Cụ thể, để chặn tình trạng chống trượt yêu cầu bắt buộc các cơ sở sát hạch giấy phép lái xe phải lắp camera truyền trực tiếp hình ảnh phòng thi lý thuyết về Tổng cục Đường bộ. Ngoài ra, sẽ yêu cầu học viên không mang điện thoại, thiết bị thông tin vào phòng thi lý thuyết, xe thi thực hành. Học viên vi phạm sẽ không được cấp bằng lái xe trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày phát hiện hành vi vi phạm.
Gian lận thi sát hạch lái xe: Học viên bị từ chối cấp bằng trong 5 năm.
Trao đổi với PV Dân Việt, TS. Nguyễn Xuân Thủy - Chuyên gia giao thông cho biết: “Tôi ủng hộ với cách làm mới của Bộ GTVT, bởi thời gian qua số tai nạn giao thông xảy ra nhiều và đặc biệt là một số tai nạn nghiêm trọng do lái xe gây ra”.
“Nguyên nhân, phải kể tới đó là do kỹ năng lái xe yếu kém, ý thức chấp hành luật giao thông không có, vẫn sử dụng rượu bia, ma túy khi tham gia giao thông. Vẫn còn tình trạng nhiều trung tâm đào tạo lái xe đã đào tạo học viên một cách vội vàng, cắt bớt các chương trình quan trọng, thậm chí là rất nhiều bằng lái xe giả được giao bán trên mạng một cách công khai”, TS. Thuỷ cho hay.
Theo TS.Thuỷ, các kỳ thi sát hạch lái xe cần nhấn mạnh, phải thêm các điểm cần thiết để răn đe và ràng buộc đối với những người cầm tay lái. Việc đưa ra 100 câu hỏi liệt trong bài thi lý thuyết thật sự rất bổ ích, vì đó có thể từ những tình huống xảy ra trong quá trình tham gia giao thông cần xử lý, từ đó bổ sung, nâng cao chất lượng cũng như tăng thêm tính nghiêm túc, tính kỷ luật, kỹ năng cho lái xe.
Về vấn đề tiêu cực khi thi sát hạch lái xe, TS. Thuỷ cho rằng: “Cái gì cũng có thể xảy ra tiêu cực, nếu như chúng ta không làm thật tâm, không làm một cách nghiêm túc. Cần công nhận sự cố gắng của Bộ GTVT, bổ sung kịp thời và đã biết chắt lọc những nội dung cần thiết để hoàn thiện hơn vào nôi dung đào tạo. Bộ GTVT phải có trách nhiệm quản lý tốt các trung tâm đào tạo lái xe khắp cả nước”.