Dân Việt

HTX đất 9 rồng “thay áo” (Bài 1): Trồng lúa đặc sản, ai thấy cũng mê

Huỳnh Xây 07/05/2019 06:05 GMT+7
LTS: Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thích ứng với biến đổi khí hậu ngày 17.11.2017 đặt ra một trong những nhiệm vụ cho Bộ NNPTNT là phát triển kinh tế hợp tác để nâng cao giá trị nông sản. Những chuyển biến trong tư duy và hành động của nông dân, ngành chức năng và các địa phương đã góp phần hình thành những HTX kiểu mới, hướng đến những mô hình sản xuất “thuận thiên”.

Nhận thức được việc sản xuất theo lối truyền thống sẽ giẫm phải vết xe đổ “được mùa mất giá", nhiều hợp tác xã (HTX) ở ĐBSCL đã tìm ra hướng sản xuất mới, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao vừa thích ứng với những biến động khó lường của thời tiết.

Lai tạo giống mới

Không chấp nhận trồng lúa có phẩm chất thấp như IR 50404, nhiều năm qua, ông Nguyễn Anh Dũng - Chủ nhiệm HTX Giống Nông nghiệp Định An (xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) luôn định hướng cho xã viên sản xuất lúa giống đặc sản, chất lượng cao.

img

img

Mô hình trồng lúa của HTX Giống Nông nghiệp Định An.  Ảnh: Huỳnh Xây

Theo Bộ NNPTNT, toàn vùng ĐBSCL có 1.803 HTX nông nghiệp (chiếm 13% tổng số HTX nông nghiệp của cả nước), trong đó có 569 HTX nông nghiệp hoạt động hiệu quả (chiếm 43,6% tổng số HTX cả vùng).

Tổng số thành viên HTX nông nghiệp toàn vùng là trên 145.000 người, trung bình mỗi HTX có 81 thành viên. Nhờ áp dụng các công nghệ sản xuất tiên tiến vào sản xuất, doanh thu bình quân của HTX là trên 1 tỷ đồng/năm, thu lợi trên 150 triệu đồng/năm, cao nhất so với các vùng khác cả nước.

Gặp phóng viên, ông Dũng khoe: “HTX của tôi trồng 5 loại giống đặc sản do chính HTX lai tạo, ai thấy cũng mê. Cụ thể như: Ngọc Đỏ Hương Dứa, Sen Việt, Tím Sen, LD2012 và OM384. Ưu điểm của những giống lúa này là có thời gian sinh trưởng 90 - 95 ngày, thích hợp gieo trồng ở tất cả các vụ mùa trong năm, hạt gạo có hương thơm, mềm”.

Cũng theo ông Dũng, riêng giống Ngọc Đỏ Hương Dứa là ông tâm đắc nhất, bởi đây là loại lúa thân cao, có khả năng chống chịu đổ ngã tốt, kháng rầy nâu và đạo ôn tốt, không cần bón nhiều phân nhưng năng suất cao, đạt từ 6 - 7 tấn/ha. Không những thế, giống lúa này có thành phần dinh dưỡng cao (hàm lượng protein cao gấp đôi so với gạo trắng hiện nay), lượng đường thấp, rất thích hợp cho bệnh nhân bị tiểu đường.

Dẫn phóng viên ra từng cánh đồng của HTX, ông Dũng cho hay, hiện HTX có đến 50ha diện tích trồng lúa, sản xuất lúa bằng phân vi sinh, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Để phục vụ tốt hơn cho sản xuất kinh doanh, HTX của ông Dũng đã đầu tư trên 2 tỷ đồng xây Trại nghiên cứu và sản xuất lúa giống và thuê thêm 2 kỹ sư nông nghiệp hỗ trợ. Tới đây, HTX của ông sẽ triển khai thực hiện mô hình “Trải nghiệm nông dân” trên đồng ruộng, du khách đến đây sẽ được trồng lúa, câu cá, bơi xuồng, được tự tay xay gạo, nấu ăn…

Cũng như HTX Giống nông nghiệp Định An, HTX lúa giống 9 Táo (xã Song Lộc, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh) cũng không ngừng lai tạo ra những giống lúa mới phù hợp với điều kiện canh tác hiện nay.

“Vùng đất Trà Vinh giáp biển, vài năm trước nhiều diện tích lúa đã bị hạn, mặn làm thiệt hại năng suất rất lớn. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại, HTX của tôi đã lai tạo thành công giống lúa có thể chịu được độ mặn lên đến 5‰” - ông Lê Văn Chính - Giám đốc HTX trên chia sẻ.

Theo ông Chính, 3 dòng Táo Tím 19, 29, 39 có thời gian sinh trưởng từ 85 - 100 ngày, kháng rầy nâu, đạo ôn, cho năng suất tốt, dao động từ 7-9 tấn/ha (tùy vụ), hạt gạo có mùi thơm nhẹ và dẻo.

Rủi ro thấp, lợi nhuận cao

Có thể thấy rõ một xu hướng đang hình thành ở ĐBSCL là xuất hiện ngày càng nhiều những mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu. Đơn cử như tại Đồng Tháp, HTX Mỹ Đông 2 (huyện Tháp Mười) có mô hình tưới tiết kiệm ướt khô xen kẽ, HTX An Phong (huyện Tháp Mười) có mô hình sản xuất lúa giảm giá thành bằng cách bón phân vùi vừa tiết kiệm chi phí vừa giảm phát thải khí nhà kính, HTX Nông nghiệp Tân Bình (huyện Thanh Bình) với mô hình sấy ớt bằng năng lượng mặt trời, HTX Nông sản an toàn Vĩnh Thới (huyện Lai Vung) với mô hình tưới phun tự động trên cây ăn trái.

Ông Tống Văn Phong - Giám đốc HTX nông sản sạch xã Vĩnh Thới cho biết, từ khi mới thành lập (tháng 3.2018) đến nay, HTX trồng cam, quýt theo tiêu chuẩn GlobalGAP trong tổng số 50ha.

“Nhờ sản xuất cây ăn trái theo hướng an toàn, đạt tiêu chuẩn và chất lượng nên sản phẩm của HTX luôn được doanh nghiệp ký hợp đồng tiêu thụ. Mỗi tháng, chúng tôi cung cấp từ 60 - 70 tấn trái cây, sau khi thu mua, phía doanh nghiệp sẽ đưa đi tiêu thụ trong hệ thống siêu thị hoặc xuất khẩu. Để có số lượng sản phẩm lớn cung cấp cho doanh nghiệp, HTX còn liên kết sản xuất với 100 hộ dân trên địa bàn xã” - ông Phong nói.

Ở tỉnh An Giang, Long An, Tiền Giang và TP.Cần Thơ cũng đã hình thành nhiều HTX nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp thông minh vào sản xuất lúa gạo (sử dụng phân bón vi sinh, phân bón thông minh) trên quy mô cả chục ngàn ha nâng cao chất lượng hiệu quả kinh tế cao sản xuất lúa gạo.

Riêng các địa phương vùng giáp biển, thường xuyên chịu tác động của hạn, mặn như Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang cũng có hàng chục HTX nông nghiệp chuyển đổi mô hình sản xuất từ 2 lúa sang mô hình lúa - tôm, mô hình nuôi tôm dưới tán rừng.

Cụ thể, HTX Cái Bát (xã Hòa Mỹ, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau) đã nghiên cứu, xây dựng kế hoạch sản xuất, tổ chức thả giống đồng loạt, liên kết với doanh nghiệp ứng dụng quy trình nuôi tôm theo tiêu chuẩn ASC (sản phẩm thủy sản an toàn từ các trại nuôi ra thị trường, hạn chế tối đa các tác động về môi trường và xã hội), giúp nông dân nâng cao thu nhập, hạn chế rủi ro trong sản xuất. Diện tích nuôi trồng của HTX hiện đã lên đến 115ha, trong đó 35ha thực hành theo tiêu chuẩn ASC.