Dân Việt

Nỗ lực 3 năm vì giấc mơ rau sạch

Nguyên Vỹ 28/04/2019 21:24 GMT+7
Thiếu đất sản xuất nông nghiệp là khó khăn chung của các quận huyện ngoại thành TP.HCM. Tại quận 12, giấc mơ rau sạch của Hợp tác xã (HTX) dịch vụ nông nghiệp An Phú Đông (phường An Phú Đông) phải mất 3 năm trời mới thành hình.

Những tháng ngày “kỳ kèo” với giấc mơ

Để phát triển nông nghiệp đô thị, năm 2015, HTX An Phú Đông xây dựng đề án thực hành sản xuất nông nghiệp tốt với mong muốn thuê lại khu đất công trên địa bàn phường do Nhà nước quản lý nhưng chưa đưa vào khai thác, sử dụng.

img

Bên trong trại rau thủy canh An Nông. Ảnh: Nguyên Vỹ

"TP.HCM mỗi ngày sử dụng cả ngàn tấn rau nhưng năng lực cung cấp tại chỗ không nhiều. Cách làm mô hình rau thủy canh cũng một phần muốn phá vỡ lối suy nghĩ truyền thống đó”.

Phan Thế Nghiêm - Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ nông nghiệp An Phú Đông

Theo ông Phan Thế Nghiêm - Chủ tịch HĐQT HTX, hầu hết xã viên đều là hộ kinh tế cá thể, nguồn thu chủ yếu đến từ dịch vụ mua bán, chăm sóc hoa kiểng. Đề án sản xuất nông nghiệp tốt sẽ vừa giúp người dân có thêm phương án sản xuất tạo thu nhập, vừa bổ sung nguồn cung rau sạch trên địa bàn. Tâm huyết ban đầu của lãnh đạo HTX được nhiều xã viên đồng lòng. Tuy nhiên, giá thuê phần đất gần 2ha để sản xuất cao hơn nhiều ước tính chi phí ban đầu HTX dự toán.

Quá trình thương lượng trải hết 5 lần 7 lượt, căng thẳng kéo dài nhưng vẫn không có kết quả.

“Đích thân Bí thư Đảng uỷ phường cũng gõ cửa khắp nơi kêu gọi giúp đỡ cho HTX. Sau 1 năm kỳ kèo giá thuê, HTX vẫn không thực hiện được đề án do thời hạn cho thuê quá ngắn hạn” - ông Nghiêm kể.

Theo ông Lê Văn Hai (ở phường An Phú Đông), địa hình phường có 3 mặt giáp sông cùng hệ thống kênh mương nội đồng thuận lợi cho việc canh tác rau màu. Ngày đó, ông Hai cũng góp vốn cổ phần vào HTX nhưng vì tiến độ trễ nải, ông đã làm đơn xin rút vốn.

“Xã viên muốn làm nông nghiệp tốt mà đợi mòn mỏi không xong nên chán nản. Hơn 1 năm kỳ kèo giá thuê đất nhưng bất thành. Giấc mơ rau sạch của HTX An Phú Đông vẫn xanh một màu cỏ dại” - ông Hai kể.

Không đành lòng từ bỏ ước mơ, năm 2017, HTX họp bàn trở lại. Nếu không có mô hình hiệu quả ngay trước mắt, nông dân khó hình dung và hướng theo. Vì vậy, tổ ngành nghề rau ăn lá được thành lập, trở thành 1 trong 7 tổ ngành nghề ở HTX An Phú Đông.

Sau quá trình thử nghiệm mô hình, tháng 6.2018, trang trại rau thủy canh An Nông Farm ra đời trên phần đất rộng hơn 900m2 thuê lại của người dân ngay trên phường An Phú Đông.

Tự tin với mô hình hợp tác

Với vốn ban đầu 800 triệu đồng của thành viên cả trong và ngoài HTX, An Nông Farm hiện sản xuất rau theo mô hình thủy canh hồi lưu với 11 loại rau ăn lá. Theo ông Nghiêm, nhiều người thích đầu tư vào các loại cây, con có giá trị kinh tế cao hoặc cho rằng trồng rau ngắn ngày nên giá trị thấp. Vì thế, rau sạch cho nhu cầu thiết yếu hàng ngày ít được để ý đến.

An Nông Farm ra đời là cả một hành trình dài đầy nỗ lực. Đây là hướng khởi nghiệp mới ở phường khi người dân ở An Phú Đông vẫn duy trì những mô hình canh tác quen thuộc như trồng hoa kiểng, mai ghép.

“TP.HCM mỗi ngày sử dụng cả ngàn tấn rau nhưng năng lực cung cấp tại chỗ không nhiều. Cách làm mô hình rau thủy canh cũng một phần muốn phá vỡ lối suy nghĩ truyền thống đó” - ông Nghiêm nói.

“Chúng tôi tự học hỏi, mày mò để tiết giảm chi phí đầu vào. Nếu đầu tư lớn, hiệu quả sẽ mang lại còn cao hơn vì làm rau thủy canh bằng công nghệ đã giảm nhiều cường độ lao động tay chân so với thổ canh. Các thành viên của An Nông Farm tin vào hiệu quả lâu dài mà mô hình hợp tác này mang lại” - ông Nghiêm chia sẻ.

Các sản phẩm trong An Nông Farm đang trong quá trình kiểm tra mẫu theo chuẩn VietGAP. Theo thống kê của Liên minh HTX Việt Nam (VCA), cả nước có khoảng 2.200 HXT chuyên ngành trồng trọt. Khu vực Đông Nam Bộ không nằm trong nhóm có nhiều HTX nông nghiệp, tại TP.HCM lại càng ít.

Theo ông Nguyễn Ngọc Bảo – Chủ tịch VCA, xu hướng khởi nghiệp bằng hình thức HTX nông nghiệp hiện đang nổi lên với nhiều mô hình và được đánh giá khá tốt.