Sâm quý ít người biết
Ông Nguyễn Văn Đại - Chủ tịch UBND xã Việt Lập cho biết, trước đây người dân ở khu vực núi Dành (hay còn gọi là Chung Sơn) vẫn truyền tai câu chuyện về loài sâm chỉ mọc ở núi Dành, được gọi là sâm nam núi Dành. Loại sâm này có nhiều công dụng, tốt cho sức khỏe, tương truyền từng chữa khỏi bệnh mù lòa cho mẹ Vua Tự Đức.
Ông Thân Hải Đăng (thôn Đồng Sen, xã Việt Lập) đang gìn giữ gốc sâm quý có tuổi thọ khoảng 70 năm. Ảnh: GD
Theo khảo sát của các nhà khoa học, ngoài diện tích của hộ ông Đăng, khoảng 10 hộ (chủ yếu ở thôn Đồng Sen, xã Việt Lập) cũng đang trồng với diện tích khoảng 5.000m2. Thông thường, mỗi cây sâm trồng từ 4 đến 5 năm thì cho thu hoạch. Trên thị trường, 1kg sâm Nam núi Dành tươi giá khoảng 2 triệu đồng. Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao đang dự định thực hiện đề tài này cấp nhà nước để nghiên cứu ở tầm vĩ mô với mục tiêu bảo tồn, phát triển kinh tế từ loại dược liệu tiến vua này. |
Tìm hiểu từ người dân nơi đây được biết, trước đây cũng có một số hộ trồng loại sâm này nhưng chỉ từ 10-15m2/hộ. Người dân thường sử dụng sâm nam để chữa các bệnh mãn tính như viêm gan, thấp khớp, hồi phục sức khỏe. Ngoài ra, loại cây này còn có tác dụng chống lão hóa tế bào, do đó còn được gọi là vị thuốc “cải lão hoàn đồng”.
Từ khi trở thành sản vật quý dùng để tiến vua, loại thảo dược này được coi như “sâm tiên”, một gốc sâm to có thể đổi được cả tạ gạo trắng nên bị người dân săn tìm ráo riết. Ít ai biết ông Thân Hải Đăng (thôn Đồng Sen, xã Việt Lập) đang gìn giữ gốc sâm quý có tuổi thọ khoảng 70 năm.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đăng cho biết, trước kia, gia đình trồng vài cây sâm ở góc vườn. Bà ngoại ông Đăng khi còn sống thường lên núi Dành đào củ sâm mang bán đổi lấy gạo ăn. Bà chính là người có công đưa cây sâm này về vườn trồng. Từng xem bà ngoại bốc thuốc, ông Đăng biết được loại sâm này đặc biệt tốt cho trẻ nhỏ ốm yếu. Hoặc người nào bị cảm, sốt cao thì chỉ cần đun nước sâm này uống, cũng giúp hạ nhiệt nhanh.
“Vì thế, hễ thân cây có cành chồi ra mặt đất, tôi lại cuốc xới trồng sang chỗ khác, cây phát triển chậm, tỷ lệ sống chỉ đạt 50%. Từ sau khi tham gia dự án của Viện Di truyền nông nghiệp, được các chuyên gia hướng dẫn kỹ thuật nhân giống, chăm sóc thì tỷ lệ sâm sống đạt tới 90%” - ông Đăng chia sẻ.
Được biết vào năm 2015, các nhà khoa học thuộc Trung tâm Thực nghiệm sinh học nông nghiệp công nghệ cao (Viện Di truyền nông nghiệp) đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đánh giá, bảo tồn nguồn gen cây sâm Nam núi Dành phân bố trên địa bàn tỉnh Bắc Giang”. Theo đó, hộ ông Đăng ở thôn Đồng Sen được chọn làm điểm để nghiên cứu, đánh giá dược tính của loài sâm đặc biệt này.
Từ kết quả nghiên cứu, các chuyên gia xác định, sâm Nam núi Dành có tên khoa học là Callerya speciosa, phân bố hẹp, chủ yếu ở xã Việt Lập và Liên Chung - nơi có thành phần thổ nhưỡng đặc biệt (đá cám, canxi và magiê). Nhóm chất chính trong mẫu sâm là saponin (hoạt chất chính tạo nên những công dụng kỳ diệu của sâm), flavonoid (hoạt chất chống lão hóa), acid hữu cơ, acid amin...
Mẫu sâm hơn 5 tuổi có hàm lượng lớn hơn đáng kể so với mẫu 2, 3, 4 tuổi. Cụ thể, nhóm chất saponin ở củ sâm Nam núi Dành 5 tuổi cao hơn so với loại 2 tuổi 253%, flavonoid là 595%. Đáng chú ý, hàm lượng chất saponin tương đương với sâm Hàn Quốc và chỉ đứng sau sâm Ngọc Linh - loại sâm quý, hiếm nhất thế giới...
Hồi sinh loài “sâm tiên”
Biết rõ công dụng của loại “sâm tiên” trong vườn, nhưng cách đây 10 năm, ông Đăng mới tiến hành nhân giống trồng. “Năm 2009, một cán bộ huyện Tân Yên biết tin nhà tôi có sâm quý đã về tìm hiểu, khảo sát. Sau đó, ông ấy hướng dẫn tôi bảo vệ cây sâm cổ và hướng dẫn cách nhân giống” - ông kể.
Sâm núi Dành thuộc loại dây, leo bò như khoai lang, sinh trưởng chậm. Lúc đầu, việc nhân giống rất khó khăn. Mỗi khi dây sâm dài chừng một gang tay thì sinh thêm một đốt, đốt ấy mọc rễ đâm xuống đất, sau vài năm sẽ thành gốc cây mới. Sau đó, cây con được tách ra rồi đánh sang trồng chỗ khác. Ông Đăng cho biết, cách nhân giống này cho tỷ lệ sống rất thấp, cây lớn chậm.
“Tôi cho đất vào túi nylon, bọc vào đốt cây, giống như mình chiết cây vậy. Sau một thời gian khi nhánh sâm mọc rễ trong bầu thì chỉ việc bứt ra đem ươm trồng bình thường. Hiện nay, gia đình tôi đã trồng được hơn 5 sào sâm, với vài nghìn gốc cây có độ tuổi từ 3 - 6 năm” - ông chia sẻ.
Cách làm mới giúp tỷ lệ sâm sống cao, lớn nhanh và mọc củ sau chỉ một năm trồng. Củ sâm phải sau 5 năm tuổi mới có thể làm thuốc, nhưng để đạt kích thước to thì phải đợi sau 10 năm. Ông Đăng còn nghĩ ra phương pháp bắc giàn cho từng cây sâm, để chúng không mọc lan lung tung trên mặt đất, nhằm tập trung củ ở một gốc.
Bới thử một củ sâm lớn, ông Đăng cho biết thêm: “Do mọc trong vùng đất trên núi cao nên sâm có lớp vỏ ngoài rất cứng, bảo vệ phần lõi quý của chúng. Phần ruột sâm màu vàng nhạt. Sâm càng già tuổi thì ruột càng óng vàng và cho chất lượng cao”.
Sau gần 6 năm trồng đại trà, vườn sâm của ông Đăng đã cho thu hoạch, củ to bằng ngón chân cái. Từ đầu năm đến nay, ông đã bán được hơn 30kg sâm tươi, đem lại thu nhập trên 60 triệu đồng. Theo ông Đăng, sâm tươi có thể sử dụng để ngâm rượu hoặc đun nước uống đều rất tốt cho cơ thể. Hiện ông Đăng cũng chia sẻ kinh nghiệm và cung cấp giống cho bà con trong vùng cùng trồng. Mỗi bầu sâm giống giá khoảng 35.000 đồng.