Đến khi tôi bị bắt, tất cả mọi người lại phải thăm nuôi, lo lắng cho tôi. Đáng lẽ ở cái tuổi của mình, tôi phải là người chăm sóc cho bố mẹ, con cái. Mỗi lần cầm trên tay những thứ gia đình gửi vào, tôi cảm thấy như mình đang sống trên mồ hôi của con, của cháu mình vậy. Ân hận và day dứt về những lỗi lầm lại trào lên trong tôi”.
Luôn mặc cảm với quá khứ tội lỗi
Hải “bánh” cho biết, trong những năm đầu cải tạo tại trại giam Xuân Lộc (Z30A, Bộ Công an), Hải “bánh” luôn thu mình lại. Ngoài thời gian lao động tại trại, về đến buồng giam có thời gian rảnh là Hải “bánh” lại ngồi tự trách bản thân mình.
Hải “bánh” bên bức tranh mới hoàn thành.
Chia sẻ với PV về điều này, Hải “bánh” nói: “Mỗi khi có thời gian rảnh là những chuyện trước đây lại như một cuốn phim hiển hiện trong đầu tôi. Mỗi lần nghĩ đến nó, tôi lại thấy day dứt và ân hận vô cùng. Tôi luôn tự trách tại sao mình lại gây ra tội lỗi để cả gia đình phải khổ. Thậm chí, đến khi bố tôi mất, tôi cũng không thể về để chịu tang”.
Ngừng một lúc, Hải “bánh” nói tiếp: “Bố là người luôn thương yêu và gần gũi tôi nhất. Trước đây, khi chưa bị bắt, tôi là người thích ăn diện. Mỗi lần đi đâu mặc bộ gì, bố tôi luôn là người ngắm đầu tiên. Ngắm con trai xong, ông góp ý kiến đi đến đâu phải mặc bộ nào cho hợp. Thấy bố nói có lý nên bộ nào chưa hợp là tôi liền thay ra. Rồi khi tôi có chuyện, bố luôn là người cho tôi những lời khuyên bổ ích”.
Không kìm nén được sự xúc động khi kể về người bố thân yêu, Hải “bánh” đã khóc: “Khi tôi bị bắt, lúc đó bố tôi cũng đã yếu, cả gia đình giấu không cho bố hay tin. Sợ bố suy nghĩ mà suy sụp. Đến khi tôi khai hết ra mọi chuyện, chuẩn bị ra tòa, báo chí thông tin rầm rộ, lúc đó bố tôi mới biết. Từ lúc đó, ngày nào ông cũng đọc báo, xem ti vi để xem có tin tức gì về con trai mình không. Đến khi tòa xử tôi án chung thân, cả xóm đến chia vui cùng gia đình. Bố tôi xúc động đã viết lá thư cảm ơn Đảng và Nhà nước đã khoan hồng tha chết cho con trai mình. Nhưng lá thư bố tôi viết còn dang dở thì bố tôi mất”.
Hải “bánh” tiếp lời: “Còn mẹ tôi, trước đây khi còn khỏe thì năm nào bà cũng vượt hàng ngàn cây số để vào thăm đứa con trai tội lỗi. Bà chắt chiu từng đồng để mua đồ dùng và những thứ tôi thích vì sợ ở trong trại con mình thiếu thốn. Đến khi mẹ tôi yếu không vào thăm tôi thường xuyên được thì con gái, anh chị và các cháu lại lần lượt vào thăm tôi. Mỗi lần con gái tôi, hay anh chị và các cháu vào thăm, mọi người lại hỏi tôi có cần gì không để lần sau họ mua. Nghe mọi người nói vậy, cổ họng tôi lại thấy nghẹn đắng”.
“Anh chị tôi cũng đã hơn 60 tuổi, con gái tôi cũng đã lấy chồng, sinh con. Đáng lẽ tôi phải chăm sóc các anh chị, và cho quà bánh con cháu. Đằng này, họ lại phải lo lắng ngược lại cho tôi. Mỗi lần cầm trên tay vật gì gia đình tôi mang vào là tôi cảm thấy như mình đang ăn của con, của cháu mình vậy”, Hải “bánh” nói.
Tìm vui trong hội họa
Thời gian sau đó, nhờ sự động viên của gia đình cũng như sự giúp đỡ của các cán bộ trại giam Xuân Lộc, Hải “bánh” đã dần lấy lại tinh thần. Hải “bánh” hiểu cứ mặc cảm và dằn vặt bản thân mình không phải là cách tốt. Điều quan trọng là mình phải sống vui, sống khỏe để gia đình khỏi lo lắng. Và cố gắng cải tạo cho tốt để có thể sớm được về với gia đình. Để không có thời gian rảnh suy nghĩ lung tung, Hải “bánh” đã tìm đến hội họa như một niềm vui.
Hải “bánh” chia sẻ: “Trước kia, khi còn lăn lộn trong giang hồ, mặc dù rất thích vẽ tranh, nhưng tôi không có thời gian để vẽ. Đến khi vào cải tạo trong trại giam, tôi bình tâm lại, muốn tìm đến một cái gì đó để giết thời gian và tôi nghĩ đến hội họa. Đầu tiên chỉ là những nét vẽ thô sơ, những gì tôi cảm được là tôi vẽ. Đa phần những bức tranh tôi vẽ đều là phong cảnh, những con phố một thời in dấu tuổi thơ tôi. Sau này, tôi càng vẽ lại càng thấy đam mê nên nhờ gia đình mua sách để tìm hiểu thêm. Tôi cũng đã bắt đầu vẽ tranh thủy mặc và được mọi người rất yêu thích”.
Trò chuyện với PV, Đại úy Phan Hồng Lam, Phó giám thị trại giam Xuân Lộc cho biết: “Hải “bánh” là một người rất đa tài. Ngoài thời gian lao động ở trại ra, Hải “bánh” lại ngồi vẽ. Mỗi bức tranh của Hải “bánh” vẽ ra đều gửi hồn mình trong đó nên bức tranh rất sinh động và có hồn. Đa phần các bức vẽ của Hải “bánh” đều được các cán bộ trại giam xin về treo ở phòng làm việc hoặc nhà riêng. Tôi cũng là một trong những cán bộ của trại rất thích tranh Hải “bánh” vẽ”.
Từ ngày đến với hội họa, Hải “bánh” cảm thấy như mình vẫn còn có ích. Hải “bánh” bộc bạch: “Mỗi tác phẩm tôi vẽ ra đều được mọi người đón nhận nên tôi vui lắm. Tôi thấy như tìm lại được chính bản thân mình. Tuy nhiên, gia đình tôi vẫn chưa ai được xem các bức tranh tôi vẽ. Tôi vẫn ấp ủ trong lòng dự định là sẽ vẽ một bức tranh thật đẹp để tặng mẹ và con gái, nhưng đến bây giờ tôi vẫn chưa làm được điều này”.
Ngoài việc vẽ tranh, Hải “bánh” còn biết cắt tỉa tạo thế cho cây cảnh hay đắp những hòn non bộ. Bên cạnh đó, mỗi dịp Tết đến, các cán bộ của trại còn nhờ Hải “bánh” viết những bức thư pháp để mang về nhà treo. Hải “bánh” tâm sự: “Bây giờ, tôi không có thời gian để buồn nữa. Mỗi lúc rảnh rỗi tôi lại đọc sách, vẽ tranh hoặc làm những việc mình thích để trau dồi thêm kiến thức cũng như tu dưỡng cho chính bản thân mình”.
Gửi lời xin lỗi tới người thân Trò chuyện với PV, Hải “bánh” nói: “Nhân đây, qua báo Công lý, tôi gửi lời xin lỗi đến mẹ tôi và con gái, hai người đã vì tôi mà phải chịu nhiều đau khổ. Bên cạnh đó, cho tôi gửi lời xin lỗi chân thành nhất đến Hà, là mẹ của con gái tôi. Tôi đã làm cô ấy buồn nhiều, tôi vẫn nợ cô ấy một lời xin lỗi”. |