Theo người dân ở xã Nam Cát Tiên, huyện Tân Phú (Đồng Nai), một số ghe thuyền bắt đầu hút cát trên sông Đạ Huoai từ nửa năm nay. Các tàu này chỉ được cấp phép khai thác cát ở phần sông thuộc tỉnh Lâm Đồng nhưng phía bờ sông thuộc tỉnh Đồng Nai lại chịu hậu quả.
Người dân xã Nam Cát Tiên lo lắng khi đất nông nghiệp đang bị sạt lở xuống sông. Ảnh: Minh Thanh
Ông Đinh Văn Thuận, ngụ ấp 3 xã Nam Cát Tiên cho biết, đất nông nghiệp ven sông Ðạ Huoai là vùng trồng dâu nuôi tằm trù phú của người dân. Công việc này tạo ra nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng/ha/năm. Nhưng từ khi có các tàu hút cát về đây, bờ sông sạt lở, làm mất đất sản xuất khiến người dân rất bức xúc, lo lắng.
Theo ông Thuận, hàng trăm m2 đất trồng dâu của người dân xã Nam Cát Tiên đã trôi sông vì sạt lở. Gần 1 tháng nay, mọi người phải bỏ công bỏ việc thay nhau ra bờ sông canh chừng tàu hút cát trộm.
“Nếu không canh chừng, họ cho tàu đậu giữa sông nhưng dùng vòi hút sát vào đất của chúng tôi”, ông Thuận nói.
Theo bà Phạm Thị Hoa, ngụ cùng ấp, người dân đã nhiều lần gọi báo lên chính quyền địa phương. Nhưng khi lực lượng chức năng xuống đến nơi thì cát tàu hút cát chạy sang bờ bên kia, không làm gì được. Cứ thế tình trạng khai thác cát vẫn diễn ra khiến tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng hơn.
Các đối tượng khai thác cát cũng rất manh động khi có người dân phản ánh về tình trạng khai thác thì bị người lạ đe dọa, thậm chí tấn công. Thời gian gần đây nhiều đối tượng còn tìm cách mua luôn diện tích đất nông nghiệp ven sông của người dân với giá 30 triệu đồng/sào.
Người dân đề nghị chính quyền cần quyết liệt hơn, không cho hút cát để giữ đất sản xuất. Ảnh: Minh Thanh
“Họ nói thẳng là mua đất để khai thác cát. Đã có 4 hộ phải chấp nhận bán đất để gỡ gạc còn hơn nhìn đất trôi xuống sông. Chính quyền cần phải quyết liệt hơn nữa, không cho hút cát để giữ đất sản xuất cho bà con”, bà Hoa đề nghị.
Từ cuối năm 2018, UBND 2 tỉnh Ðồng Nai và Lâm Ðồng đã có thông báo ngừng các hoạt động cấp phép khai thác cát trên tuyến sông Ðồng Nai. Tuy nhiên, sông Ðạ Huoai lại không thuộc phạm vi trong thông báo này.
Do đó, theo ông Nguyễn Hữu Ký - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú, tình trạng một bên ngưng, một bên tiếp tục cấp phép khiến việc xử lý các tàu hút cát rất khó khăn.
Để đảm bảo an toàn tài sản cho người dân và tránh tình trạng khai thác cát tràn lan, UBND huyện Tân Phú cho biết sẽ gửi văn bản lên UBND tỉnh để tỉnh Đồng Nai làm việc với tỉnh Lâm Ðồng theo hướng cấm khai thác cát trên sông Ðạ Huoai thời gian tới.
Trên thượng nguồn sông Sài Gòn thuộc địa bàn xã Tân Hoà, huyện Tân Châu (tỉnh Tây Ninh) – đoạn giáp ranh tỉnh Bình Phước, cát tặc cũng đã quay trở lại điểm nóng này sau một thời gian im ắng.
Hút cát trái phép ở thượng nguồn sông Sài Gòn. Ảnh: Quốc Sơn
Theo người dân địa phương, thời điểm cuối tháng 4 đã xuất hiện 2 tàu không mang số hiệu ra vào hút cát. Đáng lo hơn khi hai tàu này bơm hút cát ngay gần bờ, dọc theo dãi đất bán ngập nơi người dân đang trồng khoai mì. Sau đó, cả hai tàu đều chở cát ngược về hướng thượng nguồn sông Sài Gòn.
Đối diện với điểm mà các tàu này khai thác cát trái phép, bên kia sông là địa phận tỉnh Bình Phước. Còn nếu xuôi về hạ lưu sông Sài Gòn chừng 1km nữa là tiếp giáp với tỉnh Bình Dương. Khu vực này tiếp giáp giữa ba tỉnh nên tình hình “cát tặc” diễn biến phức tạp.
Theo người dân địa phương, nguồn lợi từ khai thác cát rất lớn nhưng cũng để lại hậu quả nặng nề, mất tài nguyên, ảnh hưởng môi trường. Nghiêm trọng hơn nữa là ảnh hưởng đến cuộc sống người dân đang sinh sống ven sông.
Để đảm bảo công tác quản lý và hoạt động khai thác cát nhằm bảo vệ môi trường, hệ sinh thái, các tỉnh giáp ranh cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong việc quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản.