Dân Việt

Gốc rễ tội ác tàn sát triệu người Do Thái của Hitler: Ám ảnh khôn nguôi

PV 07/05/2019 08:31 GMT+7
Như bao tên "bài Do Thái" khác ở Đức, Hitler đẩy hết trách nhiệm cho những người Do Thái về thất bại của Đức năm 1918. Từ đây, tội ác diệt chủng của hắn bắt đầu...

img

Ảnh minh họa: Amazon

Bản thân cụm từ “Holocaust” được xuất phát từ tiếng Hy Lạp, với hai vế - “holos” nghĩa là “toàn bộ” và “kaustos” nghĩa là “thiêu rụi”. Cụm từ này ban đầu dùng để chỉ những nghi lễ tự thiêu bản thân với mục đích thờ cúng thánh thần thời xưa.

Nhưng trong giai đoạn năm 1945, "Holocaust" lại mang trong mình một nghĩa khác, và nó đã gieo rắc nỗi khiếp sợ cho những nạn nhân của Đức Quốc xã. Cuộc diệt chủng mang tên Holocaust do Hitler và Đức Quốc xã tiến hành trong thời Thế chiến II, hậu quả dẫn tới cái chết của khoảng 6 triệu người Do Thái.

Với một tên độc tài như Adolf Hitler, người Do Thái là chủng người hạ đẳng, là mối lo ngại và là sự đe dọa cho sự tồn tại của đế chế của ông ta.

Trong những năm tồn tại, khi mà những người Do Thái bị hành hạ và ngược đãi, thì "giải pháp cuối cùng" của Hitler - ngày nay được biết đến dưới cái tên "Holocaust" - được nảy ra dưới vỏ bọc của Thế chiến II, với những trại tập trung giết người hàng loạt, rất dã man.

Trước Holocaust: Chủ nghĩa "bài Do Thái" của Adolf Hitler

Chủ nghĩa "Bài Do Thái" thực tế không hề được khởi xướng bởi Adolf Hitler. Mặc dù thuật ngữ này được đưa vào sử dụng vào những năm 1870, nhưng đã có những dấu hiệu thù địch dành cho người Do Thái từ rất lâu trước Holocaust.

Trong Thời kỳ Khai sáng (The Enlightenment), Napoleon Bonaparte và những vị vua khác của châu Âu đã đưa ra những điều luật chấm dứt sự kỳ thị với người Do Thái. Nhưng chủ nghĩa này vẫn còn kéo dài, và nó đã vượt sang "phân biệt chủng tộc" hơn.

Nguyên do dẫn đến sự thù địch với người Do Thái của Adolf Hitler vẫn chưa được làm rõ. Sinh ra tại Braunau am Inn thuộc Đế quốc Áo-Hung vào năm 1889, hắn phục vụ nước Đức trong Thế chiến lần thứ nhất.

Như bao tên "bài Do Thái" khác ở Đức, Hitler đẩy hết trách nhiệm cho những người Do Thái về thất bại của Đức năm 1918. Không lâu sau khi chiến tranh kết thúc, hắn gia nhập DAP (Deutsche Arbeiterpartei - Đảng Công nhân Đức) - tiền thân của "Nazi".

Khi bị bắt vì có mưu đồ phản quốc trong cuộc nổi dậy Beer Hall năm 1923 (một cuộc nổi loạn bất thành của Nazi), hắn đã viết một bản luận văn tuyên truyền mang tên "Mein Kampf" (tạm dịch - "Sự chống trả của tôi"), trong đó hắn đã đưa ra khái niệm về một cuộc chiến sẽ "xóa sổ hoàn toàn người Do Thái tại Đức".

Hitler bị ám ảnh bởi ý nghĩ về sự tối thượng của chủng người Đức "thuần chủng", hay như hắn gọi là "Aryan". Và lẽ dĩ nhiên, hắn cần "lebensraum" (không gian sống), tạo điều kiện cho những người Aryan có thể phát triển. Hơn một thập kỷ sau khi ra tù, Hitler đã lợi dụng sự suy yếu của đối thủ nhằm mục đích bành trướng quyền lực của mình.

Và rồi điều gì đến cũng đã đến, sau cái chết của Paul von Hindenburg năm 1934, hắn ngay lập tức tự xưng là Quốc trưởng (Der Führer) và trở thành nhà cầm quyền tối cao.

Sự nổi lên của Nazi (1933-1939)

Hai mục tiêu về sự thanh lọc chủng tộc và sự bành trướng không gian là nguồn cội cho những hoạt động của Hitler, và từ năm 1933 trở đi, chúng đã hợp nhất làm một và là kim chỉ nam cho những chính sách và đường lối của hắn.

Đầu tiên, hắn vẫn duy trì sự thù địch với những đối thủ trên trường chính trị. Trại tập trung đầu tiên đã được đưa vào hoạt động ở Dachau (gần thủ phủ Munich) vào tháng 3.1933.

Cũng giống như mạng lưới những trại tập trung sau này, Dachau nằm dưới sự điều khiển của Heinrich Himmler (1900-1945, từng giữ chức Thống chế của Đội cận vệ Hoàng gia (Schutzstaffel)).

Đến tháng Bảy năm 1933, các trại tập trung của Đức đã giam cầm 27.000 người trong tình trạng "được giám hộ". Những hoạt động mang quy mô lớn như đốt các thư viện công cộng của người Do Thái đã góp phần bành trướng tầm ảnh hưởng của Nazi.

Số lượng người Do Thái vào năm 1933 dao động khoảng 525.000 người, chỉ chiếm vỏn vẹn có 1% dân số toàn nước Đức lúc đó. Trong vòng 6 năm sau, Hitler bắt đầu tiến hành "Aryan-hóa" dân số, tước bỏ quyền xã hội của những người khác.

Chúng còn đóng cửa các doanh nghiệp do người Do Thái sở hữu và tước bằng hành nghề của các luật sư và bác sĩ người Do Thái. Theo như nội dung Điều luật Nuremberg được ban hành năm 1935, bất cứ ai mà có ông bà cách ba hoặc bốn thế hệ là người Do Thái thì lập tức bị coi là người Do Thái, nếu là hai thế hệ thì sẽ bị gọi là "Mischlinge" (con lai).

Vào giai đoạn đó, những người Do Thái luôn là tâm điểm của sự bêu xấu và sự hành hạ, ngược đãi tàn bạo. Cao trào nhất là sự kiện "Kristallnacht" (Đêm pha lê - gọi như vậy là do cảnh tượng vô vàn những mảnh kính vỡ sau đó), khi các giáo đường đã bị thiêu rụi và tất cả các cửa sổ đã bị đập vỡ tan tành.

Vài trăm người Do Thái đã bị giết và hàng ngàn người bị bắt. Khoảng từ năm 1933 đến 1939, vài trăm ngàn người Do Thái đã trốn chạy khỏi "địa ngục", còn những người ở lại thì luôn sống trong nỗi sợ hãi thường trực.

img

 (Ảnh: Những cửa sổ bị phá vỡ sau cuộc nổi loạn Kristallnacht. Nguồn: History).

Khởi đầu của chiến tranh (1939-1940)

Vào tháng 9.1939, quân đội Đức đã đánh chiếm nửa phía Tây của Ba Lan. Giới cảnh sát Đức đã nhanh chóng ép buộc những người Do Thái đến những khu tập trung, tịch thu hết của cải tài sản của họ.

Bao vây bởi bốn bức tường đá dày đặc và những sợi dây thép gai chằng chịt, những trại tập trung này hoạt động hệt như một đất nước thu nhỏ, lãnh đạo bởi Hội đồng Do Thái (Jewish Council). Bên cạnh việc thất nghiệp và đói kém lan rộng, thì số lượng người quá lớn vô tình lại trở thành mầm bệnh - ví dụ như sốt phát ban.

Trong khi đó, trước giai đoạn thất bại vào năm 1939, Nazi đã trực tiếp chọn ra hơn 70.000 người Đức có dấu hiệu bệnh tật và thương tích và đầu độc họ bằng khí gas trong "dự án Euthanasia". Sau khi bị phản đối gay gắt bởi các lãnh đạo tôn giáo, Hitler đã đặt "dấu chấm hết" cho dự án này vào năm 1941.

Nhưng thực chất nó vẫn diễn ra một cách bí mật, và đến năm 1945, đã có hơn 275.000 người tàn tật đã bị tàn sát. Tuy rằng đã muộn, nhưng nhiều người đã bắt đầu nhìn ra một thứ còn kinh khủng hơn nữa sau cái thứ gọi là "dự án Euthanasia" kia.

"Giải pháp cuối cùng" mang tên Holocaust (1940-1941)

Xuyên suốt mùa xuân và mùa hè năm 1940, quân Đức tiếp tục công cuộc bành trướng thế lực của mình. Chúng đã xâm lược Đan Mạch, Na Uy, vương quốc Hà Lan, Bỉ, Luxembourg và Pháp. Bắt đầu năm 1941, tất cả những người Do Thái ở khắp nơi, cùng với những người Gypsy đều bị đưa về những trại tập trung ở Ba Lan.

Cuộc xâm lăng Liên Xô (cũ) vào tháng 6.1941 đã đánh dấu một mốc mới của bạo lực chiến tranh. Một đơn vị đánh thuê có tên Einsatzgruppen đã giết hơn 500.000 người Do Thái ở Liên Xô và những người khác (chủ yếu bằng cách bắn chết họ).

Một bức thư được gửi đi vào ngày 31.7.1941, từ tư lệnh Hermann Goering đến Reinhard Heydrich - lãnh đạo của SD (một chi nhánh của SS - Schutzstaffel), đề cập đến sự cần thiết của một "giải pháp cuối cùng" cho "vấn đề về lũ Do Thái".

Bắt đầu từ tháng 9.1941, toàn bộ những người bị coi là Do Thái ở Đức hoặc những thuộc địa của chúng sẽ bị đánh dấu bằng một ngôi sao, khiến họ trở thành "mục tiêu". Họ lại bị đưa đến những trại tập trung người Do Thái tại Ba Lan hoặc những thành phố đã bị Đức chiếm tại Liên Xô.

img

(Ảnh: Các tù nhân Do Thái bị lưu đày. Nguồn: History).

Kể từ tháng 6.1941, những thí nghiệm vô nhân tính giết người hàng loạt đã được thực hiện kín đáo tại trại tập trung Auschwitz, gần Krakow (Ba Lan). Tháng 8 năm đó, 500 tên lính Đức đã đầu độc đến chết 500 tù nhân Liên Xô bằng chất kịch độc Zyklon-B.

SS đã đặt trước một số lượng cực lớn Zyklon-B từ các nhà phân phối tại Đức, báo hiệu cơn ác mộng Holocaust đang đến gần.

Nỗi kinh hoàng của Holocaust (1941-1945)

Bắt đầu vào cuối năm 1941, quân Đức bắt đầu cho di chuyển hàng loạt các tù nhân từ những nhà tù ở Ba Lan tới những trại tập trung, và bắt đầu với những người bị coi là "vô dụng" nhất: những người già, trẻ con, những người bị bệnh. Vụ thảm sát đầu tiên xảy ra ở trại Belzec, gần Lublin (Ba Lan) vào ngày 17.3.1942.

Năm trại tập trung nữa đã được xây dựng để phục vụ cho những mục đích tàn ác, trong đó có Chelmno, Sobibor, Treblinka, Majdanek và lớn nhất trong số đó, Auschwitz-Birkenau. Từ năm 1942 đến năm 1945, những người Do Thái đã bị lưu đày từ tất cả những nước thuộc địa của quân Đức, cũng như những nơi liên minh với chúng.

Đợt lưu đày lớn nhất diễn ra vào mùa hè và mùa thu năm 1942, khi tận 300.000 người bị đày ải - tất cả đều từ nhà tù Warsaw.

img

 (Ảnh: Cổng trại tập trung Auschwitz, dòng chữ trên có nghĩa là "Làm việc sẽ đem lại tự do". Nguồn: Bloomberg).

Chỉ tính riêng tại trại tập trung Auschwitz, hơn hai triệu người đã bị giết chết. Hàng ngàn người - cả Do Thái và không phải Do Thái - đều bị bắt làm việc nặng nhọc tại đây.

Dù cho chỉ có người Do Thái là bị tra tấn và hành hạ, nhưng hàng ngàn người khác cũng chết do nạn đói kéo dài và bệnh tật. Suốt mùa hè năm 1944, kể cả khi cuộc đổ bộ Normandy diễn ra, thậm chí là khi Liên Xô tấn công, vẫn có một lượng lớn tù nhân Do Thái từ Hungary bị đày về Auschwitz, và bình quân có hơn 12.000 người Do Thái bị giết hại mỗi ngày.

Hậu Holocaust

img

 (Ảnh: Primo Levi - tác giả của cuốn sách "Sinh tồn ở Auschwitz". Nguồn: Paris Review).

Ngày 8.5.1945, Phát xít Đức chính thức đầu hàng Liên Xô, đánh dấu sự tàn lụi của Đế chế Đức Quốc Xã, cũng như Thế chiến II.

Trước đó thì Adolf Hitler cùng với người vợ mới cưới Eva Braun đã tự sát trong chính boong-ke của mình. Holocaust cũng từ đó mà biến mất.

Primo Levi, nhà văn người Ý gốc Do Thái đã viết trong cuốn sách "Sinh tồn ở Auschwitz" của mình như sau:

"Chúng tôi đã phải nằm giữa ranh giới giữa cuộc sống và cái chết không biết bao lần. Dấu vết của những nền văn minh dường như đã tan biến xung quanh và bên trong chúng tôi. Những hành động tàn ác của chúng đã phải trả giá bằng sự tan rã."