Thủ phủ cá đồng
Ông Sáu kể, đầu năm 1995, cả gia đình ông quyết định chọn xứ U Minh lập nghiệp. Lúc ấy hoang sơ, rừng thiêng nước độc, cá nhiều vô kể. Trải qua nhiều khốn khó để cùng đất rừng sinh sống, phát triển, vì thế người dân nơi đây càng quý trọng những sản vật đất rừng ban tặng.
Nguồn cá đồng ở huyện U Minh, tỉnh Cà Mau đã dần cạn kiệt theo thời gian.
Nhắc đến thời vàng son của con cá đồng, ông Sáu giải thích: “Mấy cô, mấy chú nghĩ coi, mình sống giữa vùng rừng mênh mông thì có phải con cá đồng là nguốn sống không? Hồi ấy, trồng tràm tới 10 năm mới khai thác nên chúng tôi phải sống dựa vào con cá đồng. Nhà nước không cho khai thác nhiều, mỗi nhà cấp chừng 4 m lưới, giăng đủ ăn. Bởi vậy, cá đồng mới còn nhiều, bỏ lưới chừng 15 phút kiếm hơn 3 kg cá là chuyện bình thường”.
Vất vả với cảnh sống không điện, không đường nhưng người dân vẫn bám trụ. Chắc do người ta nghĩ đơn giản, cứ chăm chỉ thì thế nào cũng có cái ăn giữa chốn rừng này. Được thiên nhiên ưu ái, được rừng tràm bảo vệ nên con cá đồng cứ thế mà phát triển, sinh sôi tại đây và đem lại nguồn sống cho người dân quanh vùng rừng.
Ông Nguyễn Thanh Tâm, Ấp 17, xã Khánh Thuận, trần tình: “Hồi ấy ý thức bảo vệ nguồn cá đồng của bà con tốt lắm, dù nghèo khó, vất vả ở xứ sở này nhưng chúng tôi luôn tự hào về nguồn lợi cá đồng. Mình sống gắn bó với cây tràm và cá đồng là nguồn sống của dân xứ tràm nên bảo vệ là đương nhiên rồi. Giờ con cá đồng dần mất đất sống, cá ít vì dân thì cứ đông mà đất không nở thêm chút nào”.
Nỗi buồn cá đồng
Những ngày hoàng kim của con cá đồng có lẽ sẽ là một ký ức đẹp đối với người dân vùng tràm khi hiện tại nó đã dần cạn kiệt theo năm tháng.
Là người từng sống gắn bó lâu năm với vùng rừng tràm, ông Huỳnh Thanh Bê, 55 tuổi, ở Ấp 16, xã Khánh Thuận, trăn trở: “Sống ở đây gần 30 năm, nghĩ tới việc không còn cá đồng nữa thì tôi lại ngậm ngùi. Hồi trước cá lội đặc sông, giờ kiếm đỏ con mắt mới được vài ký. Cũng do con người không biết tôn tạo, gìn giữ, dân thì càng lúc càng đông, còn đất thì hạn hẹp dần, bởi vậy nguồn cá đồng cũng từ đó mà ít dần”.
Mặc dù cá hiện nay được người dân nuôi với sản lượng lớn, nhưng vẫn không thể nào sánh kịp với chất lượng của con cá đồng tự nhiên. Với ưu điểm thịt dai, thơm ngon nên dù giá cá đồng tăng cao vẫn được người dân tìm chọn. Do cách khai thác không kiểm soát, chạy đua lợi nhuận mà nhiều người đã khai thác nguồn cá đồng vô tội vạ.
Ông Bê trần tình: “Giá cao nên người người ta đổ xô nhau bắt là chuyện thường tình. Nhiều người vì ham giá cao mà đến bầy cá lòng ròng cũng không tha. Rồi hiện nay một số vùng trồng lúa 2 vụ, lượng thuốc hoá học sử dụng nhiều cho cây lúa cũng ảnh hưởng nghiêm trọng đến cá đồng. Giờ chỉ trông chờ vào ý thức bảo vệ của người dân thôi, không khéo con cá đồng sẽ không còn nữa”.
Nỗi trăn trở ấy càng day dứt hơn khi người dân nơi đây hàng ngày phải chứng kiến con cá đồng bị thay bằng những loại cá nuôi công nghiệp mà nhiều người vẫn bán ở các chợ. Dọc theo các tuyến đường về U Minh, không khó bắt gặp những chậu, thau bày bán cá đồng, tuy nhiên về chất lượng, nguồn gốc, nhiều khách hàng vẫn phải ngậm bồ hòn làm ngọt vì mua nhầm cá nuôi./.
Tại huyện U Minh, hiện các xã: Khánh Thuận, Khánh An, Khánh Lâm, Nguyễn Phích, một phần xã Khánh Hội còn nguồn cá đồng tự nhiên. Tổng sản lượng cá đồng năm vừa rồi đạt 20 ngàn tấn. Tuy nhiên, so với khoảng 5 năm trước, sản lượng cá đồng tự nhiên đã giảm hơn 50%. "Hiện nay, Hội Nông dân huyện U Minh đã triển khai nhiều biện pháp nhằm giữ gìn nguồn cá tự nhiên, như khuyến khích nuôi cá xen trồng tràm, thành lập nhiều tổ hợp tác nuôi cá đồng, tuyên truyền, vận động người dân bảo vệ cá non, không bắt cá bằng các hình thức tận diệt", Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện U Minh Phạm Văn Nhạn thông tin. |