Lợi nhuận trước thuế tăng 30%
NCB vừa công bố báo cáo tài chính năm 2018. Tính đến ngày 31.12.2018, tổng tài sản của ngân hàng đạt trên 72 nghìn tỷ đồng, tăng nhẹ so với năm 2017. Trong đó, huy động từ khách hàng tăng gần 5 nghìn tỷ đạt 56 nghìn tỷ đồng và cho vay khách hàng đạt gần 36 nghìn tỷ đồng, tăng hơn 3 nghìn tỷ so với năm 2017. Phát hành giấy tờ có giá tăng khá mạnh (70%) lên 9.184 tỷ đồng. Vốn điều lệ 3.010 tỷ đồng.
Về kết quả kinh doanh, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh đạt trên 224 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế tăng so với năm 2017.Theo đó, các hoạt động kinh doanh như phí dịch vụ, thu thuần về dịch vụ đều đạt tăng trưởng tốt ở mức 40% so với năm 2017.
Có thể nói, nhờ đa dạng các sản phẩm dịch vụ, đi đầu về ứng dụng số hóa, tạo sự khác biệt bằng mô hình tư vấn tài chính thông minh cho khách hàng mà NCB đã gặt hái được nhiều thành quả vượt trội. Trong đó, các sản phẩm dịch vụ nổi bật hướng tới khách hàng bán lẻ như: Gói sản phẩm cho vay mua nhà, mua xe; Gia đình là nhà (liên kết với Bảo hiểm MAPlife); Gói sản phẩm Vui sống; Tiết kiệm An Thịnh,… Hỗ trợ vay vốn và cung cấp các sản phẩm đặc thù cho các doanh nghiệp lĩnh vực sản xuất, kinh tế nông thôn, chế biến xuất khẩu như: Nước sạch nông thôn Thái Bình (Công ty Thủy Long), TopCake, Mekawa Đà Nẵng, Sứ Tấn Phát, vận tải hàng hóa (Việt Trung – Chi nhánh Hưng Yên).
Liên tiếp trong năm 2017 - 2018, NCB cũng đã thực hiện việc củng cố bộ máy nhân sự cấp cao, góp phần bổ sung vào Hội đồng quản trị và Ban Tổng giám đốc những lãnh đạo trẻ trung nhiệt huyết, với tầm nhìn và khả năng điều hành xuất sắc chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới. Ngay từ đầu năm 2018, Ban Lãnh đạo mới của ngân hàng đã triển khai hợp tác toàn diện với các đối tác lớn là các Tập đoàn, Tổng Công ty, Quỹ đầu tư phát triển doanh nghiệp tại các tỉnh/ thành phố, Các hiệp hội doanh nghiệp trong và ngoài nước. Thêm vào đó, NCB đầu tư vào việc đào tạo cán bộ nhân viên, nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Có thể nói sản phẩm và dịch vụ của các ngân hàng tương đối tương đồng. Sự khác biệt nằm ở chất lượng phục vụ khách hàng: sự nhiệt tình niềm nở của các giao dịch viên, khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng và tìm ra những giải pháp tài chính cho khách hàng của các cán bộ kinh doanh. Chất lượng phục vụ đã là yếu tố then chốt để khách hàng nhận biết sự khác biệt của NCB so với những ngân hàng khác.
Nhắm tới thị trường tài chính khu vực
Với hoạt động kinh doanh khởi sắc, cùng sự đồng thuận của cổ đông, Ban Lãnh đạo NCB quyết định phát hành thêm cổ phiếu ra công chúng. Mới đây, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vừa cấp giấy chứng nhận đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng cho NCB. Theo đó, tổng số lượng cổ phiếu chào bán trong đợt phát hành tới của NCB là 199,44 triệu cổ phiếu. Trong đó, NCB chào bán cho cổ đông hiện hữu 184,6 triệu cổ phiếu và phát hành cho CBCNV 14,88 triệu cổ phiếu. Tổng giá trị chào bán tính theo mệnh giá là 1.994,4 tỷ đồng.
Vốn điều lệ của NCB dự kiến tăng lên hơn 5.000 tỷ đồng. Bà Dương Thị Lệ Hà – Phó Tổng Giám đốc thường trực NCB cho biết việc phát hành cổ phiếu nhằm tăng vốn điều lệ đáp ứng theo chuẩn Basel II. Để tạo chiến lược kinh doanh cho những năm tới, Ban Lãnh đạo đang thực hiện kế hoạch đưa NCB lên nhóm các ngân hàng bậc trung trong vòng 5 năm tới. Kế hoạch này là một thách thức lớn đối với NCB. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo NCB tin rằng, với sự hợp tác của các nhà đầu tư quốc tế có tầm vóc và bề dầy kinh nghiệm trên các thị trường quốc tế thì NCB sẽ có sự phát triển vượt bậc và tiến nhanh trong hệ thống ngân hàng Việt Nam. Không những thế, NCB còn có khả năng tham gia thị trường tài chính toàn cầu, trước nhất trong khu vực Đông Nam Á sau đó vào những thị trường tài chính lớn trên thế giới. Kế hoạch được thực hiện trong giai đoạn 2020-2030, bà Lệ Hà chia sẻ.
Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng, NCB là một trong những Ngân hàng niêm yết sớm nhất trên thị trường chứng khoán. Hơn nữa, khi tình hình hoạt động kinh doanh trong những năm gần đây khởi sắc, việc hợp tác chào bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược sẽ tạo được sức hút riêng biệt.
Chiến lược kinh doanh đúng đắn đã giúp NCB tăng sức hút với nhà đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư nước ngoài. Kể từ khi khởi động dự án tìm kiếm cổ đông chiến lược, NCB đã thu hút được rất nhiều các nhà đầu tư quốc tế quan tâm, đặt vấn đề được trở thành cổ đông chiến lược của ngân hàng. NCB tìm nhà đầu tư không những hỗ trợ về vốn mà còn hỗ trợ NCB phát triển digital banking như một chiến lược kinh doanh. Cùng với bộ máy tổ chức gọn nhẹ, linh động, mạng lưới khách hàng truyền thống có quan hệ tín dụng lâu dài. NCB đã và đang khẳng định tiềm lực, uy tín và thương hiệu trên thị trường.