Dân Việt

Chầu chực chờ xem rồng phun lửa

30/01/2012 06:26 GMT+7
(Dân Việt) - Là con vật được coi là “rồng thật” duy nhất, rồng Komodo mang đầy đủ những đặc tính khiến loài rồng trở nên huyền thoại.

Indonesia, đất nước Vạn đảo cũng là quê hương của loài rồng này. Vốn hiếu kỳ với loài rồng khổng lồ Komodo duy nhất còn sót lại của hành tinh, lại được chọn làm linh vật cho kỳ SEA Games 26 ngay trước năm rồng (Nhâm Thìn) nên đến Indonesia việc đầu tiên là tôi phải bổ đi khắp nơi để tìm, hỏi: "Rồng đâu? Rồng đâu?".

img
 

Chầu chực chờ rồng... phun lửa

Ban đêm tại Vườn thú Jakarta (thủ đô của Indonesia) hoang vắng kinh người. Cả vườn thú lúc này, chỉ có tôi với anh Bacile - là nhân viên vườn thú, mà tôi phải nài nỉ mãi, còn lôi thẻ SEA Games, mới được anh dẫn vào đây để giải đáp thắc mắc muôn đời của trẻ con Việt Nam: “Có thật là chú rồng Komodo này biết phun lửa hay không?”

img
 

Muỗi đốt tê chân, tay lăm lăm máy ảnh đến mỏi dừ, mãi mà không thấy chú rồng nào trong số 12 chú rồng tại đây khạc lửa, hai anh em bực tức ra cổng. Chỉ tới khi tôi gặp lại cậu phiên dịch, nhờ trình bày mong ước của mình thì anh Bacile cùng mấy anh trong Ban quản lý vườn thú ôm bụng cười.

Chẳng hiểu họ coi thường hay chưa hiểu, tôi xổ ra một tràng kiến thức (học mót trên Google), khiến cậu phiên dịch phải ngắt mấy lần để dịch cho mọi người và cũng để nói rõ cho tôi biết rằng, nói "rồng phun lửa" là lối nói quá nhưng đó là giải thích duy nhất của những người thổ dân (thời trước) của đảo Komodo khi thấy từ miệng con vật hung hãn mà họ tôn thờ mỗi buổi tối lại phun ra những cột ánh sáng lòe.

img
 

Thật ra theo khoa học thì trong tuyến nước bọt của loài rồng Komodo có chất phốt pho (đây cũng chính là một thành phần trong nọc độc để giết con mồi). Trong bóng đêm, khi cái lưỡi trứ danh dài nửa mét của rồng Komodo cứ thò ra thụt vào lại phát sáng trong đêm với ánh lân tinh, khiến người ta tưởng là rồng biết phun lửa...

Lúc này, mấy anh trong Ban quản lý vườn thú chẳng còn cười nữa mà ngậm ngùi: "Sống với chúng tôi, rồng Komodo không thể phun lửa được nữa nhưng chắc chắn nó được an toàn".

Khuyến khích nuôi rồng Komodo

Chẳng biết trong quá khứ (thời tiền sử), loài rồng này thế nào, chứ hiện nay ngoài thiên nhiên, con vật thiêng này vẫn là kẻ thống trị ở Indonesia. Rồng Komodo có cơ thể to như một con cá sấu, nọc độc như rắn và tốc độ cùng sức mạnh như những con gấu, là loài vật duy nhất có thể bắt giữ trâu rừng trưởng thành để ăn thịt.

img
 

Sau khi đớp chú trâu rừng nặng hơn một tấn, chúng cứ để nọc độc ngấm dần. Chiếc lưỡi với khả năng phát hiện ra mùi máu cách 7km sẽ chỉ đường cho những con Komodo khác tìm đến chỗ những con mồi tội nghiệp khi đang hấp hối và tất nhiên, bữa tiệc bắt đầu.

Sống tại Vườn thú Jakarta, thức ăn cho rồng Komodo là những tảng thịt bò có sẵn, cho ăn một lần mỗi ngày, nên bản năng sát thủ của những chú rồng không còn, lượng phốt pho (chất độc trong nước bọt) cũng gần như phai nhạt, chính vì thế mà khó có thể xem rồng "phun lửa" tại Vườn thú quốc gia này. Tuy nhiên, tại Jakarta còn có rất nhiều nơi nuôi rồng Komodo để kinh doanh với môi trường gần giống ngoài thiên nhiên.

Tại nhiều công viên sinh thái quanh thủ đô của Indonesia có nuôi rồng Komodo. Tất nhiên với sự đầu tư lớn của các tập đoàn kinh doanh giải trí, những chú rồng tại đây có điều kiện sống khá thoải mái, gần như ngoài thiên nhiên hơn. Chính vì thế, chúng tôi được mục kích xem rồng phun lửa, rồng chiến đấu với nhau để tranh bạn tình.

img
Du khách có thể chụp ảnh lưu niệm cùng với rồng.

Thú vị hơn nữa là được xem những con rồng Komodo (tại công viên thế giới thu nhỏ Jakarta) triển khai chiến thuật săn mồi. Những con vật trông có vẻ trì độn này, đã bày thế trận săn chú dê mồi cực kỳ tinh quái như những con sói... Người đi xem thì thích mê dù giá tiền không hề rẻ (50USD cho một lần vào cửa), nơi này thậm chí nếu bỏ ra 20 USD thì du khách thậm chí có thể chụp ảnh chung với rồng Komodo (nếu các chú rồng có nhã ý).

Rồng Komodo hiện chỉ đảm bảo số lượng lý tưởng là 2.500 con tại Công viên quốc gia Komodo. Tuy nhiên, số lượng phát triển của chúng ngoài khu công viên này hiện giờ là hàng nghìn con. Điều này phần lớn nhờ vào chính sách thông thoáng trong những thủ tục để nuôi con vật thiêng này của Chính phủ Indonesia.

Ông M. Lensa-người quản lý khu vực sinh thái Komodo (Công viên thế giới thu nhỏ Jakarta) cho biết: "Việc sở hữu và nuôi những con rồng Komodo được Chính phủ khuyến khích, vì đây là cách duy nhất bảo vệ loại động vật quý hiếm này". Việc sở hữu và nuôi dưỡng các chú rồng tại đất nước Vạn đảo cũng đơn giản như lập một trại nuôi gà hoặc nuôi dê vậy.

Phải chăng đây cũng là một cách để bảo tồn những loài động vật quý hiếm mà Việt Nam có thể học tập.