Gấu bông là một trong số các mặt hàng mang về doanh thu lớn cho Vietjet Air. (Ảnh: Internet)
Khi thị trường chung của ngành bắt đầu tăng trưởng chậm lại và chuẩn bị bước vào bão hoà, miếng bánh thị phần cũng bị chia thành những miếng nhỏ do sự tham gia của nhiều doanh nghiệp mới cũng là lúc các doanh nghiệp lâu năm trong ngành phải tìm phương án kinh doanh mới nhằm duy trì đà tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận, trước khi hướng tới những kế hoạch tương lai.
Đó là câu chuyện về Vietjet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo bán gấu bông, kế hoạch “bán thứ chưa từng bán” như tuyên bố của ông Nguyễn Đức Tài hay chuyện bán bưởi trên taxi của Vinasun cách đây ít năm.
Chiếc điện thoại cũ và chuyện “bán những sản phẩm chưa từng bán” của ông Nguyễn Đức Tài
ĐHĐCĐ thường niên 2019 của Công ty CP Thế Giới Di Động (MWG) dù đã trôi qua khá lâu, song vẫn để lại khá nhiều ấn tượng trong ký ức của các nhà đầu tư bởi câu chuyện về chiếc điện thoại cũ do chính Chủ tịch Nguyễn Đức Tài kể lại.
“2019 là năm đầu tiên dự báo của điện thoại thấp. Qua đó nói lên rằng hình như người tiêu dùng bão hòa với sản phẩm hi-tech. Cá nhân tôi đang xài một chiếc điện thoại khá cũ kỹ, và cũng không thấy lý do để đổi điện thoại, không biết người tiêu dùng có nghĩ như tôi không? Nói như vậy để ta thấy dấu hiệu về việc ngành ICT sẽ bão hòa. Qua rồi cái thời mỗi khi có model mới, mọi người xếp hàng từ sớm chờ lấy sản phẩm. Một thị trường đi ngang mà lại chiếm tới một nửa doanh thu và lợi nhuận của Tập đoàn. Để đạt được mức tăng trưởng 25% về doanh thu và 24% về lợi nhuận thì các ngành khác phải gồng mình lên rất nhiều”, ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ.
Ông Nguyễn Đức Tài chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên 2019. (Ảnh: Internet)
Bản thân lãnh đạo Thế Giới Di Động cũng thừa nhận trước cổ đông rằng thị trường di động khó tăng trưởng. Còn ngành hàng tivi tăng khoảng 10%, máy lạnh 11%, các ngành khác đều dưới 10%. So với dự báo của các năm trước đã thấp hơn khá nhiều.
Và những thông tin nêu trên, cộng thêm kế hoạch kinh doanh khá tham vọng của Thế Giới Di Động với doanh thu gần 108.468 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 3.571 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng lần lượt 25% và 24% so với năm 2018 đã khiến không ít cổ đông đặt câu hỏi nghi ngờ.
Đáp lại, ông Nguyễn Đức Tài cho biết, để tăng doanh thu có 2 cách. Thứ nhất, bán những sản phẩm chưa từng bán tại chuỗi Thế Giới Di Động như đồng hồ, smartwatch. Thứ hai, tiếp cận nhóm khách hàng mới chưa từng tiếp cận hoặc chưa từng quan tâm tới. Ngoài ra, có hoạt động mới khác biệt với những gì đã làm như mở mới các loại cửa hàng, cải tiến mô hình trưng bày để trưng bày nhiều sản phẩm hơn…
Thế Giới Di Động (MWG) ghi nhận doanh thu thuần hợp nhất 25.017 tỷ đồng trong quý I.2019
Kết quả, việc “bán những sản phẩm chưa từng bán” được ông Nguyễn Đức Tài nêu ra, tưởng chừng ít lợi nhuận và mô hình shop-in-shop lại đóng góp đáng kể vào doanh thu và lợi nhuận của Công ty CP Thế Giới Di Động.
Cụ thể, biên lợi nhuận gộp và biên lợi nhuận ròng trong quý I.2019 đều được cải thiện so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tỷ lệ biên lợi nhuận ròng gần 4,2% của Quý I.2019 là mức cao nhất trong tất cả các quý tính từ đầu năm 2017 đến nay. Riêng khoản lợi nhuận sau thuế tăng ới 29%, lên hơn 1.041 tỷ đồng.
Đúng như dự báo, sản lượng điện thoại bán ra trong quý I.2019 tăng trưởng 3% trong khi giá trị đi ngang so với cùng kỳ năm 2018. Đối với các mặt hàng điện tử và điện lạnh, Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài ghi nhận mức tăng trưởng 27% về sản lượng và 14% về giá trị sau 1 năm.
Cơ cấu doanh thu của Thế Giới Di Động theo ngành hàng trong quý I.2019
Nét mới chính là nhóm sản phẩm gia dụng và dụng cụ nhà bếp, riêng quý I.2019, đã có hơn 10 triệu sản phẩm được bán ra tại các cửa hàng Điện Máy Xanh và mang về cho công ty hơn 1.700 tỷ đồng doanh thu, hiện đóng góp 7% doanh thu tập đoàn, tương đương với mức tăng trưởng 130% về sản lượng, 50% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Còn mô hình shop-in-shop lại gắn với một sản phẩm mới được Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài thử nghiệp kinh doanh từ tháng 3.2019, đó là đồng hồ. Hiện doanh nghiệp có 2 cửa hàng đang bán trên 50 mẫu đồng hồ thông minh và trên 1.000 mẫu đồng hồ thời trang của hơn 20 thương hiệu. Công ty tập trung phục vụ nhóm khách hàng phổ thông và trung cấp với giá một sản phẩm chủ yếu dao động từ 1 triệu đến 6 triệu đồng.
Mục đích là để tiếp cận lượng lớn khách hàng có nhu cầu mua đồng hồ chính hãng. Bên cạnh đó, thị trường đồng hồ tại Việt Nam hiện vẫn chưa có doanh nghiệp thống lĩnh - chiếm phần lớn thị phần.
Nếu hướng kinh doanh này hiệu quả, Thế Giới Di Động của ông Nguyễn Đức Tài sẽ nhân rộng thêm 50-100 cửa hàng trong chuỗi điện thoại trong tương lai.
Vietjet thu về nghìn tỷ tỷ đồng nhờ gấu bông, mỳ tôm
Không lý giải cụ thể về câu chuyện kinh doanh các mặt hàng bán lẻ của mình, song Vietjet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo vẫn đang cho thấy con số tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ tại một số sản phẩm như mỳ tôm, gấu bông…
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo. (Ảnh: Internet)
Kết thúc quý I.2019, VietJet Air của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo ghi nhận con số doanh thu 13.637 tỷ đồng, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong cơ cấu doanh thu của VietJet Air, hoạt động vận tải vẫn chiếm tỷ trọng lớn nhất với 53%, đóng góp 7.247 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và hoàn thành 17% kế hoạch năm. Còn doanh thu hoạt động phụ trợ chủ yếu đến từ bán mỳ tôm và gấu bông, quà lưu niệm trên máy bay cũng tăng mạnh 45% so với quý I.2018 lên 2.647 tỷ đồng, đóng góp hơn 19% vào tổng doanh thu của Vietjet.
Theo tính toán, tỷ trọng doanh thu phụ trợ trong doanh thu vận tải hàng không của Vietjet đã liên tục tăng từ mức 23% vào quý I.2018 lên 25% vào cuối 2018 và đạt 26% vào cuối quý I.2019. Còn tính riêng 5 năm qua, doanh thu phụ trợ của Vietjet đã tăng 10 lần. Cụ thể, doanh thu năm 2014 mới chỉ là 836 tỷ đồng thì đến năm 2018 vừa qua đã lên tới 8.410 đồng.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 diễn ra tháng 4 vừa qua, bà Nguyễn Thị Phương Thảo từng lưu ý về khoản doanh thu phụ trợ nhờ mang lợi nhuận lớn và hầu như không phát sinh thêm chi phí.
"Với lượng khách phục vụ hiện nay, chỉ cần mỗi khách hàng chi thêm 1 USD cho các sản phẩm phụ trợ như mì tôm, gấu bông, doanh thu của Vietjet đã có thêm 25 triệu USD. Mục tiêu là thu được 10 USD mỗi người trong vài năm tới", bà Thảo nói.
Doanh thu hoạt động phụ trợ chủ yếu đến từ bán mỳ tôm và gấu bông, quà lưu niệm trên máy bay đóng góp hơn 19% vào tổng doanh thu của Vietjet. (Ảnh: Internet)
Quý I.2019, hãng mở thêm 4 đường bay quốc tế, 2 đường bay trong nước, nâng tổng số đường bay lên 111 đường. Tỷ trọng doanh thu quốc tế đã vượt qua doanh thu nội địa và đạt 55% trên tổng doanh thu vận tải hàng không. Các đường bay quốc tế với dư địa phát triển thị trường lớn cùng biên lợi nhuận cao, đồng thời giúp hãng tăng cường doanh thu ngoại tệ từ bán vé và lợi thế giá nhiên liệu quốc tế thấp hơn trong nước.
Ngoài ra, công ty không thực hiện giao dịch bán và thuê lại máy bay trong khi cùng kỳ năm 2018, Vietjet của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo có 4 giao dịch này nên doanh thu từ chuyển giao sở hữu, quyền sở hữu và thuê máy bay của Vietjet giảm từ 4.678 tỷ đồng xuống 3.565 tỷ đồng.
Kết quả, lợi nhuận trước thuế vận tải hành khách đạt 923 tỷ đồng, tăng trưởng 25,3%, lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 1.648 tỷ đồng, tăng trưởng 11,3 % so với cùng kỳ 2018. Còn lợi nhuận hợp nhất sau thuế đạt 1.463 tỷ đồng tăng tương ứng gần 9% so với cùng kỳ 2018.
Không chỉ Thế Giới Di Động, FPT Retail gần đây cũng gây bất ngờ cho thị trường khi công bố hợp tác với Nguyễn Kim kinh doanh thêm ngành hàng điện máy với tivi, tủ lạnh, máy lạnh, máy giặt, đồ gia dụng… Còn FPT Shop có thêm mục mới “Hàng quốc tế”, cho phép người tiêu dùng đặt mua hàng tại Mỹ, Đức, Nhật. Dự án này do FPT Retail bắt tay với Fado - doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới với đối tác chính là Amazon thực hiện. |