Đổi đời từ thanh long
Xã Hậu Lộc có trên 1.660 hộ dân, trong đó trên 80% hộ sống bằng nghề nông nghiệp, 20% hộ còn lại làm nghề thương mại - dịch vụ. Toàn xã có diện tích tự nhiên là 1.345ha, trong đó diện tích vườn gần 300ha.
Hướng dẫn chúng tôi tham quan 10 công thanh long ruột đỏ xanh mượt, ông Chung Văn Quý, (78 tuổi, ngụ ấp 5, xã Hậu Lộc) nhớ lại: “Mấy năm về trước, xã này chỉ trồng bưởi, cam, quýt, nhãn nhưng thu nhập bấp bênh lắm thường phụ thuộc vào sự quyết định của thương lái. Đã vậy cây trái thường thất mùa nên đời sống người dân rất khó khăn. Từ khi chính quyền vận động trồng thanh long ruột đỏ, ai cũng trúng mùa trúng giá, ai cũng có của ăn, của để hết…”.
Một hộ dân xã Hậu Lộc bên một cây thanh long cho nhiều trái, trái to. T.P.H
"Hồi đầu trồng thanh long ruột đỏ hồi hộp lắm vì không biết có chắc ăn không. Rồi lại sợ có vụ “trúng mùa, rớt giá”, nhưng rồi mọi chuyện tương đối thuận lợi”. Bà Tiêu Kim Đáng |
Nếu như năm 2008, diện tích trồng thanh long của Hậu Lộc xấp xỉ 14ha bởi nông dân đang trồng mang tính thử nghiệm thì đến thời điểm này con số đã lên trên 50ha với trên 70 hộ trồng. Theo như nhận định của chính quyền địa phương, số hộ trồng thanh long sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới bởi 3 yếu tố thuận lợi cơ bản: Trúng mùa, trúng giá, tiêu thụ sản phẩm dễ dàng, ngoại trừ ít thời gian dội chợ do khó xuất khẩu qua Trung Quốc.
Nhiều thương lái đến từ Bình Thuận vốn là địa phương được xem là thủ phủ của thanh long cả nước đánh giá, thanh long Hậu Lộc ngon, thơm, màu sắc đẹp, vỏ mỏng, có thể bảo quản được lâu nên thuận tiện trong việc vận chuyển đi xa.
Bà Tiêu Kim Đáng (ngụ ấp 7, xã Hậu Lộc) cho hay: “Vì vậy chúng tôi thường đến đặt hàng thanh long tại đây để bán lại cho người khác. Tuy giá có nhỉnh hơn một ít nhưng bù lại chất lượng rất đảm bảo…”.
Bà Tiêu Kim Đáng nói thêm: “Hồi đầu trồng thanh long ruột đỏ hồi hộp lắm vì không biết có “chắc ăn” không. Rồi lại sợ có vụ “trúng mùa, rớt giá”, nhưng rồi mọi chuyện tương đối thuận lợi. Nhà tôi trồng 7 công đất thanh long, năm rồi bán giá từ 42.000 - 45.000 đồng/kg; trừ hết chi phí đầu tư còn lời hơn 400 triệu đồng, cao hơn nhiều so với các loại cây trồng khác lại ít lo chuyện dội hàng”.
Nâng cao kỹ năng thâm canh
Nhiều hộ nông dân trồng thanh long ruột đỏ tại Hậu Lộc chia sẻ kinh nghiệm: Đại đa số người trồng ở đây thường sử dụng nguồn phân chuồng như phân trâu bò, lợn, gà vịt, phân dơi và rơm mục bón cho thanh long nên rất đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng. Thanh long là loại cây trồng thích ánh sáng nên hạn chế trồng mật độ dày đặc ảnh hưởng đến việc tiếp xúc ánh nắng. Thanh long trồng tráng nắng trái sẽ to.
Theo đó, mật độ trồng trung bình từ 1.000 - 1.100 trụ/ha. Nên trồng vào tháng 3 đến tháng 4 hoặc tháng 10 đến tháng 11 dương lịch là tốt nhất bởi đất có độ ẩm cao. Sau khi trồng thanh long tiến hành giữ ẩm thường xuyên, tránh cây bị mất nước, ảnh hưởng tới chất lượng cành và năng suất trái. Trồng thanh long chỉ tốn kém chi phí ban đầu từ 8 đến 14 triệu đồng/công, chủ yếu là tiền mua các trụ xi măng để làm điểm tựa cho thanh long đậu dây, kết trái sau đó thì ít phải đầu tư.
Từ cách trồng, cách chăm sóc bài bản, khoa học nên hầu hết mỗi gốc thanh long ở Hậu Lộc đã cho từ 18 đến 25 trái; mỗi trái có trọng lượng từ 300 - 500 gam. Mỗi năm người trồng thanh long thu hoạch 7 - 8 lần.
Nếu trước đây người trồng thanh long Hậu Lộc bám vào các trụ đá thì hiện nay đã có rất nhiều hộ dân làm giàn hàng ngang trên không trung (gọi là trồng thanh long giàn chữ T) để vừa tăng thêm diện tích trồng, cho ra nhiều trái; vừa dễ chăm sóc, phun tưới, thu hoạch. Cạnh đó, nhiều hộ dân còn tranh thủ những khoảng trống giữa các giàn thanh long để trồng thêm bí đao, ớt, dưa hấu để có thêm thu nhập. Hiện có trên 90% hộ trồng thanh long ở Hậu Lộc làm theo cách này.
Cây thanh long-cây “phát tài” trên đất Hậu Lộc đã và đang mang lại cuộc sống đủ đầy cho người dân hôm nay.