Dân Việt

Thượng đỉnh Nga-Triều: Phía kiếm vai trò, bên cần đối trọng

Đại sứ Trần Đức Mậu 26/04/2019 08:37 GMT+7
Cuộc cấp cao Nga - Triều Tiên ở Vladivostock là dấu mốc mới trong mối quan hệ giữa hai nước này, có tác động tới quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản nhưng chưa thể thúc đẩy tiến trình hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên.

img

Tổng thống Nga Putin bắt tay nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un.

Khi tổng thống Nga Vladimir Putin và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gặp nhau ở Vladivostock (Nga) ngày 25.4.2019 thì cũng là phải sau 8 năm mới lại có cuộc gặp cấp cao giữa hai nước láng giềng này ở khu vực Đông Bắc Á. Cuộc gặp trước diễn ra năm 2011 giữa người cha của ông Kim Jong Un và tổng thống Nga khi ấy là Dimitri Medvedev, thủ tướng Nga bây giờ. Ở Vladivostock là cuộc gặp đầu tiên giữa ông Putin và ông Kim Jong Un. Vậy là ngoài thủ tướng Nhật Bản ra, ông Kim Jong Un đã gặp đủ hết lãnh đạo các bên tham gia khuôn khổ diễn đàn đàm phán 6 bên ở Bắc Kinh (Trung Quốc) về vấn đề hạt nhân của Triều Tiên: tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In, tổng thống Mỹ Donald Trump, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Putin.

Ở Vladivostock, ông Putin và ông Kim Jong Un bàn về chuyện quan hệ song phương và chuyện chính trị an ninh ở khu vực Đông Bắc Á mà cụ thể ở đây là giải quyết vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên, bình thường hoá quan hệ của Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc, chấm dứt tình trạng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên, chuyện LHQ và Mỹ trừng phạt Triều Tiên..... Ở chủ đề nội dung nào trên chương trình nghị sự của cuộc gặp thì sự đồng thuận quan điểm đều dễ dàng có thể đạt được.

Giữa hai nước này vốn đã có mối quan hệ hợp tác truyền thống và cùng với Trung Quốc, Nga luôn đứng về phía Triều Tiên trong những chuyện khiến mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên căng thẳng và trắc trở. Không có sự thực hiện theo hướng tuân thủ nghiêm chỉnh của Nga và Trung Quốc thì những biện pháp chính sách của Mỹ và LHQ trừng phạt Triều Tiên không thể phát huy được tác dụng. Nhưng cũng như Trung Quốc, Nga có lợi ích chiến lược thiết thực trong việc làm cho Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân, không xảy ra chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên cũng như ở khu vực Đông Băc Á giữa Triều Tiên và Mỹ hay giữa Triều Tiên và Hàn Quốc.

Triều Tiên bị trừng phạt như thế nên càng cần Nga làm đối tác kinh tế, thương mại và đầu tư, cụ thể là năng lượng, trang thiết bị cho ngành công nghiệp khai thác mỏ, máy bay để hiện đại hoá ngành hàng không...... Nga muốn có từ Triều Tiên thị trường tiêu thụ dầu lửa và khí đốt cũng như nhập khẩu nhiều kim loại quý hiếm. Nói theo cách khác, hai bên đều có nhu cầu thiết thực và tiền đề thuận lợi cho tăng cường hợp tác kinh tế, trao đổi thương mại và hoạt động đầu tư song phương. Ở Vladivostock, ông Putin và ông Kim Jong Un sẽ đạt được nhiều kết quả trên phương diện này.

Nhưng đáng được chú ý hơn là sự thống nhất quan điểm và phối hợp hành động giữa Nga và Triều Tiên trong việc giải quyết những vấn đề chính trị an ninh nổi cộm ở khu vực Đông Bắc Á, đặc biệt trong tiến trình hoà bình và hoà giải đang diễn ra giữa Triều Tiên và Mỹ. Tiến trình này hiện bị chững lại và có vẻ như trở nên khó khăn mà Nga lại như thể bị đẩy ra đứng bên lề.

Thời 2006 đến 2009, Nga là một trong những bên tham gia cùng đàm phán với Mỹ và Triều Tiên. Nga muốn có lại vai trò cùng quyết định ấy và việc ông Putin không chỉ có một lần mời ông Kim Jong Un tới thăm Nga phục vụ cho mục tiêu ấy. Nga muốn thông qua việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với Triều Tiên để có phần không chỉ trong tương lai ở Triều Tiên và khu vực mà còn có thể tác động trực tiếp tới tiến trình hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên, không để bị lép vế so với các đối tác khác và buộc các đối tác khác kia phải lưu ý thoả đáng tới lợi ích của Nga khi xử lý quan hệ của họ với Triều Tiên.

Mỹ càng làm găng với Triều Tiên và tiến trình hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên càng trắc trở thì Triều Tiên càng cần Trung Quốc và Nga, càng phải coi trọng việc thúc đẩy quan hệ hợp tác với hai nước này. Sự hậu thuẫn của họ vô cùng quan trọng đối với Triều Tiên, tương tự như vậy là việc phân hoá họ với Mỹ. Triều Tiên cần chỗ dựa và đối trọng. Ông Kim Jong Un tới thăm Nga vào thời điểm hiện tại chính vì thế.

Chiến lược và sách lược của Triều Tiên là xử lý mọi chuyện trước hết theo kênh quan hệ song phương với Mỹ và Hàn Quốc chứ không dùng khuôn khổ diễn đàn đa phương nào và chỉ muốn để cho Trung Quốc, Nga và Nhật Bản hay LHQ tham gia hoặc can dự ở giai đoạn sau của tiến trình, chủ yếu để thực hiện những gì đã được thoả thuận giữa Triều Tiên với Mỹ và Hàn Quốc.

Nhưng đồng thời Triều Tiên phải luôn tính đến khả năng Mỹ trở lại chính sách thời trước nên vẫn tranh thủ Nga và Trung Quốc như có thể được. Cuộc cấp cao Nga - Triều Tiên ở Vladivostock là dấu mốc mới trong mối quan hệ giữa hai nước này, có tác động tới quan hệ giữa Triều Tiên với Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản nhưng chưa thể thúc đẩy tiến trình hoà bình và hoà giải giữa Mỹ và Triều Tiên.