Làm giàu từ nghề cá
Trong lúc nhiều người chọn nuôi cá trên vùng lòng hồ thì gia đình anh Nguyễn Việt Hòa ở thôn Cốc Phát, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình lại chọn nuôi cá quý ở lưng chừng đèo Ái Au. Bởi khu vực này có nguồn nước suối Khuổi Lung Vàng được anh dẫn nước về ao khá sạch, có nhiệt độ thấp, nước chảy quanh năm rất thuận lợi để nuôi cá quý.
Khu nuôi cá đặc sản trên vùng hồ sinh thái Na Hang
Anh Hòa nuôi cá từ năm 2015, nhưng phải đến năm 2018 trang trại của anh mới bắt đầu cho thu hoạch. Nhớ lại kỷ niệm những ngày đầu nuôi cá quý, anh ví von như đi đánh bạc. Bởi lẽ mỗi con cá anh vũ giống chỉ to bằng đầu đũa mà giá lên đến cả trăm nghìn. Tiền cá giống đắt là vậy nhưng mẻ cá giống đầu lấy về chỉ sống được vài ngày, đợt 2 thì chỉ 50% cá giống sống sót. Bao lần lội xuống ao vét bùn, vệ sinh mới biết cá chết do nước lạnh hoặc nóng quá. Sau này anh điều chỉnh lại dòng chảy và mực nước trong ao nuôi hợp lý nên cá mới phát triển được.
Khi đã đúc rút được kinh nghiệm, cá anh vũ của gia đình anh sinh trưởng, phát triển tốt. Sau gần 4 năm, 6 ao cá lưng chừng ngọn đèo Ái Au đã có trên 4.000 cá bỗng, 1.000 cá anh vũ, với tổng sản lượng khoảng 3,5 - 4 tấn. Trong đó một số ao cá đã cho thu hoạch. Với giá thị trường của cá bỗng hiện dao động khoảng 250 - 300 nghìn đồng/kg, cá anh vũ có giá 1 triệu đồng/kg vợ chồng anh đã có tổng doanh thu mỗi năm hơn 1 tỷ đồng.
Công ty TNHH Nhật Nam là một trong những cơ sở xây dựng được nhãn hiệu cho sản phẩm cá có truy xuất nguồn gốc của tỉnh Tuyên Quang. Đến nay, công ty có 60 lồng cá lăng, chiên và rô phi trên vùng hồ sinh thái Na Hang. Tùy từng đặc tính cá mà thời gian sinh trưởng, phát triển khác nhau. Cá của công ty nuôi theo tiêu chuẩn VietGAP nên luôn được khách hàng ưu tiên lựa chọn.
Cá lăng thương phẩm ở Tuyên Quang có giá từ 120 - 150 nghìn/kg
Bà Trần Thị Ngà, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Nam cho biết, lợi thế lớn nhất trong việc nuôi thủy sản sạch ở Na Hang là nguồn nước tự nhiên khá sạch; nguồn cá tạp làm thức ăn trên vùng hồ còn khá phong phú nên các hộ nuôi ít sử dụng thức ăn công nghiệp. Trung bình mỗi năm, công ty cung ứng ra thị trường từ 100 đến 150 tấn cá đặc sản các loại.
Từ nuôi “ngũ quý” hiện nay trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang có hơn 100 tổ chức, cá nhân hộ gia đình thu lãi từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng/năm.
Nhân rộng mô hình
Theo Chi cục Thủy sản Tuyên Quang, toàn tỉnh có 700 hộ nuôi cá đặc sản, với hơn 1.940 lồng cá, tổng sản lượng khai thác hàng năm đạt 480 tấn. Nhiều địa phương ở huyện Na Hang, Hàm Yên, Chiêm Hóa, TP Tuyên Quang đã hình thành các làng nuôi cá.
Xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên có hơn 9 km sông Lô chảy qua địa bàn. Từ năm 2006 một số hộ dân trong xã đã tổ chức nuôi cá lồng. Tuy nhiên phải đến năm 2013 việc nuôi cá đặc sản mới phát triển mạnh. Đến nay, toàn xã có 35 hộ nuôi cá lồng với 135 lồng cá, tập trung chủ yếu ở 5 thôn: Ba Luồng, Tân An, Khánh An, Bình Thuận, Soi Long để khai thác tối đa điều kiện tự nhiên, phát triển bền vững nghề nuôi cá lồng.
Cá nuôi theo chuẩn VietGAP tại Công ty TNHH Nhật Nam
Gia đình ông Phạm Thanh Bình, thôn Bình Thuận, xã Thái Hòa làm nghề nuôi cá chiên hơn 10 năm nay. Ông Bình bảo, thịt cá chiên hội tụ đầy đủ cả hương vị và độ ngọt nên rất được ưu chuộng. Xưa kia, đây là một trong những loài cá tiến vua nổi tiếng. Khách thích thưởng thức đồ tiến vua, cái gì càng hiếm họ càng muốn ăn, để họ được tự ngỡ mình là vua chúa xưa kia. Có lẽ cũng vì vậy, càng khuyến khích những tay thợ cá quyết tâm săn lùng bằng nhiều hình thức khiến loài cá này ngày càng cạn kiệt trên các dòng sông. Vì thế, khi các hộ dân thuần phục và nuôi cá chiên theo hướng sản xuất hàng hóa đã mở ra hướng phát triển kinh tế mới.
Hiện tại, gia đình ông Bình nuôi 18 lồng cá chiên và cá bỗng. Với cá thương phẩm giá từ 400.000 - 500.000 đồng/kg, mỗi năm gia đình ông thu lãi hơn 350 triệu đồng. So với những giống cá khác, nuôi cá chiên, cá bỗng thu lãi cao hơn từ 1,5 - 2 lần.
Hơn 10 năm nay, dòng sông Lô cho người dân thôn Hợp Long 2, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa phát triển thêm nghề mới - Nghề nuôi cá đặc sản. Từ 2, 3 lồng cá nhỏ lẻ ban đầu, đến nay thôn đã có 58 lồng với 29 hộ tham gia. Lão nông Nguyễn Thanh Bình có thâm niên trong nghề nuôi cá lồng ở đây chia sẻ, gia đình ông có 4 lồng cá, trong đó có 2 lồng chiên và 2 lồng cá rô phi, cá chép. Trừ chi phí, mỗi năm thu lãi gần 200 triệu đồng.
Từ nuôi cá chiên, mỗi năm gia đình ông Nguyễn Thanh Bình, thôn Hợp Long 2, xã Yên Nguyên thu lãi gần 200 triệu
Ông Phạm Mạnh Thông, Giám đốc Trung tâm Thủy sản Tuyên Quang cho biết, thúc đẩy nghề nuôi cá đặc sản phát triển, từ năm 2014, tỉnh đã mời chuyên gia của Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I lên nghiên cứu, nhân giống cá chiên.
Đến năm 2016 đã nhân giống được 1.200 con giống, năm 2017 là 9.200 con và năm 2018 sản xuất 20.000 con giống. Song song với đó, hằng năm trung tâm cũng sản xuất và bán ra thị trường 15.000 con cá anh vũ. Đây là nguồn quan trọng cung cấp cho người nông dân phát triển nghề thủy sản bền vững.
"Với giá trung bình từ 450.000 – 500.000 đồng/kg cá, nuôi cá lồng đặc sản đang giúp người dân hai bên bờ sông Lô, sông Gâm của tỉnh Tuyên Quang nâng cao thu nhập, phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững. Tỉnh phấn đấu đến năm 2020, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản đạt trên 12.200 ha; có trên 1.400 lồng cá với 50% là cá quý hiếm, đặc sản. Đến năm 2025, tổng sản lượng thủy sản đạt hơn 9.700 tấn, trong đó, cá đặc sản đạt hơn 1.140 tấn", ông Phạm Mạnh Thông. |