Từ đầu năm đến nay, liên bộ Công Thương - Tài chính liên tục chi mạnh Quỹ bình ổn giá để kiềm chế mức tăng giá xăng dầu trong nước. Ngay cả khi Quỹ này đang bị âm ở nhiều doanh nghiệp, việc xả quỹ vẫn tiếp tục được thực hiện.
Trước thời điểm 16 giờ 00 ngày 2.5.2019, Quỹ bình ổn giá xăng dầu hình thành tại Petrolimex là âm 355 tỷ đồng. Đây là số ước tính và đã được làm tròn số.
Tính đến ngày 2.5, giá dầu đã tăng 32,8% so với thời điểm 1.1.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải. (Ảnh: Internet)
Trả lời PV tại buổi Họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4.2019, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho hay “chúng ta phải dùng quỹ để giảm mức tăng lên. Nếu không dùng thì mức tăng lên cao rất nhiều”.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cũng cho biết việc tăng giá xăng dầu đã tính đến lợi ích của người tiêu dùng. Đồng thời, nhấn mạnh giá xăng của Việt Nam tăng thấp hơn mức của thế giới, mục đích nhằm hỗ trợ đời sống người dân, doanh nghiệp, giúp điều hành kinh tế vĩ mô.
Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Việt Nam đang điều hành xăng dầu theo kinh tế thị trường nhưng theo định hướng Nhà nước. Theo đó, ngân sách không bỏ tiền để điều hành xăng dầu, tăng giảm là do thị trường quyết định. Tuy nhiên, với mỗi lít xăng bán ra thì đưa 300 đồng vào quỹ bình ổn. Quỹ này dùng để bù vào mức tăng quá cao từ bên ngoài, nhất là trong trường hợp các ngày nghỉ lễ.
Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết thời điểm điều chỉnh vừa qua, giá xăng dầu thế giới lên cao nhất từ đầu năm.
Tuy nhiên, ông Hải nói thêm rằng điều hành phải hài hòa lợi ích 3 bên: người tiêu dùng, doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu và cơ quan quản lý Nhà nước.
“Chúng ta đã dùng quỹ bình ổn rất nhiều. Nếu không dùng quỹ thì người dân phải gánh cao như vậy thôi. Khi giá tăng có thể tác động ngược lại kinh tế vĩ mô cả đất nước. Thời gian tới, với diễn biến khó lường của giá xăng dầu thế giới, chúng ta vẫn cần dựa vào quỹ”, ông Đỗ Thắng Hải nói.
Đối với đề xuất của Bộ Công Thương về việc đưa thông tin phương án điều chỉnh giá xăng dầu, giá điện chưa công bố vào diện “Mật”, ông Đỗ Thắng Hải cho hay, đây là các phương án để tính toán, trình cấp có thẩm quyền trước khi công bố chính thức.
"Hiện giá bán xăng dầu đang thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước. Xăng dầu là mặt hàng thiết yếu đầu vào cho sản xuất và tiêu dùng của người dân. Nên biến động giá xăng dầu liên quan trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát CPI. Đặc biệt xăng dầu tác động trực tiếp đến đời sống người dân nên dễ dẫn đến lạm phát kỳ vọng tăng nên cần lưu ý", thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nói
Tương tự, giá điện cũng có tác động không nhỏ đến chỉ tiêu lạm phát do Chính phủ điều hành, ảnh hưởng trực tiếp đời sống người dân, dễ đẩy lạm phát kỳ vọng, tác động không nhỏ đến kiểm soát lạm phát của Chính phủ.
"Chính vì vậy, bộ đã đề xuất đưa điều hành giá điện, xăng dầu vào danh mục bí mật nhà nước của ngành Công thương", ông Hải nói.
Căn cứ, theo ông Hải, là khoản 5 Điều 2, Quyết định 106-2008 của Thủ tướng về danh mục bí mật nhà nước, độ tuyệt mật, tối mật trong ngành Công thương, trong đó nêu rõ văn bản Bộ Công thương gửi lãnh đạo Đảng, Nhà nước để xin ý kiến chỉ đạo về chính sách hàng hóa, giá một số mặt hàng trọng yếu chưa công bố.
Một căn cứ khác là khoản 23 Điều 1 Thông tư 1534-2008 của Bộ Công an về danh mục bí mật nhà nước, độ mật của ngành Công thương quy định rất rõ các loại chỉ số về giá cả, phương án chỉ đạo về giá, điều chỉnh giá chưa công bố. Còn sau khi công bố sẽ đưa công khai.