Dân Việt

Vụ gian lận điểm thi: Khó hiểu với cách xử lý của Bộ GDĐT

Vương Hà 25/04/2019 08:00 GMT+7
Việc các trường đại học có cách xử lý hoàn toàn khác nhau với những thí sinh vẫn đủ điểm sau chấm lại khiến dư luận dậy sóng.

Thời gian qua, có hai vụ việc thực sự gây bão dư luận, là vụ nâng điểm cho hàng trăm học sinh trong kỳ thi tốt nghiệp THPT và vụ Nguyễn Hữu Linh (Linh “nựng”) có hành vi dâm ô bé gái trong thang máy chung cư.

Với vụ án ấu dâm, các văn bản luật chưa quy định được chi tiết về các hành vi phạm tội, nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng vẫn xác định rõ bản chất của vụ án nên khởi tố vụ án, khởi tố bị can với Linh “nựng”. Ngược lại, trong vụ án nâng điểm, dù quy chế thi quy định rõ hơn nhiều, nhưng chỉ đạo của Bộ GDĐT không chỉ chậm, mà quan điểm của bộ này đưa ra khiến dư luận sững sờ. Do đó, không có gì khó hiểu khi mỗi trường đại học có một cách xử lý khác nhau với những trường hợp thí sinh đủ điểm sau khi chấm lại. Trường thì cho học, trường thì không. Vậy dư luận sao có thể biết đâu là đúng, đâu là sai?

img

Danh sách điểm thực của 37 thí sinh có điểm tổ hợp xét tuyển A1 cao bất thường.

Điều cần khẳng định, các căn cứ luật để xử lý những người trong đường dây nâng điểm (gồm cả phụ huynh) và các thí sinh là rõ ràng hơn rất nhiều so với vụ ấu dâm. Bởi, nếu thí sinh không cung cấp ngày sinh, số báo danh, điểm thi, phòng thi thì ai có thể biết mà sửa bài, nâng điểm. Do đó, không thể nói, những học sinh này không biết việc nâng điểm, bởi chính họ nằm trong hệ thống nâng điểm táo tợn này. Như vậy, họ đã vi phạm quy chế thi. 

Vì vậy, dư luận hoàn toàn đồng tình với việc các trường thuộc Bộ Công an trả tất cả các thí sinh dính dáng việc nâng điểm về địa phương. Trong khi đó, một số trường đại học lại có cách xử lý hoàn toàn khác: những thí sinh sau chấm lại nếu đủ điểm thì vẫn tiếp tục được học. Câu hỏi đặt ra, việc xử lý như vậy liệu có đúng luật? Câu hỏi không khó để trả lời, nếu so sánh, thí sinh mang điện thoại vào phòng thi là bị đình chỉ thi, kể cả chưa dùng, vậy mà cả đường dây nâng điểm liên tỉnh như vậy, lẽ nào thí sinh lại vô can? Quá vô lý.

 Vấn đề đặt ra ở đây là, cùng quy chế thi, nhưng tại sao các trường lại có cách xử lý khác nhau như vậy?

Thực tế cho thấy, sự lúng túng này không chỉ ở một số trường đại học mà ngay từ Bộ GDĐT. Trả lời báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, cho rằng, “nếu thí sinh bị giảm điểm thi trong số các môn thuộc tổ hợp xét tuyển nhưng vẫn đủ điểm trúng tuyển thì các trường vẫn có thể để thí sinh tiếp tục học tập, trừ trường hợp trường có quy định khác đã được công bố”.

Quan điểm của bà Phụng khiến dư luận không thể hiểu nổi. Với cách xử lý này, phải chăng quan điểm của bà vụ trưởng là, những thí sinh được nâng điểm không vi phạm quy chế thi? Dư luận cũng khó chấp nhận việc bà Phụng “đong đưa” thêm một câu cho an toàn “trừ trường hợp có quy định khác”. Là vụ trưởng một vụ có nhiệm vụ hướng dẫn tổ chức tuyển sinh, nếu có “quy định khác” lẽ nào bà Phụng không biết?

img

Khi được trả về điểm thật, điểm của nhiều thí sinh ở Hòa Bình, Sơn La lao dốc. ẢNH: H.H

Sau đó, trả lời phỏng vấn báo chí, Bộ trưởng Bộ GDĐT Phùng Xuân Nhạ đưa ra quan điểm không thể chung chung hơn: “Khi có kết luận của cơ quan điều tra, nếu em nào bị kết luận có tham gia vào quá trình gian lận thì sẽ bị xử lý theo qui định của pháp luật. Quan điểm của Bộ Giáo dục là xử lý nghiêm khắc, xem xét cho thôi học những thí sinh có kết luận liên quan đến gian lận thi cử”. Tất cả những điều đó là đương nhiên, nhưng bộ trưởng lại né một câu trả lời mà các trường đại học đang cần sự chỉ đạo: Những thí sinh được nâng điểm có bị coi là “liên quan đến gian lận thi cử” hay không? Đó mới là câu hỏi mà các trường và dư luận cần Bộ trưởng Nhạ trả lời rõ ràng, dứt khoát. Đó không phải là câu hỏi khó, sao bộ trưởng lại né?

Mặt khác, Bộ trưởng Nhạ cho rằng: “Theo quy định của Luật Giáo dục Đại học, việc tuyển sinh thuộc quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học, nên việc xử lý các trường hợp thí sinh bị hạ điểm thi trước hết thuộc thẩm quyền của các trường”.

Vấn đề này, Bộ trưởng Nhạ nói đúng luật, nhưng chưa đủ và chưa đúng. Bởi, việc tuyển sinh “thuộc thẩm quyền của các trường”, nhưng Quy chế thi thì chỉ có một và chung cho toàn quốc. Vì vậy, không thể vì “quyền tự chủ” mà các trường tùy ý xử lý. Tất cả các trường phải xử lý theo Quy chế thi được Bộ GDĐT ban hành. Nếu các trường hiểu chưa đúng, chưa đủ Quy chế thi, Bộ cần có những chỉ đạo sớm. Đặc biệt, đây là vụ án chưa từng có trong lịch sử thi cử ở Việt Nam, diễn ra không phải một phòng thi, một hội đồng thi, mà là vụ án liên tỉnh với cách sửa bài, mức nâng điểm tới mức kinh hoàng. Kinh hoàng không chỉ mức độ, mà hậu quả là khôn lường, nếu những đối tượng mua điểm, cướp điểm đó khoác lên mình chiếc áo công an, bác sĩ… Quá kinh hoàng - không thể nói khác.

Bộ GDĐT cần sớm xử lý quyết liệt, nghiêm khắc những vi phạm của thí sinh được nâng điểm và những phụ huynh trong ngành giáo dục có con cháu được nâng điểm. Đồng thời, các cơ quan tiến hành tố tụng cũng cần sớm điều tra, công bố mức xử lý với cả những đối tượng mua điểm (dưới mọi hình thức) để dư luận lấy lại niềm tin về công bằng xã hội.