Công ty cổ phần Tasco (HUT) của “ông trùm BOT” Phạm Quang Dũng vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I.2019. Báo cáo cho thấy, doanh thu Tasco ghi nhận trên 318 tỷ đồng, tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lợi nhuận về dưới mức 0 đồng.
Lãi vay tăng cao, Tasco lỗ 13 tỷ đồng trong quý
“Soi” cơ cấu doanh thu Tasco thì thấy có 3 trên 4 chỉ tiêu doanh thu giảm trong quý này. Trong đó, giảm mạnh nhất theo tỷ lệ phần trăm là hoạt động kinh doanh BĐS với sự sụt giảm trên 68%.
Hai mảng kinh doanh khác là thu phí và hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng giảm lần lượt 7,8% và 14,8% so với cùng kỳ, và chỉ mang về cho Tasco 140 tỷ đồng và 23 tỷ đồng doanh thu trong quý này.
Nói về sự sụt giảm về doanh thu từ thu phí của Tasco, dự án BOT đoạn cầu La Uyên đến cầu Tân Đệ tạm dừng thu phí từ tháng 6.2018, dự án BOT Mỹ Lộc tạm dừng thu phí từ tháng 7.2018. Đến ngày 20.3.2019 trạm BOT Mỹ Lộc (Nam Định) đã được UBND tỉnh Nam Định cho phép thu phí trở lại sau gần 1 năm tạm dừng hoạt động. Đáng chú ý, ở lần hoạt động trở lại này, trạm phí đã áp dụng biểu giá thu phí mới, mức phí giảm đối với tất cả các loại phương tiện ở mức từ 25% đến 50% so với trước đây.
Trong khi “gà đẻ trứng vàng” gặp khó trong những năm gần đây, Tasco đã đầu tư mạnh vào bất động sản. Tuy nhiên doanh thu lĩnh vực được Tasco đặt nhiều tham vọng này lại đang có chiều hướng đi xuống. Nếu quý I năm ngoái lĩnh vực này mang về cho Tasco hơn 107 tỷ đồng thì năm nay chỉ đạt 33,7 tỷ đồng.
Đồng thời, doanh thu từ BĐS giảm do một số dự án BĐS của công ty đang trong quá trình thực hiện giải phóng mặt bằng và hoàn thiện hồ sơ pháp lý với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Điểm sáng trong bức tranh doanh thu quý I.2019 của Tasco đến từ hợp đồng xây dựng với sự tăng trưởng đột biến và đóng góp tới 122 tỷ đồng doanh thu quý, gấp 6 lần con số cùng kỳ thực hiện được.
Doanh thu tăng nhẹ khiến cho lợi nhuận gộp của doanh nghiệp cũng nhích thêm 4% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, doanh thu hoạt động tài chính lại giảm mạnh tới gần 63%. Trong khi đó, chi phí tài chính cũng tăng tương ứng 63,2% so với cùng kỳ. Toàn bộ chi phí tài chính trong kỳ chính là chi phí lãi vay của doanh nghiệp với trên 62 tỷ đồng và chiếm tới 19% doanh thu thuần, 79% lợi nhuận gộp trong kỳ của Tasco.
Chi phí bán hàng giảm gần 21%, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 12% lên 28 tỷ đồng.
Thu không đủ bù chi, kết quả, quý I.2019 Tasco ghi nhận khoản lỗ 13 tỷ đồng trước thuế trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 11,4 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế âm 13,6 tỷ đồng.
Giải trình về sự sụt giảm chỉ tiêu lợi nhuận trong kỳ, lãnh đạo Tasco cho rằng nguyên nhân chủ yếu là do doanh thu tăng nhẹ 4,78%, trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng đột biến 62% tương đương mức tăng gần 24 tỷ đồng so với cùng kỳ.
Tính đến cuối tháng 3.2019, quy mô tài sản của công ty giảm 0,27% đạt 10.801 tỷ đồng. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm 19,4% chủ yếu là các khoản phải thu ngắn hạn. Tài sản dài hạn đạt 8.701 tỷ đồng, bao gồm: Tài sản cố định 5.933 tỷ đồng; Tài sản dở dang dài hạn 1.719 tỷ đồng; Tài sản dài hạn khác 336 tỷ đồng.
Hiện, công ty đang có khoản nợ 7.651 tỷ đồng, giảm nhẹ so với con số 7.667 tỷ đồng đầu năm nhưng vẫn chiếm trên 70% tổng nguồn vốn của doanh nghiệp.
Trong đó, vay và nợ thuê tài chính trên 5.500 tỷ đồng, gấp 1,7 lần vốn chủ sở hữu của Tasco. Được biết, trong đó công ty đang vay dài hạn tại các ngân hàng để thực hiện các dự án BOT với tổng số tiền lên tới hơn 2.500 tỷ đồng. Nguồn trả nợ gốc và lãi vay là nguồn thu từ trạm thu phí theo hợp đồng BOT đã ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Hành trình từ đại gia nghìn tỷ đến 'vũng lầy' của 'ông trùm BOT' Tasco
Tasco được biết đến như "ông trùm" trong lĩnh vực các dự án BOT, chuyên xây dựng các tuyến đường giao thông, sau đó thu phí. Tasco sở hữu hàng loạt dự án BOT, BT như dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 đoạn qua thành phố Hải Phòng; dự án xây dựng cải tạo nâng cấp quốc lộ 1; Dự án cải tạo nâng cấp quốc lộ 10 đoạn qua tỉnh Thái Bình; dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường bộ mới đoạn Phủ Lý - Mỹ Lộc…
Năm 2016, doanh thu của Tasco của "ông trùm BOT" Phạm Quang Dũng đạt 2.960,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 403 tỷ đồng. Bước sang năm 2017, doanh thu và lợi nhuận của Tasco liên tục sụt giảm và đến thời điểm này chưa có dấu hiệu dừng.
Cụ thể, năm 2017, mảng kinh doanh bất động sản không đạt kỳ vọng đã ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh chung của doanh nghiệp này. Theo đó, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2017 của Tasco đạt 2.195,4 tỷ đồng, sụt giảm 26% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế chỉ còn 297,5 tỷ đồng.
Sau một năm chật vật không đạt doanh thu, lợi nhuận như kế hoạch đặt ra, ban lãnh đạo Tasco đặt kế hoạch kinh doanh thụ lùi với tổng doanh thu dự kiến năm 2018 là 2.100 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế là 207 tỷ đồng. Thế nhưng mục tiêu này cũng hoàn toàn bị “phá sản” chỉ với 66 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế.
Trong năm 2018, những dự án BOT “gà đẻ trứng vàng” như thu phí tuyến đường bộ mới đoạn Phủ Lý - Mỹ Lộc, vốn giúp lợi nhuận của Tasco tăng hàng chục lần năm 2014 thời gian vừa qua liên tục bị người dân phản đối. BOT Mỹ Lộc có dấu hiệu lặp lại sự cố ở Tân Đệ, liên tục phải xả trạm do tài xế tập trung phản đối trạm thu phí. Nhiều lái xe đã lập chốt ở Trạm BOT Mỹ Lộc trên tuyến đường này, để phản đối việc thu phí. Tasco của ông Phạm Quang Dũng cũng đã phải dừng hoạt động, ngừng thu phí đối với 2 dự án BOT này kể từ giữa năm 2018. Từ đó trở đi, doanh thu mang về từ hoạt động này “lao dốc” mạnh.
Các dự án BOT khác như Quốc lộ 10 Hải Phòng, Dự án BOT Đông Hưng cũng gặp những trở ngại về thi công và thu phí.
Trong khi đó, đầu tư bất động sản (BĐS) theo hình thức đổi đất lấy hạ tầng (đầu tư các dự án BT hạ tầng giao thông) của Tasco cũng không phải là "miếng pho mát dễ ăn" như lãnh đạo Tasco hằng mong muốn.
Đến nay, trong báo cáo tài chính quý I.2019 của Tasco những cái tên như dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Lê Đức Thị đến đường 70, dự án xây dựng nhà ở cho CB Báo Nhân dân, Dự án khu nhà ở dinh thái Xuân Phương … đều nằm trong danh mục tài sản dở dang của Tasco với giá trị 1.719 tỷ đồng.
Cùng với tình hình kinh doanh đi xuống, một số quỹ ngoại dường như cũng không còn tỏ ra mặn mà đối với cổ phiếu Tasco. Cuối năm 2018, một cổ đông lớn của Tasco là quỹ ngoại Pyn Elite Fund đã bán ra 2 triệu cổ phiếu HUT, giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 10,64%.