Dân Việt

Gỡ “thẻ vàng” của EU trong khai thác hải sản: Bộn bề trước giờ G

Anh Thơ 28/04/2019 13:45 GMT+7
Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến thời điểm đoàn thanh tra của Tổng vụ các vấn đề về biển và thủy sản của Ủy ban châu Âu (DG-Mare) tiếp tục sang Việt Nam kiểm tra tình hình triển khai thực hiện các khuyến nghị của EC về chống khai thác IUU (cuối tháng 5, đầu tháng 6) nhưng cho đến thời điểm này, mọi việc vẫn vô cùng bề bộn.

Còn nhiều gian khó

Trên thực tế, ngay khi Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định của Việt Nam (khai thác IUU) và đưa ra các khuyến nghị chính thức để Việt Nam tổ chức triển khai thực hiện nhằm cải thiện công tác quản lý nghề cá, chúng ta đã lập tức triển khai các giải pháp theo các khuyến nghị này.

img

Việc kiểm soát tàu cá, truy xuất nguồn gốc khai thác còn gặp nhiều khó khăn. Ảnh:   tư liệu

Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường, Chính phủ, ngành chức năng và các địa phương đã vào cuộc quyết liệt. “Trong lần kiểm tra đầu tiên, phái đoàn của EC cũng đánh giá rất cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc gỡ thẻ vàng đồng thời đưa ra 4 khuyến nghị đề nghị Việt Nam tiếp tục khắc phục để chống khai thác IUU gồm: Khung pháp lý; hệ thống theo dõi, giám sát và kiểm soát hoạt động tàu cá; thực thi pháp luật; truy xuất nguồn gốc thuỷ sản từ khai thác.

Tuy vậy, ông Nguyễn Quang Hùng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), việc thực thi 4 khuyến nghị này đang gặp nhiều khó khăn do tình hình tàu cá và ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở các nước trong khu vực biển Đông vẫn còn diễn biến phức tạp, số vụ vi phạm thậm chí không giảm mà còn có xu hướng tăng.

Thống kê của Tổng cục Thủy sản cho thấy, trong năm 2018, đã xảy ra 85 vụ với 137 tàu và 1.162 ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài, tăng 28 vụ/46 tàu/379 ngư dân so với năm 2017, tập trung tại vùng biển các nước Thái Lan, Malaysia, Philippines, Campuchia, Indonesia…; các tỉnh có nhiều tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, xử lý gồm Kiên Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Định, Bến Tre, Cà Mau, Bình Thuận...

“Điều đáng lo ngại là, từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn tiếp tục xảy ra và diễn biến phức tạp, với 16 vụ, 26 tàu và 96 ngư dân vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài. Nguyên nhân là do các biện pháp xử phạt đối với chủ tàu, thuyền trưởng có tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài thực hiện chưa nghiêm; hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát vùng biển do địa phương quản lý để xử lý các hành vi khai thác IUU trong nước chưa đáp ứng yêu cầu” – ông Hùng nói.

Vấn đề truy xuất nguồn gốc thủy sản từ khai thác cũng là một hạn chế trong việc thực hiện các khuyến nghị của EC hiện nay.

Theo ông Hùng, hầu hết hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản được kiểm tra không đáp ứng được yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, phần lớn các hồ sơ xác nhận nguồn gốc nguyên liệu thuỷ sản không truy xuất được dữ liệu tàu cá cập cảng và sản lượng bốc dỡ từ sổ cái; khối lượng xác nhận nguyên liệu không khớp với nhật ký khai thác và biên bản kiểm soát tàu cá cập cảng. Vẫn còn trên 78% số tàu chưa thực hiện việc nộp nhật ký; 100% tàu được kiểm tra chưa nộp báo cáo khai thác theo quy định. Đây chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc còn 13 lô hàng xuất vào thị trường EC bị tạm dừng thông quan để xác minh, kiểm tra thông tin (chiếm 0,03%).

“Nếu không cấp bách triển khai các giải pháp khắc phục những tồn tại trên, nếu kết quả kiểm tra lần tới của DG-Mare không đáp ứng được các khuyến nghị của EC thì nguy cơ cao sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ” – ông Hùng lo ngại.

Tăng mức xử phạt

Đó là đề nghị của nhiều địa phương trước thực trạng vi phạm khai thác ở vùng biển nước ngoài không hề giảm. Theo ông Mai Anh Nhịn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, có một thực tế là, nhiều thuyền trưởng, ngư dân đã từng bị nước ngoài bắt giữ do vi phạm vùng biển khai thác, được chính quyền địa phương, Bộ Ngoại giao hỗ trợ đưa về nước nhưng được một thời gian lại tái phạm.

“Một trong những nguyên nhân này là do mức xử phạt tàu vi phạm vùng biển đánh bắt hiện nay rất thấp, chỉ vài chục triệu đồng nên không đủ sức răn đe. Trong khi đó, số lượng tàu thuyền ngày càng nhiều, nguồn lợi thủy sản ở vùng biển trong nước giảm nhiều tàu biết nhưng vẫn cố tình vi phạm vùng biển của các nước” – ông Nhịn nói.

Nếu không cấp bách triển khai các giải pháp khắc phục những tồn tại trên, nếu kết quả kiểm tra lần tới của DG-Mare không đáp ứng được các khuyến nghị của EC thì nguy cơ cao sẽ bị áp dụng biện pháp “thẻ đỏ”.

Ông Nguyễn Quang Hùng

Ông Nhịn cũng nêu câu hỏi: Phải chăng chính sách nhân đạo hỗ trợ ngư dân bị bắt giữ ở nước ngoài về nước đang là một trong những nguyên nhân khiến ngư dân… nhờn luật. Ngành chức năng, chính quyền địa phương bỏ tiền ra đền bù, mua vé máy bay hỗ trợ ngư dân về nước nhưng sau đó họ lại tái phạm.

“Nên chăng chúng ta cần, nghiêm khắc hơn với những trường hợp này” – ông Nhịn nêu câu hỏi.

Được biết, thời gian qua, tỉnh Kiên Giang cũng kiên quyết không chi ngân sách hỗ trợ những ngư dân bị bắt giữ do khai thác trái phép về nước.

Đồng quan điểm, ông Trần Châu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, việc bảo hộ công dân quá mức đã khiến họ xem thường pháp luật. “Một số ngư dân sau khi vi phạm được phía ta đàm phán, bỏ tiền ra mua vé cho về nước, chính quyền địa phương cũng tới yêu cầu ký cam kết, xử phạt xong nhưng vì lợi nhuận họ vẫn đi. Vì vậy, theo tôi phải có biện pháp mạnh hơn nữa nếu không tình trạng này vẫn còn tiếp diễn. Chúng ta mới quyết liệt trên bờ chứ chưa quyết liệt trên biển, vì vậy nên đưa vi phạm này vào Luật hình sự vì rõ ràng đây là hình thức vượt biên trái phép” – ông Châu nói.

Đồng tình với quan điểm này, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho rẳng, cần đẩy nhanh nghị định xử phạt vi phạm, tăng mức phạt gấp 10 lần so với hiện nay.

Bộ trưởng cũng yêu cầu các địa phương, ngành chức năng  tiếp tục chỉ đạo lực lượng kiểm ngư phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm tra, giám sát việc thực thi pháp luật, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về thủy sản trên các vùng biển; phát hiện, ngăn chặn kịp thời tàu cá và ngư dân có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài; trước mắt hoàn thành đồng bộ hoá cơ dữ liệu nghề cá VN-FISHBASE kết nối, vận hành thông suốt giữa Trung ương với 28 tỉnh ven biển và với các cảng cá chỉ định; hoàn thành trong tháng 5.2019.

img

Thiếu tướng Bùi Trung Dũng -  
Phó Tư lệnh Cảnh sát biển  Việt Nam (Bộ Quốc phòng):

Tình trạng tàu cá  vi phạm rất nhức nhối

Thực hiện 4 nhóm khuyến nghị chống khai thác IUU, các lực lượng của quân đội đã phối hợp với các địa phương ven biển đẩy mạnh tuyên truyền đường lối, pháp luật của Đảng, Nhà nước; chủ động ngăn chặn, đấu tranh hành vi vi phạm pháp luật, phạm tội trên biển. Nhưng có một thực tế là, tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển các nước, đánh bắt trái phép bằng công cụ mang tính huỷ diệt như lưới cào, xung điện… vẫn rất nhức nhối.

Năm 2017, cảnh sát biển được giao nhiệm vụ 2 lần đón ngư dân được phía Indonesia trao trả, nhưng sau đó nhiều người tái phạm. Hiện nay, phía Indonesia đang giám sát chặt tại vùng giáp ranh, xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, một là phạt tù, hai là có thể bắn và nhấn chìm tàu Việt Nam.

Theo tôi, để chấm dứt tình trạng này phải phá được đường dây đưa người đi khai thác trái phép; đấu tranh về mặt hình sự để bắt, xử lý, có chế tài xử lý mạnh hơn. Thực tế, đến nay chưa có vụ nào xử lý về mặt hình sự.

img

Ông Lê Văn Sử- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau:

Khó gỡ được thẻ vàng ngay!

Đến nay, Cà Mau đạt được một số kết quả trong việc xây dựng hệ thống thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Chúng tôi đã lắp đặt được 331 thiết bị/1.661 phương tiện thuộc đối tượng tàu từ 15m trở lên.

Về vi phạm khai thác vùng biển nước ngoài, dù có giảm nhưng vẫn còn có tàu và ngư dân bị bắt giữ. Vì vậy, tôi đề nghị trong nghị định hướng dẫn thi hành Luật Thủy sản sắp ban hành nên tăng mức độ xử phạt đối với thuyền trưởng để đảm bảo biện pháp răn đe và có cân nhắc đối với ngư dân. Việc quản lý tàu cá, sản phẩm qua cảng, với Cà Mau, đây là việc khó khăn và kết quả thực hiện còn khiêm tốn.

Nguyên nhân phần lớn các tàu cá cập ở những bến hình thành tự phát. Tôi cho rằng, có những việc từ nay đến cuối tháng 5 là không thể hoàn thành nên kiến nghị với Bộ NNPTNT cần có giải pháp trước mắt và lâu dài. Từ thực tế địa phương, tôi cho rằng, việc gỡ được thẻ vàng trong thời điểm này là khó.

Khánh Nguyên (ghi)