Lợn trôi nổi khắp kênh
Theo ghi nhận của phóng viên Báo NTNN, những ngày gần đây, khu vực kênh mương thuộc địa phận thôn Dũng Tiến, xã Đông Tảo, huyện Khoái Châu (Hưng Yên) vẫn xuất hiện nhiều xác lợn chết bị vứt trôi nổi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc.
Do thiếu xe chuyên chở nên thú y xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình (Bắc Ninh) phải thuê cả xe máy kéo lợn dịch đưa ra đồng tiêu hủy. Ảnh: Trần Quang
"Do lực lượng mỏng, số lợn bị nhiễm dịch bệnh lại nhiều nên xử lý không kịp, có hộ báo lợn chết từ ngày hôm trước nhưng sang đến hôm sau mới có người đến đưa đi tiêu hủy khiến môi trường chăn nuôi, sinh hoạt của bà con bị ảnh hưởng nhiều”. Ông Bùi Thế Quế - Trưởng thôn Hương Triện |
Theo phản ánh của nhiều hộ dân sống bên cạnh dòng kênh (gần cống 3 cửa) ở thôn Dũng Tiến, xã Đông Tảo, tình trạng vứt xác lợn chết ở đây đã diễn ra nhiều ngày. Và điều đáng nói hơn là dân đã báo lên chính quyền nhưng đến giờ tình trạng này vẫn chưa được giải quyết khiến môi trường, cuộc sống, sản xuất của bà con ở đây bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
"Lợn chết vứt khắp kênh, mùi hôi thối tràn lan khắp nơi, gia đình tôi và bà con ở đây sống khổ vô cùng mà không biết kêu ai cứu giúp" - bà Lê Thị Thương, một nông dân ở thôn Dũng Tiến, xã Đông Tảo nói.
Lý giải về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Chiến - Chủ tịch UBND xã Đông Tảo cho rằng: Sau gần 1 tháng xuất hiện dịch tả lợn châu Phi, đến nay mọi công tác phòng, dập dịch vẫn được thực hiện tốt. "Ở một số chỗ vẫn còn vi phạm nhưng đó chỉ trường hợp cá biệt và chúng tôi sẽ cho người xuống xử lý ngay" - ông Chiến nói.
Theo ông Chiến, tính đến thời điểm này, xã Đông Tảo đã tiêu hủy trên 4.000 con lợn (khoảng 200 tấn lợn hơi) của gần 20 hộ, trong đó có một số trang trại lớn có quy mô hàng nghìn con bị nhiễm dịch tả lợn châu Phi như trang trại của hộ Hoàng Thị Huê...
Bên cạnh huyện Khoái Châu, người dân ở xã Quang Hưng, huyện Phù Cừ (Hưng Yên) cũng đang rất bức xúc với cách tiêu hủy lợn dịch của cán bộ thú y địa phương. Anh Phạm Văn Minh, một người dân ở đây cho hay: “Tận mắt chứng kiến cảnh cán bộ kéo lợn khắp làng đưa ra góc ruộng rồi dùng cuốc, xẻng... đào chôn lợn tôi và bà con rất bức xúc. Cách làm này rất nguy hiểm không chỉ gây ô nhiễm môi trường mà còn gây mất an toàn vệ sinh, tiền ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh sang các hộ khác"- anh Minh cảnh báo.
Tiêu hủy sai quy trình
Theo phản ánh của người dân thôn Hương Triện, xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình (Bắc Ninh), số lượng lợn ở thôn bị chết do nhiễm virus dịch tả lợn châu Phi đang tăng nhanh, tuy nhiên do lực lượng cán bộ thú y ít nên xử lý không xuể, dẫn đến tình trạng có hộ báo lợn chết trong chuồng 2 ngày mới thấy cán bộ thú y đến kiểm tra, đưa đi tiêu hủy.
Ông Bùi Thế Quế - Trưởng thôn Hương Triện cho hay: Sau nhiều ngày xuất hiện ổ dịch, đến thời điểm này lợn ở địa bàn thôn đang chết nhiều nên cán bộ thú y xã, huyện phải làm việc quần quật cả ngày lẫn đêm không xuể.
Để công tác phòng, chống dịch của địa phương tiến hành nhanh, đảm bảo hơn, ông Quế kiến nghị huyện và tỉnh tăng cường thêm lực lượng xuống địa bàn giúp bà con Hương Triện phun tiêu độc, khử trùng và tiêu hủy lợn. Ngoài việc xử lý lợn dịch chậm chễ, theo ghi nhận thực tế của phóng viên, trên các tuyến đường liên xã, liên thôn, xóm ở Nhân Thắng không hề có chốt kiểm dịch nào được lập. Điều đáng nói là lực lượng xử lý dịch, tiêu hủy lợn ở Nhân Thắng hiện rất mỏng, chỉ có 2 - 3 cán bộ thú y vừa lo đi thống kê, xử lý lợn dịch, vừa lo điều xe tiêu hủy, tiêu độc, khử trùng...
Chính vì thế mà các công việc phun tiêu độc khử trùng, chôn lấp, tiêu hủy lợn dịch ở đây được thực hiện rất sơ sài, thậm chí cán bộ còn không có đồ bảo hộ, có người còn dùng tay không để làm…
Chứng kiến tình trạng này, bà Nguyễn Thị Hòa - chủ trại lợn hơn 60 con ở thôn Hương Triện tỏ ra rất bất bình. Bà Hòa cho biết, hiện đàn lợn của gia đình bà chưa bị dịch nhưng do nằm gần các trại có lợn bị dịch ở thôn nên vợ chồng bà đang đứng ngồi không yên lo lợn nhà mình sẽ bị nhiễm bệnh.