EVN khẳng định biểu giá điện đúng theo thông lệ quốc tế
Ông Nguyễn Xuân Nam (Phó TGĐ Tập đoàn Điện lực Việt Nam) cho biết, thực tế theo thống kê của EVN thì nguyên nhân khiến hóa đơn tiền điện của người tiêu thụ điện tăng lên có ba nguyên nhân. Thứ nhấ là thời tiết chuyển sang mùa nắng nóng, người dân dùng lượng điện nhiều hơn so với tháng trước, đây là nguyên nhân lớn nhất. Bởi theo thống kê, tất cả người dân dùng những sản phẩm để làm mát. Tại Hồ Chí Minh, có hơn 30% hộ có lượng điện tăng.
Người dân "méo mặt" vì tiền điện tháng 4 tăng cao.
Thứ hai là số ngày sử dụng điện trong các kỳ hóa đơn tháng 4 (31 ngày) nhiều hơn so với kỳ hóa đơn tháng 3 (chỉ có 28 ngày) là 3 ngày, số ngày tăng thêm trong tháng sẽ làm cho điện năng sử dụng của tháng 4.2019 tăng thêm 10,71%.
Nguyên nhân thứ ba là Bộ Công Thương chính thức công bố quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân năm 2019 được điều chỉnh với mức giá mới là 1.864đồng/kWh, tăng 8,36% so với mức giá bán lẻ điện bình quân hiện hành (1.720,65 đồng/kWh). Đây cũng chính là lý do mà tiền điện của người dân tăng cao trong thời gian này.
Bộ Công Thương công bố chính thức tăng giá điện từ ngày 20.3.
Theo ông Nam, biểu giá điện mà EVN đang sử dụng là phù hợp và được Chính phủ quy định.
"Biểu giá điện đang dùng thực hiện theo Luật điện lực, trong đó quy định theo cơ chế thị trường và có sự điều tiết của nhà nước. Chính phủ sẽ quy định biểu giá điện. Ngày 7.4.2014 Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về cơ cấu biểu giá điện, trong đó có 6 bậc thang. Trong đó hai bậc đầu dưới 100kwh thì giá bán thấp hơn so với bình quân nhằm ủng hộ người thu nhập thấp. Còn các bậc sau giá bán cao hơn, mục đích là tiết kiệm điện và sử dụng điện có hiệu quả. Trong bối cảnh cung không đủ cầu, thế nên tiết kiệm điện là giải pháp cần thiết".
Theo vị lãnh đạo EVN, biểu giá điện của Việt Nam đúng theo thông lệ quốc tế, các nước trong khu vực cũng sử dụng biểu giá này.
"Biểu giá điện chúng ta dùng đúng theo thông lệ quốc tế, các nước như Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc...cũng dùng chung biểu giá này. Thấp nhất là ba bậc và nhiều nhất là 10 bậc như Thái Lan".
"Việc tăng này hoàn toàn không có bất thường trong tăng giá điện. Dù ở khung giá nào thì vẫn tăng 8,36%", ông Nam khẳng định.
Chia giá điện thành 6 bậc là chưa hợp lý đẩy thiệt về phía người tiêu dùng
PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, không chỉ vì giá điện tăng 8,36%, mà nguyên nhân chính là việc phân giá điện thành 6 bậc là chưa hợp lý khiến thiệt hại về phía người tiêu dùng.
Biểu giá 6 bậc ngành điện đưa ra là chưa phù hợp.
Theo nguyên tắc, giá bán lẻ điện bình quân thì ngành điện sẽ phân thành nhiều bậc. Phân cụ thể để khi tính toán toàn bộ sản lượng điện với tổng tiền thu được bằng mức quy định riêng cho từng bậc thang.
"Nếu theo cách tính 6 bậc của Tập đoàn Điện lực, tổng số tiền thu được, chia cho giá điện sẽ lớn hơn nhiều giá niêm yết cho từng bậc. Việc này có lợi cho doanh nghiệp chứ người dân thiệt hại", ông Long khẳng định.
PGS.TS Ngô Trí Long cho biết: "Vấn đề này ngành điện lại đưa ra lý lẽ là không biết mức độ tiêu thụ điện từng bậc là bao nhiều. Tuy nhiên theo tôi, người ta nói vậy thôi chứ tính hết được".
Nếu bỏ bậc thang và đưa chung về một giá thì dễ tính toán, nhưng cái này lợi cho người giàu, nhưng lại hại cho người có thu nhập thấp. Bên cạnh đó, giá tiền từng bậc chưa chuẩn, nhân mùa này nắng nóng nên người dân càng chịu nhiều áp lực từ giá tiền điện và số lượng điện tiêu thụ trong giá đình. Điều này sẽ khiến hóa đơn tiền điện có thể tăng trong những tháng tiếp theo.