Ông Lâm Hữu Cuộc, ngụ xã Trường Tây (huyện Hòa Thành) cho biết hơn 1 năm nay, gia đình ông áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ sinh học, loại bỏ hoàn toàn phân bón hóa học và thuốc trừ sâu trong quá trình canh tác để làm ra những sản phẩm an toàn đưa tới người tiêu dùng.
Ông Cuộc (trái) áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ sinh học trên vườn bưởi da xanh.
Trên diện tích rộng 1,8 ha; vườn bưởi đã được 6 năm tuổi đang cho năng suất, chất lượng trái cao hơn so với trước đây. Ông Cuộc thu nhập trên 1 tỷ đồng mỗi năm, mức thu nhập này được cho là cao hơn các hộ trồng bưởi khác rất nhiều.
Ông Cuộc kể, tất cả phân bón và thuốc trừ sâu, bệnh cho cây bưởi đều được ông tự chế từ các nguồn hữu cơ. Ví dụ, phân bón thì ông dùng các loại phân bò, tro cây, phôi nấm hoặc bánh dầu với đậu nành xay ra rồi ủ với nấm Trichoderma. Ủ khoảng 45 ngày thì đem ra sử dụng bón cho cây bưởi.
Còn để phòng trừ sâu bệnh, ông tự chế thuốc trừ sâu bằng ớt, tỏi, gừng xay ra rồi ngâm với rượu để biến thành hỗn hợp đặc biệt xịt cho cây trồng. Cứ khoảng 10 ngày 1 lần phun xịt, vừa đảm bảo trị được sâu bệnh, vừa đảm bảo sức khỏe cho người làm vườn lại không ảnh hưởng môi trường.
Nhân công làm phân bón từ các nguồn thải hữu cơ.
Từ khi sử dụng biện pháp sinh học trong canh tác, cây bưởi trong vườn của gia đình ông Lâm Hữu Cuộc sinh trưởng khỏe mạnh, trái bưởi không bị sâu bệnh. “Phương pháp này hiệu quả mà người dùng cũng yên tâm. Buổi sáng xịt thuốc, buổi trưa về bẻ trái ăn bình thường, đảm bảo sạch 100%”, ông Cuộc nói.
Cũng là nông dân có nhiều năm kinh nghiệm trồng bưởi da xanh, ông Mai Thành Long, ở huyện Dương Minh Châu cho rằng việc trồng bưởi khó nhất là khâu phân bón.
“Các nguồn phân chuồng và mùn thải hữu cơ giúp cây trái sinh trưởng lâu bền. Dù có tác động nhiều bằng phân hóa thì chất lượng cũng không bằng”, ông Long khẳng định.
Phun thuốc trừ sâu bằng chế phẩm sinh học tự chế.
Ông Võ Hữu Thoại - Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam cho biết, do các yếu tố tích cực trong việc chuyển đổi như gia tăng thu nhập và lợi nhuận, một số vùng trồng lúa của miền Nam hiện đã và đang chuyển sang trồng cây có múi.
Nhưng do là trồng cây mới nên nhiều nông dân chưa có kinh nghiệm trong sản xuất, đặc biệt là quản lý dịch hại. Nông dân cũng chưa nhận thức hết tầm quan trọng của việc sản xuất sản phẩm an toàn.
Sau một thời gian dài sử dụng phân thuốc hóa học, cây suy yếu, đất thoái hóa, không còn màu mỡ. “Việc sử dụng hữu cơ sinh học để tăng cường sinh trưởng phát triển của cây và phục hồi lại đất là cần thiết”, ông Thoại cho biết.
Áp dụng hữu cơ sinh học để tăng cường sinh trưởng phát triển của cây và phục hồi đất.
Theo PGS.TS Nguyễn Thơ - Phó Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam, sản xuất nông nghiệp trong nước chủ yếu dựa vào thâm canh. Hiện trạng canh tác lạm dụng phân bón và thuốc BVTV hóa học làm đất đai ngày càng nghèo kiệt hữu cơ, độ phì và pH thấp.
Từ đó, điều kiện sinh thái trong đất không còn thuận lợi cho cây trồng nhưng rất có lợi cho sâu bệnh hại phát triển. Sức khỏe của đất và sức khỏe của cây trồng ngày càng suy giảm.
Theo TS. Thơ, bên cạnh việc canh tác phụ thuộc vào hóa học, nhiều địa phương đang xuất hiện các mô hình canh tác hoàn toàn hữu cơ hoặc theo phương pháp hữu cơ khá thành công.
Canh tác theo hướng hữu cơ giúp cây trái sinh trưởng lâu bền.
Việc canh tác hoàn toàn phụ thuộc vào hữu cơ là rất khó, quy trình sản xuất nghiêm ngặt, thị trường lại hạn hẹp nên không thật phổ biến. Tuy nhiên, canh tác theo phương pháp hữu cơ (dùng phân bón hữu cơ là chính) lại dễ làm và có ý nghĩa nhiều mặt, nhất là cải tạo đất và quản lý dịch hại cây trồng hiệu quả.
Vì thế, sản xuất theo hướng hữu cơ và sinh học nghĩa là vẫn có thể sử dụng phân bón hóa học ở mức độ nhất định nhưng chủ yếu phải là phân hữu cơ và chế phẩm sinh học.
“Phương pháp này dễ áp dụng, có thể đưa ngay ra diện rộng vì rất bức thiết cho sản xuất, dễ làm ra sản phẩm sạch, cải tạo và chống thoái hóa đất”, TS. Thơ chia sẻ.
Khuyến khích trồng trái cây sạch để bảo đảm sức khoẻ con người, bảo vệ đất đai và môi trường.
Tổng diện tích canh tác bưởi trên địa bàn Tây Ninh năm 2018 là 1.120 ha, tăng 700 ha so năm 2014, sản lượng đạt 3.600 tấn. Diện tích bưởi phát triển nhanh trong 3 năm trở lại đây, chủ yếu là bưởi da xanh. Hiện giống này đang cho thấy tính thích nghi và chất lượng ngon so với một số tỉnh trong khu vực. Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền đã xác định cây ăn quả là một trong những cây trồng chủ lực. Trong đó, bưởi da xanh đang được ngành nông nghiệp khuyến khích nông dân sản xuất. |