Dân Việt

Vì sao đàn ông Việt Nam "vô địch thế giới" về uống rượu bia?

Diệu Thu 07/05/2019 12:55 GMT+7
Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế chỉ ra một trong những nguyên nhân dẫn tới tỷ lệ đàn ông Việt Nam sử dụng rượu bia cao nhất thế giới.

img

Đàn ông Việt Nam uống rượu bia nhiều nhất thế giới

Những ngày vừa qua, dư luận rúng động trước những vụ tai nạn thương tâm liên tiếp xảy ra mà nguyên nhân của nó xuất phát từ việc người điều khiển ô tô  sau khi uống rượu bia.

Những sự việc này thức tỉnh mọi người về tác hại của bia rượu không những đối với người tham gia giao thông mà còn là nguyên nhân gây ra gần 200 loại bệnh trong đó có nhiều loại ung thư.

Chưa hết, rượu bia còn là hệ lụy của rất nhiều tệ nạn xã hội và cũng là nguyên nhân gây suy thoái nền kinh tế do chi phí khắc phục hậu quả vô cùng lớn.

Trước tình trạng này, chia sẻ với PV, lãnh đạo Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho rằng, việc ban hành Luật phòng chống tác hại rượu bia là khẩn cấp.

Đàn ông Việt Nam uống rượu bia nhiều nhất thế giới

Tỷ lệ đàn ông Việt Nam uống rượu bia cũng cao nhất thế giới và ngày càng tăng với cả hai giới.

Đây là thông tin được đại diện Bộ Y tế đưa ra tại Hội thảo tập huấn về Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia diễn ra ngày 6/5.

Theo bà Trần Thị Trang- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, tại Việt Nam, nhu cầu sử dụng rượu bia có xu hướng tăng nhanh, nhất là bia.

Cụ thể: Mỗi người Việt Nam bình quân tiêu thụ 6,6 lít cồn một năm (5 năm trước chỉ 3,8 lít). Tỷ lệ đàn ông Việt Nam uống rượu bia cũng cao nhất thế giới và  ngày càng tăng với cả hai giới. Đến năm 2025, dự báo mỗi người Việt tiêu thụ 7 lít cồn một năm. Trên thế giới, mức tiêu thụ chỉ tăng từ 6,1 lít lên 6,2 lít và ổn định trong 15 năm qua.

Về tiêu thụ rượu bia, Việt Nam giành ngôi "Á quân” Đông Nam Á, đứng thứ 10 châu Á và thứ 29 thế giới. Đặc biệt, tốc độ gia tăng sử dụng là đáng lo ngại khi chỉ 15 năm, Việt Nam tăng tới 74%.

Người trẻ tuổi uống rượu bia đang gia tăng, trong đó tuổi vị thành niên, thanh niên tăng gần 10% sau 5 năm.

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, theo nghiên cứu về tình trạng sử dụng đồ uống có cồn tại 195 quốc gia và vùng lãnh thổ giai đoạn 1990 - 2016, mỗi ngày, đàn ông Việt nạp vào người hơn 5 ly tiêu chuẩn (mỗi ly tiêu chuẩn chứa 10 gram cồn). Trên thế giới, chỉ Việt Nam, Bồ Đào Nha và các nước bán đảo Balkan là có mức tiêu thụ này.

img

Ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế

Ông Nguyễn Huy Quang, phải thốt lên: Sở dĩ ở Việt Nam đàn ông uống nhiều rượu bia vì việc mua rượu bia quá dễ dàng. Theo đó, bất kỳ khi nào, thời điểm nào, số lượng ra sao, người dân có nhu cầu đều được đáp ứng. Trong khi nhiều nước trên thế giới để được phép uống rượu, bia rất khó khăn.

“Sự sẵn có của rượu bia về số lượng, giá thành khiến cho ai cũng có khả năng tiếp cận loại đồ uống này và phát sinh nhiều hệ lụy cho kinh tế, xã hội và sức khỏe của người dân”, ông Quang nêu.

Do vậy, theo ông Nguyễn Huy Quang, cần hạn chế sự “sẵn có” của rượu bia bằng cách quy định về số lượng, địa điểm các cửa hàng bán bia rượu cho những người uống tại chỗ hoặc mua về.

Bên cạnh đó, có quy định về ngày và giờ bán rượu, bia ở các cửa hàng bán lẻ; hay quy định cấm bán lẻ rượu, bia tại một số điểm hoặc trong các sự kiện đặc biệt…

Ông Quang cho biết, vì đàn ông Việt Nam lạm dụng rượu bia nên tại Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Bộ Y tế từng đưa ra đề xuất giờ bán rượu bia là từ 11-14h và 17- 22h hàng ngày và từ 6- 22h hằng ngày, trừ trường hợp bán rượu, bia tại khu vực bay quốc tế và các khu vực, tuyến phố chuyên kinh doanh ẩm thực, giải trí, du lịch. Tuy nhiên, đề xuất này bị phản đối và buộc Bộ phải đưa ra khỏi Dự thảo.

Tuy nhiên, nếu xét trên góc độ lợi ích của cộng đồng ông Quang cho rằng, việc quy định thời gian bán rượu bia là cần thiết trong Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia để hạn chế tác hại do lạm dụng rượu, bia gây ra.

Do đó, để “phế” ngôi vô địch uống rượu bia của đàn ông Việt Nam, ngoài đề xuất cần quy định thời gian bán rượu, bia, Bộ Y tế tiếp tục đề nghị giữ nguyên việc quy định quản lý đối với quảng cáo, khuyến mại với cả rượu và bia.

Đừng nói chuyện uống rượu bia “có trách nhiệm”!

Sau những vụ tai nạn thương tâm do rượu bia gây ra, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế bày tỏ: “Xin đừng bao giờ dùng cụm từ "uống có trách nhiệm" khi chưa thật sự hiểu hay chưa muốn hiểu về nó bằng cả tâm và trí của mình. Nó không phải là một thông điệp đơn giản vì nó được khởi nguồn từ ngành công nghiệp rượu bia quốc tế. Mà trách nhiệm tối thượng của ngành chỉ là uống và uống mà thôi!”.

Bà Trang lý giải, "uống có trách nhiệm" là một giải pháp hoa mỹ được ngành công nghiệp rượu bia quốc tế khởi xướng từ nhiều thập kỷ qua. Mục đích là làm động tác giả để đánh lừa, làm nhẹ đi đặc tính "gây nghiện", "gây hại", "gây ngộ độc cấp và mãn tính" vốn là đặc trưng tiềm ẩn của sản phẩm này.

Cái gốc của rượu bia là chất cồn có trong sản phẩm đã được giới khoa học xếp vào nhóm chất gây nghiện, sẽ tác động đến hệ thần kinh ngay khi ta uống.

Do đó, đối với rượu bia, Vụ Pháp chế đề xuất cách đánh thuế cao để giá cao, hạn chế/cấm quảng cáo, khuyến mại, tài trợ, hạn chế mật độ điểm bán, giờ bán, điểm uống, giờ uống, lái xe thì không uống và xử phạt nghiêm.

“Đấy mới là giải pháp gốc dễ để cho con người có thể còn đủ tỉnh táo mà nghĩ đến trách nhiệm sau mỗi cốc bia, chén rượu”, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế nói.

Khởi tố tài xế uống rượu, lái xe tông chết 2 người trên đường cao tốc

Cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với tài xế uống rượu, lái xe lao qua làn đường ngược chiều...