Dân Việt

Sơn La: Quả trồng trên đất dốc xuất khẩu đi 12 nước trên thế giới

Tuệ Linh 27/04/2019 11:30 GMT+7
Chiều ngày 26/4, tại Trung tâm hội nghị tỉnh Sơn La đã diễn ra Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả năm 2016 - 2018.

Trong 3 năm qua (2016 - 2018), tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả trên đất dốc (ngô, lúa, sắn) sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao (nhãn, xoài, chanh leo, bơ, na...).

Điển hình là Nghị quyết số 17/2016 của HĐND tỉnh Sơn La về chính sách hỗ trợ phát triển hợp tác xã trồng cây ăn quả, cây dược liệu dưới tán cây ăn quả giai đoạn (2017 - 2020); Nghị quyết số 28/2017 của HĐND quy định mức hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả; Nghị quyết số 57 về chính sách hỗ trợ phát triển cây trồng, vật nuôi, thủy sản và chế biến tiêu thụ nông sản thực phẩm sạch giai đoạn (2017 - 2021).... 

img

Hàng trăm diện tích đất trống, đồi núi trọc được phủ xanh bằng diện tích cây ăn quả.

Với những quyết sách đúng đắn và sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị từ địa phương đến cơ sở, các chính sách của tỉnh Sơn La đã thực sự đi vào cuộc sống. Điều đó được thể hiện qua những con số biết nói như sau: Diện tích cây ăn quả năm 2015 của tỉnh Sơn La là 23.602 ha; sản lượng đạt 101.289 tấn; giá trị sản xuất theo giá so sánh năm 2010 đạt 632,441 tỷ đồng, chiếm 9,5% tổng giá trị sản xuất của ngành trồng trọt.

Một số cây ăn quả có giá trị hàng hóa lớn và đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như nhãn Sông Mã; xoài Yên Châu, mận hậu Mộc Châu...

img

Quang cảnh buổi Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả năm 2016 - 2018.

Năm 2018, diện tích cây ăn quả toàn tỉnh Sơn La là 58.824 ha; tăng 149,2% so với năm 2015. Trong đó: nhãn 14.659 ha; xoài 11.580 ha; sơn tra 11.365 ha; chanh leo 1.390 ha; bơ 1.022 ha; cây ăn quả có múi 3.488 ha; na 211 ha; hồng 117 ha; dâu tây 19 ha;... Sản lượng các loại quả năm 2018 là 218.026 tấn, tăng 115,3% so với năm 2015.

img

Nhờ đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào ghép mắt cây ăn quả, giá trị kinh tế Xoài ghép đạt 500 triệu đồng/ha.

Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả giai đoạn năm 2016 - 2018, ông Lò Minh Hùng - Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La, cho biết: Cùng với việc tăng diện tích và sản lượng các loại cây ăn quả, tỉnh Sơn La đã chú trọng đẩy mạnh xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm nông sản tập trung, hỗ trợ xuất khẩu, tìm kiếm mở rộng thị trường.

Vì vậy, Sơn La đã xuất khẩu được 16 loại nông sản, thực phẩm, xuất khẩu được 17.511 tấn quả các loại, vào thị trường 12 nước là Pháp, Úc, Mỹ, Nhật, Trung Quốc...tăng 14,7 lần so với năm 2017; trong đó xuất khẩu chính ngạch băng 15,9 lần so với năm 2017.

img

Ông Lò Minh Hùng - Tỉnh ủy viên, Phó chủ tịch UBND tỉnh Sơn La thông tin về kết quả thực hiện chủ trương phát triển cây ăn quả trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Đến hết năm 2018, tỉnh Sơn La đã có khoảng 84.030 hộ gia đình, với 445.380 nhân khẩu (chiếm 37% dân số toàn tỉnh) sản xuất và kinh doanh 58.824 ha cây ăn quả. Nhiều diện tích cây ăn quả có hiệu quả kinh tế cao như: chanh leo tím và bơ ghép đạt 600 triệu đồng/ha; xoài ghép đạt 500 triệu đồng/ha; nhãn ghép đạt 360 triệu đồng/ha; na Hoàng hậu (Na Thái) đạt hơn 1 tỷ đồng/ha).

img

Trong 2 năm (2017 và 2018), tỉnh Sơn La đã hỗ trợ ghép cải tạo vườn cây ăn quả cho 78.982 hộ gia đình (chiếm 28% số hộ trong toàn tỉnh), với 4,1 triệu cây.

Việc thực hiện có hiệu quả chủ trương trồng cây ăn quả trên đất dốc đã góp phần nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình, GRDP bình quân đầu người năm 2016 tăng 3,07 triệu so với năm 2015; năm 2017 tăng 2,5 triệu so với năm 2016; năm 2018 tăng 3,6 triệu đồng so với năm 2017. Riêng trong 3 năm 2016 - 2018 tăng 9,17 triệu đồng, tăng 63,2% so với năm 2015.