Dân Việt

Người lao động đòi nợ hơn 17 tỷ, ông chủ NM đường Ấn Độ lặn mất tăm(!)

Dũ Tuấn 02/05/2019 10:12 GMT+7
Công ty cổ phần đường Bình Định đang nợ người lao động với số tiền hơn 17 tỷ đồng, thế nhưng ông chủ người Ấn Độ đã vắng mặt ở Việt Nam. Trong khi đó, nhiều chủ nợ khác vẫn đang ráo riết gọi tên doanh nghiệp này.

Công nhân bức xúc tìm ông chủ

Nhiều ngày nay, rất đông công nhân đến Công ty cổ phần đường Bình Định (ở xã Tây Giang, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định) để đòi nợ nhưng đành bất lực ra về, bởi không tìm được người trả lương.

Theo ông Trần Văn Đồng - Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần đường Bình Định, lãnh đạo công ty đã có thông báo cho toàn thể người lao động tạm nghỉ từ tháng 7.2018 nhưng từ đó đến nay không trả lương, không đóng bảo hiểm xã hội.

“Theo con số thống kê chưa đầy đủ thì có khoảng 327 người lao động đòi nợ công ty với số tiền hơn 17 tỷ đồng. Nhà máy tồn tại 22 năm nay, công nhân gắn bó lâu năm đa phần lớn tuổi nên xin việc làm khác quá khó khăn. Chúng tôi rất bức xúc, công nhân lâm cảnh khốn khổ phải tự lo cho bản thân. Trong khi đó, ông chủ lại không có tại Việt Nam, chúng tôi đòi nợ nhưng không biết đòi ai nên đành làm đơn kiện công ty gởi về Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định”, ông Đồng cho hay.

img

Nhiều cơ sở vật chất tại nhà máy đường bị rỉ sét, tạm dừng hoạt động. Ảnh: Dũ Tuấn.

Ngày 18.3, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định đã có phiếu chuyển đến Tòa án nhân dân huyện Tây Sơn yêu cầu giải quyết đơn khởi kiện của Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần Đường Bình Định về việc tranh chấp tiền lương, trợ cấp thôi việc, thanh toán nợ bảo hiểm xã hội, giải quyết trợ cấp mất việc làm cho người lao động.

Tuy nhiên, đến ngày 4.4 Tòa án nhân dân huyện Tây Sơn bất ngờ chuyển lại đơn khởi kiện trên đến Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định giải quyết, bởi tòa án cấp huyện không thuộc thẩm quyền giải quyết vì đại diện pháp luật của bên bị kiện là người Ấn Độ và hiện nay không còn cư trú ở Việt Nam. 

Phóng viên Dân Việt tìm đến trụ sở Công ty cổ phần đường Bình Định để liên hệ làm việc, thế nhưng lãnh đạo công ty không có mặt ở đây, nhà máy đang tạm dừng hoạt động và chỉ xuất hiện vài người bảo vệ đang trông nom tài sản.

img

Công ty cổ phần đường Bình Định bị cơ quan chức năng yêu cầu thi hành án với số tiền nợ ngân hàng lên đến hàng trăm tỷ đồng.

Tại trụ sở công ty cũng dán Quyết định cho thi hành án đối với Công ty cổ phần đường Bình Định do ông Nguyễn Văn Viên - Chi cục trưởng Chi cục thi hành án dân sự huyện Tây Sơn ký từ tháng 10.2018. Các khoản phải thi hành do công ty này còn nợ ngân hàng TNHH MTV Standard Chartered với số tiền hơn 131 tỷ đồng. 

“Hiện tại, do công ty vay ngân hàng không trả được nợ nên ngân hàng kiện ra tòa, tòa xử chuyển hồ sơ cho thi hành án niêm phong tài sản.Tuy nhiên, bất hợp lý ông chủ lại là người nước ngoài nên rất nhiều đoàn do Sở Công thương tỉnh Bình Định chủ trì về làm việc để đòi quyền lợi cho người lao động nhưng vẫn không làm gì được”, ông Đồng than thở.

Sở ‘bó tay’, huyện cũng đau đầu!

Cục Thuế tỉnh Bình Định vừa công khai danh sách 210 doanh nghiệp, đơn vị nợ thuế trên 100 triệu đồng có khả năng thu đến ngày 31.3.2019, với số nợ hơn 216 tỉ đồng. Trong đó, đứng đầu danh sách công khai nợ là Công ty cổ phần đường Bình Định nợ hơn 24,8 tỉ đồng.

img

Công ty cổ phần đường Bình Định lâm cảnh nợ nần đầm đìa. Ảnh: Dũ Tuấn.

Theo bà Nguyễn Thị Thống - Chánh văn phòng UBND huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định), bất ổn tại Công ty cổ phần đường Bình Định kéo dài gần 2 năm với rất nhiều khó khăn từ sự cố ô nhiễm môi trường đến công nhân đòi nợ lương nhưng phía công ty không phối hợp giải quyết.

Trong khi đó, sản lượng mía của nông dân huyện Tây Sơn giảm rõ rệt, nếu như vụ Đông - Xuân năm ngoái có diện tích khoảng 662ha thì năm nay chỉ còn 209ha. Nhà máy đường tại địa phương tạm đóng cửa đã gây khó khăn việc tiêu thụ mía, chính quyền huyện Tây Sơn phải làm việc với một doanh nghiệp khác ở Gia Lai để hỗ trợ thu mua mía cho nông dân.

“Đoàn kiểm tra của tỉnh Bình Định do ông Ngô Văn Tổng - Giám đốc Sở Công thương chủ trì, đoàn Bảo hiểm xã hội đã đến nhiều lần nhưng lãnh đạo công ty vắng mặt không thể làm việc, đoàn đành tự làm biên bản rồi về. Hiện tại, tài sản công ty đã cầm cố hết rồi, ngân hàng kiện ra tòa và tòa đã xử xong ủy quyền về cho thi hành án xử lý tài sản trên đất”, bà Thống cho hay.

img

Tòa án nhân dân huyện Tây Sơn chuyển lại đơn khởi kiện công ty đến Tòa án nhân dân tỉnh Bình Định giải quyết.

Bà Thống nói rằng, sau khi nhận được thông tin công ty nợ lương, nợ bảo hiểm xã hội của hàng trăm công nhân, chính quyền huyện Tây Sơn đã vào cuộc giải quyết nhưng cũng đành chịu.

“Huyện đã 2 lần thành lập tổ hòa giải mời lãnh đạo công ty, công nhân nhà máy nhưng lãnh đạo công ty đều không có mặt. Việc hòa giải không thành, toàn bộ hồ sơ chuyển cho tòa án tỉnh. Lâu nay, ông chủ thực sự ở Ấn Độ chứ không qua Việt Nam, huyện rất đau đầu vì tìm giám đốc doanh nghiệp không ra, công nhân thì lâm cảnh khốn khó nên giờ phải chờ tòa án xử lý”, bà Thống cho biết.