Dân Việt

Trèo núi đá lởm chởm săn loài rau rừng nổi tiếng, bán 300 ngàn/kg

Phạm Hiền 07/05/2019 09:00 GMT+7
Mùa rau sắng-loài rau rừng thơm ngon nức tiếng thường bắt đầu từ tháng Giêng đến hết tháng Tư âm lịch. Mùa rau sắng, cùng với việc thu hoạch rau sắng trồng nơi vườn đồi, hàng chục năm qua một số người dân thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng (Hà Nam) còn chấp nhận vất vả, hiểm nguy, trèo núi đi rừng hái rau bán để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình.

42 tuổi nhưng chị Tào Thị Thủy, tổ 6, thị trấn Ba Sao, huyện Kim Bảng (Hà Nam) có "thâm niên" gần 20 năm đi rừng hái rau sắng rừng.

Chị Thủy tâm sự: Nghề này nguy hiểm lắm. Để hái được rau sắng phải vượt qua núi đá cao, băng qua nhiều hốc đá cheo leo, lởm chởm hiểm trở, dây gai chằng chịt, đá tai mèo sắc nhọn... Chỉ sơ sểnh một chút là nguy hiểm tới tính mạng. Hôm nào đi rừng phải dậy từ sớm làm xong việc nhà để tầm 7 giờ là lên đường....

img

Chị Thủy hái sắng cây trong vườn nhà. Rau sắng cây có thời điểm bán rất đắt, tới 300 ngàn đồng/kg, thường thì giá 180 ngàn đồng/kg.

Khi đi săn rau sắng rừng trên núi, mọi người đầu phải đội mũ bịt mặt, tay đi găng, hành trang mang theo gồm: Dao phát lối đi, bao đựng rau, găng tay vải. Đi xe máy khoảng hơn chục km mới tới chân núi tỉnh Hòa Bình, gửi xe nhờ nhà dân, tay khoác túi, tay cầm dao dọn đường bắt đầu hành trình leo núi. 

Chị Thủy chia sẻ: Đi rừng hái rau sắng phải có sức khỏe và biết leo trèo giỏi. Để rau sắng khi mang về không bị nát, hái được bó nào phải bó thành từng bó cho vào túi treo trên cây. Khi xuống, lót một lớp lá dưới đáy bao, sau đó mới nhẹ nhàng xếp lần lượt từng bó rau vào bao.

Chị Thủy kể, đường rừng nguy hiểm nên đi hái rau các chị thường đi theo nhóm hai, ba người, đến địa điểm nhất định mới chia nhau đi theo những hướng khác nhau. Liên lạc trong rừng chủ yếu bằng điện thoại di động, hoặc ám hiệu bằng tiếng hú, không gọi tên. 

Đặc biệt, khi đi săn rau sắng trong rừng thì điện thoại không được để hết pin. Đi hái rau sắng rừng cũng nhiều may rủi. Hôm nào may mắn, gặp được những cây chưa khai thác thì thu hái được nhiều, xuống núi sớm hơn.

Hôm không may, rau sắng hái được may ra chỉ đủ bữa ăn. Tiếc công đi rừng, nếu gặp chuối dù nặng cũng lấy cả buồng vác xuống núi… Hôm nào đi rừng về đến nhà cũng đã ba bốn giờ chiều. Tranh thủ nghỉ ngơi chốc lát lại vội vã đi chợ bán rau. Gặp khách quen, bán nhanh thì bốn, năm giờ chiều có mặt ở nhà, hôm nào chậm thì khoảng hơn sáu giờ tối mới về đến nhà. 

Là rau “đặc sản”, sạch, ngon, ngọt, lành nổi tiếng nên chưa bao giờ rau sắng bị ế đến hôm sau. Rau sắng bán được giá. Đầu tháng Giêng, vừa Tết xong, ít người đi hái nên giá cao hơn. Thời điểm giá cao bán được khoảng 300.000 đồng/kg sắng cây, 100.000 đồng/kg sắng dây.

Bình thường, người hái bán được 180.000 đồng/kg sắng cây, 70.000 đồng/kg sắng dây. Ngày cao bù ngày thấp, bình quân một ngày đi rừng mỗi người được khoảng 300.000 đồng. Nghề hái sắng rừng vất vả nên mỗi tuần chị Thủy chỉ "đủ sức" đi khoảng 3 buổi. 

Để có thêm nguồn rau sắng phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, hơn chục năm qua gia đình chị Thủy đã trồng cả sắng cây và sắng dây trong vườn, đồi. Mỗi vụ gia đình chị Thủy thu nhập từ sắng vườn và sắng rừng được khoảng hơn hai chục triệu đồng.

Chung quan điểm với chị Thủy về nghề hái rau sắng rừng, chị Phạm Thị Phượng, tổ 6, cười khẳng định: Nghề hái rau sắng rừng vất vả, nguy hiểm lắm.

Trò chuyện với chúng tôi về nghề hái sắng rừng, chị Phượng cười bộc bạch thêm: Đi hái sắng rừng vất vả, nguy hiểm nhưng cũng có niềm vui riêng. Ngoài có thêm thu nhập, đi rừng mùa xuân cảnh rất đẹp. Đúng mùa, hoa sen đá nở đỏ, cây cối đâm chồi xanh biếc, nhìn không chán mắt.

"Những dịp như thế chúng tôi tranh thủ dùng điện thoại chụp, quay lưu lại hình ảnh đẹp trên đường đi. Mùa rau sắng đã được hơn hai tháng. Tháng Tư, đón những đợt mưa xuân cuối, sắng rừng, sắng vườn cùng nảy lộc đâm chồi xanh mơn mởn...", chị Phương vui vẻ nói thêm.

Vất vả, nguy hiểm nên nhiều người dân ở thị trấn Ba Sao đã bỏ nghề hái sắng rừng, chỉ trồng, chăm sóc sắng vườn. Còn một số chị em như chị Phượng, chị Thủy, ngoài thu hoạch rau sắng trồng tại vườn, đồi của gia đình, đến mùa, vẫn vui với nghề, lại rủ nhau đi rừng hái rau sắng bán để có thêm thu nhập, trang trải cuộc sống gia đình.