Dân Việt

3 kỳ vọng lớn của kinh tế Việt Nam trong năm mới

31/01/2012 15:16 GMT+7
(Dân Việt) - Năm Nhâm Thìn này (2012) bắt đầu với kỳ vọng có sự chuyển đổi trên nhiều mặt. Kỳ vọng nhất là lạm phát sẽ thấp xuống.

Mục tiêu của Quốc hội là dưới 10%, được Chính phủ cụ thể hóa ở mức 9%, người dân còn mong muốn thấp hơn nữa để tránh 100.000 đồng đầu năm chỉ còn 90.000 đồng cuối năm. Trong khi còn một phần mười người dân nước ta còn nghèo và số cận nghèo, số thu nhập thấp còn lớn hơn. Trong khi 70% dân số sống ở nông thôn, mà làm nông nghiệp chỉ “lấy công làm lãi”, năm nay giá nông sản sẽ khó tăng như năm trước; làm làng nghề chưa thoát khỏi khó khăn về tài khóa, sự tăng lên dồn dập với tốc độ cao của những mặt hàng độc quyền, sự tăng lên của tỷ giá...

Nếu làm tốt khâu phân phối, quản lý giá để giảm thiểu chênh lệch lớn giữa giá mà người nông dân bán ra với giá đến tay người tiêu dùng cuối cùng thì lạm phát năm nay sẽ chỉ còn 6- 7% (đã từng diễn ra cứ sau hai năm tăng cao thì có một năm tăng thấp hơn, như 2006 tăng 6,6%, năm 2009 tăng 6,52%). Đặc biệt chú ý đối với những mặt hàng độc quyền chỉ nghĩ đến “giá ngoại” mà không nghĩ tới “lương nội”.

Kỳ vọng lớn thứ hai là lãi suất vay ngân hàng giảm xuống để cứu sản xuất, cứu người lao động khỏi thất nghiệp và thiếu việc làm. Có điều lạ là giá tiêu dùng đã tăng chậm lại tới gần nửa năm và được dự báo sẽ tiếp tục tăng chậm lại trong những năm tới, các ngân hàng thương mại (nhất là các ngân hàng thương mại lớn) có lợi nhuận rất cao... nhưng lãi suất cho vay vẫn cao ngất ngưởng, nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, phá sản, người lao động mất hoặc thiếu việc làm.

Một kỳ vọng lớn khác là tiết kiệm, hiệu quả tiết kiệm trong sản xuất, tiết kiệm trong tiêu dùng. Không thể tốn hàng chục tỷ USD để nhập siêu, trong đó có hàng tỷ USD để nhập những mặt hàng trong nước đã sản xuất được, những mặt hàng cao cấp, đắt tiền, thuộc loại đỉnh của thế giới, đến nỗi người nước ngoài cũng phải ngạc nhiên, để phục vụ cho những người sính hàng ngoại, giàu nhờ “lách” hoặc giàu thật nhưng đã “ăn chơi sớm”. Không thể đầu tư dàn trải, co kéo bởi lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm, cần dồn cho nông nghiệp, nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, sản xuất hàng xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa.