Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, bà con ngư dân ở vùng biển xã Quỳnh Nghĩa, Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai (tỉnh Nghệ An) đang vào mùa khai thác ruốc biển ven bờ (hay còn gọi là nghề đẩy ruốc).
Công việc này được diễn ra vào lúc sáng sớm, nếu được mùa thì ngư dân đánh bắt cả ngày.
Đẩy ruốc là một nghề khá vất vả, bởi ngư dân phải đầm mình dưới nước hàng tiếng đồng hồ, phải di chuyển liên tục, nếu không quen sẽ không làm được, hoặc những người có sức khoẻ yếu sẽ không di chuyển được nhanh, thế nhưng bù lại bà con có nguồn thu nhập hấp dẫn, những ngày gặp may kiếm được 2 - 3 triệu đồng.
Công việc của ngư dân khá vất vả.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ngư dân Hoàng Trung Quân (xã Quỳnh Nghĩa) cho biết: “Muốn săn ruốc biển, chúng tôi phải chờ khi biển lặng mới có nhiều ruốc, những ngày sóng to, ruốc sẽ không vào bờ. Có những ngày biển động, sóng to chúng tôi phải ngồi chờ từ sáng đến khi biển lặng mới đánh được”.
Để săn bắt ruốc biển, ngư dân đã chế tạo ra trụ đẩy hình chữ Y dài 3 - 4 mét; ở 2 đầu càng gắn một dải lưới để giữ con mồi. Khi ra biển, ngư dân chỉ việc cầm dụng cụ tiến về phía trước là ruốc biển lập tức lọt vào trong lưới.
Ngư dân Nguyễn Văn Hưng (ở xã Quỳnh Nghĩa ,Quỳnh Lưu, Nghệ An) nói: “Ruốc biển thì có thể khai thác quanh năm, nhưng với cách khai thác gần bờ thì mới vào mùa được mấy hôm nay. Chúng tôi không có thuyền to để ra xa, với những dụng cụ tự chế như lưới xúc đơn giản chỉ làm được gần bờ, mấy hôm nay biển lặng nên ruốc vào nhiều, gia đình tôi có ngày kiếm được 3 triệu đồng, nếu chăm chỉ thu nhập cũng khá".
Ngư dân xã Quỳnh Lập (thị xã Hoàng Mai) khai thác ruốc biển bằng te lưới ở vùng khơi.
Chia sẻ với phóng viên, những ngày gần đây, trung bình mỗi người săn được 50 - 70 kg ruốc biển/ngày. Với giá bán 15.000 - 17.000 đồng/kg, ngư dân có mức thu nhập mỗi ngày từ 750.000 đồng - 1 triệu đồng.
Nghề đánh bắt ruốc biển phụ thuộc vào thời tiết, được phân chia thành 2 mùa rõ rệt: Mùa lộng từ tháng 3 - 7; mùa khơi từ tháng 10 đến tháng giêng, tháng hai năm sau.
Ruốc biển săn bắt về được bà con ngư dân chế biến bằng nhiều cách. Có thể nấu với khế chua; phơi khô, hoặc dùng để làm ra món đặc sản “ruốc hôi”.
Ruốc được ngư dân đánh bắt vào bờ còn tươi sống, sau đó được các thương lái thu mua đưa đi tiêu thụ, hoặc chế biến thành mắm tôm, sấy khô để bán.