Dân Việt

Hai chàng hotboy rủ nhau về quê "nghịch đất" trồng rau "5 không"

Hải Hương 14/05/2019 19:15 GMT+7
Nắng xuân ấm áp, tôi tìm về thôn Mường, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) để “mục sở thị” mô hình trồng rau, quả sạch “5 không" của 2 kỹ sư Đại học Công nghiệp Hà Nội là Vũ Văn Sơn và Nông Quốc Doanh. Trong câu chuyện khởi nghiệp của mình, 2 chàng kỹ sư thanh niên đầy năng động, bản lĩnh này đã đưa chúng tôi đi hết ngạc nhiên này đến bất ngờ khác…

Mô hình trồng rau sạch của 2 chàng kỹ sư trẻ Vũ Văn Sơn và Nông Quốc Doanh thực hiện theo tôn chỉ "5 không" gồm: không thuốc trừ sâu, không thuốc diệt cỏ, không kích thích tăng trưởng, không phân bón hóa học và không chất bảo quản.

“Làm nhà cho rau ở”

Từ chối những cơ hội làm việc tại các thành phố lớn trở về quê dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp là quyết định được Sơn và Doanh đưa ra sau những ngày tháng trăn trở...

img

Các loại rau vụ đông của hai kỹ sư Vũ Văn Sơn và Nông Quốc Doanh trồng trong nhà màng.

Sơn sinh năm 1993, thôn 9, xã Cao Minh, huyện Vĩnh Bảo (Hải Phòng) học phiên dịch ngành cơ khí máy móc. Còn Doanh sinh năm 1994, thôn Mường, xã Phù Lưu, huyện Hàm Yên (Tuyên Quang) học ngành điện tử, đôi bạn chơi thân từ ngày học chung trường.

Cả hai đều xuất thân từ vùng đất thuần nông, mỗi lần về quê thấy người nông dân chân lấm, tay bùn, làm rất nhiều nhưng thu chẳng được bao nhiêu. Hơn nữa, nhu cầu của người tiêu dùng, ai cũng “khát” thực phẩm sạch nhưng không biết tìm mua ở đâu.

Sau chuyến thăm khu nông nghiệp công nghệ cao ở thành phố Hồ Chí Minh và Đà Lạt… đôi bạn này đã quyết định làm… nông dân. Sơn và Doanh mở đầu câu chuyện khởi nghiệp cùng rau, quả sạch mộc mạc như thế.

Quyết định đó khiến bố mẹ không khỏi lo ngại bởi Sơn và Doanh còn khá trẻ, chưa có kinh nghiệm nghề nông. Nhưng Sơn bảo “nếu chưa dấn thân thì chưa biết sức mình”. Sơn về ở hẳn nhà Doanh, 2 chàng trai trẻ vừa khai phá 1.000 m2 đất vườn tạp sau nhà Doanh, vừa học kỹ thuật trồng dưa lưới VietGAP qua mạng và về Học viện Nông nghiệp Hà Nội để học và thực hành kỹ thuật trồng, chăm sóc.

img

Anh Sơn (bên phải) và anh Doanh (bên trái) ươm giống dưa lưới Nhật.

Tháng 10-2017, 500 gốc dưa lưới ruột vàng của Malaysia được trồng dưới “ngôi nhà” dựng bằng khung tre, màng nilong làm mái, quây lưới để cản gió, bảo vệ cây trồng và hệ thống tưới ẩm được lắp đặt… Kỹ thuật trồng, chăm sóc theo quy trình VietGAP được áp dụng, sau 85 ngày dưa ra trái.

Nhìn những quả dưa căng tròn, lúc lỉu trên cây khiến Sơn và Doanh vui mừng khôn xiết. Những tưởng những trái dưa không phụ công người cho trái ngọt nhưng vườn dưa thu được cả nửa tấn mà quả nào cũng nhạt bán không ai mua, phải chặt bỏ cho lợn ăn. Vụ ấy, Sơn và Doanh lỗ cả mấy chục triệu đồng. 

img

Dưa lưới Nhật được dán tem truy xuất nguồn gốc.

Quyết chí ắt làm nên

Đầu năm 2018, Sơn và Doanh tìm đến giống dưa lưới vỏ xanh, ruột xanh của Nhật. Đây là giống dưa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phổ biến, có vị ngọt đậm và được người tiêu dùng ưa chuộng. Để trồng, chăm sóc giống dưa này, Sơn và Doanh cần 300 triệu đồng đầu tư nhà màng ứng dụng công nghệ 4.0 với hệ thống tưới ẩm theo công nghệ Israel, hệ thống cảm biến nhiệt, đèn chiếu sáng, giữ nhiệt, thoát nhiệt…

Vụ dưa trước thất bại, số tiền cần đầu tư tiếp quá lớn đối với gia đình thuần nông nên bố mẹ hai gia đình đều rất ái ngại. Nhưng sự quyết tâm và niềm đam mê làm nông nghiệp công nghệ cao của mình đã thuyết phục được bố mẹ đầu tư vốn - Doanh chia sẻ. 

Sơn và Doanh vẫn gặp nhiều khó khăn trong việc trồng dưa lưới Nhật, một phần do chưa quen với giống mới, phần khác chưa có nhiều trải nghiệm thực tế. Do vậy, vụ dưa này quả vẫn chưa đủ ngọt nên giá rẻ, chỉ bán được 100 - 200 kg với giá  10 - 15 nghìn đồng/kg, còn lại gần 2 tấn dưa không tiêu thụ được phải ủ làm phân bón.

Không nản chí, Sơn và Doanh tiếp tục huy động nguồn vốn để đầu tư cây giống, phân bón chuẩn bị cho vụ dưa tiếp theo. Lần này cả hai chú trọng từ khâu ngâm giống; tỷ mỉ sàng, sảy lấy từng chút đất mịn ươm cây, đến khâu gieo trồng, chăm sóc.

Sơn bảo: Ươm cây chỉ sơ ý chút thôi là mầm gẫy, quy trình trồng, chăm sóc “sang chảnh” nhất là giai đoạn ra trái. Thiếu hoặc thừa chút dinh dưỡng thì không đảm bảo độ đường tạo vị ngọt cho quả. Khi dưa hình thành đường vân lưới, lại cần massage từng quả giúp nổi đường vân đẹp và làm chuyển hóa chất dinh dưỡng có trong quả được đồng đều hơn. 

img

Vườn dưa lưới Nhật của hai kỹ sư được trồng trong nhà màng.               

Vượt lên những thất bại, giờ đây 2.000 gốc dưa đã cho trái ngọt. Vị ngọt đậm, thanh mát và hương thơm nức của dưa khiến người thưởng thức ăn một lần là nhớ mãi. Dưa có lượng đường đạt 13-14 độ Brix (1 độ Brix tương ứng với 1 gram đường sacaroso trong 100 gram dung dịch) nên nhiều cửa hàng thực phẩm sạch Hà Nội đặt mua.

Vụ dưa cuối năm 2018, thu được hơn 2 tấn nhưng không đủ bán, dưa được giao buôn với giá 40 - 45 nghìn đồng/kg, bán lẻ từ 65 - 70 nghìn đồng/kg. Vào mùa đông không phù hợp trồng dưa lưới Nhật, Sơn và Doanh tiếp tục trồng các loại rau vụ đông tăng thêm thu nhập.

Và những dự định

Để khách hàng biết đến sản phẩm của mình nhiều hơn, Sơn và Doanh làm thủ tục xác thực thông tin, nguồn gốc sản phẩm. Mỗi quả dưa xuất bán, đều gắn tem xác thực giúp khách hàng kiểm tra được xuất xứ, nguồn gốc, ngày thu hái, thời gian bảo quản lạnh và nhiệt độ phù hợp bảo quản lạnh…

Về chất lượng sản phẩm được Viện Kiểm nghiệm Vệ sinh an toàn thực phẩm Quốc gia và Viện Bảo vệ thực vật Hà Nội kiểm định các thành phần dư lượng cũng như độ an toàn sản phẩm đạt chất lượng. 

imgimg

Anh Vũ Văn Sơn và anh Nông Quốc Doanh trong niềm vui dưa được mùa, được giá.    

Chia sẻ về hướng đi sắp tới, Sơn bày tỏ, thời gian tới sẽ thuê thêm lô đất bên cạnh rộng khoảng 2.000 m2 để đầu tư thêm nhà màng, trồng chuyên canh dưa lưới Nhật và một số loại rau quả theo mùa. Sơn đang xây dựng công thức trồng dưa lưới Nhật phù hợp với khí hậu và thổ nhưỡng để có thể hướng dẫn những người nông dân khác trên địa bàn có nhu cầu học tập và làm theo mô hình, sản phẩm làm ra sẽ được các anh bao tiêu.

Theo Sơn, bởi những trái cây này thị trường khan hiếm nên dễ tiêu thụ, giá bán khá cao, sau này có thể xuất khẩu. Dưa lưới Nhật hiện có giá từ 60 - 80 nghìn đồng/kg nhưng các nhà vườn không đủ cung cấp vì kỹ thuật trồng loại quả này khó, chi phí lớn.

Doanh tiếp lời, đầu tư cho sản xuất xong sẽ lắp đặt hệ thống camera kết nối với điện thoại thông minh để tiện theo dõi sản xuất. Nếu người tiêu dùng quan tâm có thể trích xuất xem quy trình sản xuất. Ngoài nguồn vốn của 2 gia đình, các anh mong muốn được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi. 

Mô hình trồng dưa trong nhà màng của 2 trí thức trẻ đã có những thành công bước đầu đem lại những sản phẩm sạch, an toàn cho mọi nhà. Đây là mô hình nông nghiệp trong nhà màng đầu tiên của huyện Hàm Yên và được UBND huyện Hàm Yên lựa chọn là vườn mẫu nông thôn mới để nhân rộng.