Dân Việt

Trung Quốc nhập chính ngạch lại lo phát triển nóng nghề nuôi chim trời làm tổ tiền tỷ ở Bình Dương

Tiểu My 28/04/2019 15:00 GMT+7
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bình Dương hoạt động nuôi chim yến đang phát triển mạnh. Tuy nhiên, việc quản lý và phối hợp quản lý hoạt động này theo đúng quy định vẫn còn nhiều bất cập, nhất là trong bối cảnh một số doanh nghiệp đã ký kết hợp đồng xuất khẩu chính ngạch tổ yến sang thị trường Trung Quốc.

Cơ sở nuôi yến tăng mạnh

Số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, tính đến ngày 1-3-2019 trên địa bàn tỉnh có 334 hộ nuôi chim yến với số lượng ước đạt 350.670 con, tổng diện tích nhà nuôi 80.457m2, sản lượng tổ chim yến khoảng 1.628,6kg/năm. Số hộ nuôi yến tập trung nhiều ở huyện Dầu Tiếng (159 hộ) và huyện Bàu Bàng (71 hộ).

img

Một cơ sở nuôi yến tại xã Minh Tân, huyện Dầu Tiếng

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ cuối năm 2018 đến nay, số lượng cơ sở nuôi yến trên địa bàn tỉnh tăng mạnh, trong đó riêng huyện Dầu Tiếng tăng 132 hộ mới với diện tích tăng 33.442m2, huyện Bàu Bàng tăng 53 hộ mới với diện tích tăng 11.480m2. Hiện nay, các hộ nuôi chủ yếu là nuôi tư nhân (334 hộ), chỉ có 1 công ty là Công ty TNHH Vườn bách thú Đại Nam hoạt động trong lĩnh vực này.

Ông Trần Phú Cường, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản, cho biết qua khảo sát cho thấy thực tế tiềm năng và triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến trên địa tỉnh rất lớn. Bởi vì nhiều khu vực trong tỉnh có tiểu khí hậu khá tốt, các dòng chảy, cánh đồng tự nhiên, thuận lợi cho côn trùng phát triển, tạo nguồn thức ăn chính cho chim yến.

Về thị trường, thời gian qua, Công ty CP Tập đoàn Quảng bá và phát triển thị trường Yến sào Việt Nam đã ký kết hợp đồng xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc với Công ty Đông nam Yến Đô, chính vì vậy khả năng và thị trường tiêu thụ yến là rất lớn, nhờ đó nghề nuôi yến có nhiều thuận lợi để phát triển.

Tại cuộc họp với sở, ngành, địa phương trong tỉnh mới đây về đẩy mạnh công tác quản lý việc nuôi yến trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Bông, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết nhiều địa phương trong tỉnh có lợi thế về tự nhiên, khả năng về kỹ thuật để phát triển nghề nuôi chim yến, qua đó tạo việc làm và nguồn thu đáng kể cho địa phương và bảo vệ môi trường sinh thái. Tuy nhiên, không phải địa phương nào, vùng nào cũng có thể phát triển nghề nuôi chim yến.

Cần sớm có quy định cụ thể về nuôi chim yến

Ông Cường cho hay, hiện nay ngành nông nghiệp quản lý hoạt động nuôi chim yến trên địa bàn theo hướng dẫn của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Tuy nhiên, nghề nuôi chim yến phát triển nhanh trong khi thiếu các hướng dẫn và quy định về mặt kỹ thuật đã tạo ra nhiều kẽ hở trong công tác quản lý nhà nước về nuôi chim yến. Bên cạnh đó, hiện ngành nông nghiệp cũng đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý và phát triển nghề nuôi chim yến.

Trước hết, về công tác quy hoạch, ngành nông nghiệp chưa có quy định cụ thể về vị trí xây dựng mới cơ sở nuôi chim yến, cho nên các địa phương gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện quản lý theo quy hoạch.

Cùng với đó, đa số cơ sở nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh nằm xen lẫn trong khu dân cư, nhà nuôi yến được xây dựng trên nhà ở của người dân đã ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân trong khu dân cư.

Đồng thời, chim yến với đặc thù là chim hoang dã, sống thành đàn lớn, bay lượn trên cao nên rất khó kiểm soát dịch bệnh hơn gia cầm khác, nên khi dịch cúm gia cầm xảy ra gây khó khăn cho ngành nông nghiệp về công tác quản lý về điều kiện vệ sinh thú y và giám sát dịch bệnh.

Về kỹ thuật nuôi chim yến, do hiện nay phong trào nuôi yến trên địa bàn tỉnh nở rộ, một số hộ xây dựng nhà nuôi yến tự phát nên có nhiều trường hợp đầu tư xây nhà hàng tỷ đồng mà không dẫn dụ được đàn chim yến hoặc khi dẫn dụ được chim yến vào rồi lại bỏ đi.
Trong khi đó, nhiều nơi người dân xây dựng nhà ở không ở mà sử dụng làm nhà dẫn dụ nuôi chim yến. Một vấn đề nữa, trình độ, nghiệp vụ của cán bộ quản lý lĩnh vực này ở các cấp còn hạn chế, chưa được tập huấn, đào tạo chuyên môn quản lý chim yến…

Trao đổi với phóng viên về hướng xử lý những nhà yến xây trái phép, không phép hiện nay, ông Cường cho biết hiện nay, việc cấp phép nuôi yến dựa vào khoảng cách nhà yến so với nhà dân theo quy định về bảo vệ môi trường; địa điểm phải được chính quyền địa phương chấp thuận; xây công trình nhà yến phải được cấp phép vì tính chất an toàn công trình…

Đối với những trường hợp xây trái phép, không phép, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã và đang phối hợp với các địa phương vận động chủ các cơ sở nuôi yến làm giấy phép, thực hiện đúng theo các quy định liên quan. Ngành đang chờ Luật Chăn nuôi và nghị định của Chính phủ có liên quan sớm ra đời và có hiệu lực để có đủ căn cứ pháp lý xử lý tình trạng nói trên.

Tại cuộc họp với các ngành chức năng mới đây, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, chính quyền địa phương các cấp và các cơ quan có liên quan cần giám sát chặt các hộ dân xây dựng nhà ở. Theo đó, phải yêu cầu các hộ làm theo đúng thiết kế, mục đích sử dụng và khi xây dựng phải tuân thủ đúng quy định pháp luật về xây dựng và môi trường. Bên cạnh đó, các sở, ngành, địa phương, đơn vị cần xử phạt nghiêm các cơ sở vi phạm các quy định liên quan, cụ thể về môi trường, phát âm thanh quá quy định...