nghiệp và người dân sẽ chịu ảnh hưởng trực tiếp từ việc này. 

Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản cho rằng, nhôm được sử dụng vào nhiều mục đích và nhiều công trình khác nhau, khi giá nhôm tăng cao ảnh hưởng không nhỏ tới người sử dụng mà trực tiếp là người dân.

"Khi giá nhôm tăng giá nhà đầu tư phải tăng giá thành bán. Việc này người tiêu dùng chịu ảnh hưởng trực tiếp nhất. Bên cạnh đó, khi thị trường bất động sản cũng đang diễn ra tình trạng cạnh tranh gay gắt thì việc tăng giá căn hộ sẽ khiến doanh nghiệp địa ốc rơi vào tình trạng tồn hàng”, ông H cho biết thêm.

Theo chuyên gia kinh tế, điều tra chống bán phá giá nhôm là điều bình thường, tuy nhiên, trước nay Việt Nam chưa từng có tiền lệ về việc này, thế nên còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ngoài ra, việc kêu gọi chống bán phá giá đối với nhôm ngoại của doanh nghiệp sản xuất nhôm nội, mang tính tạm thời, về lâu dài sẽ thiếu công bằng với nhóm nhôm nhập. 

img

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho biết đây là việc bình thường, tuy nhiên cần phải cẩn trọng, nếu không có thể bị kiện ngược lại.

Theo PGS.TS Định Trọng Thịnh cho biết, quyết định điều tra chống bán phá giá nhôm là điều bình thường, tuy nhiên việc này Việt Nam chưa có kinh nghiệm trong việc điều tra chống bán phá giá các mặt hàng.

"Việt Nam đã có những quy định rất rõ về việc chống bán phá giá. Nhưng có lẽ đây là lần đầu tiên công khai quyết định chống bán phá giá trên thị trường Việt Nam".

Vị chuyên gia cho biết, việc điều tra chống bán phá giá ảnh hưởng đầu tiên là tới việc nhập khẩu nhôm từ nước ngoài về, thứ hai là ảnh hưởng đến doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu.

"Việc này chúng ta chưa có kinh nghiệm, nếu không xây dựng được ngân hàng dữ liệu, thì chúng ta có thể "thua", sẽ gây mất chi phí, mất uy tín của ngành hàng đó, cũng như ảnh hưởng đến hiệp hội đứng ra kiện chống bán phá giá", ông Thịnh khẳng định.

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, trường hợp bán phá giá thì hai bên có nhiều cách giải quyết, hoặc là thương lượng hoặc đưa ra tòa. Thế nhưng trường hợp người ta không bán phá giá nhôm thì có thể họ sẽ kiện ngược lại, đây là điều hết sức lưu ý.