Nhiều giống mới được đưa vào sản xuất
Ông Triệu Tấn Phú – Giám đốc Chi nhánh ThaiBinh Seed miền Trung – Tây Nguyên cho biết, thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp (NN), nhằm từng bước thực hiện chương trình sản xuất NN theo hướng hữu cơ, hiện đại, đưa các giống mới vào sản xuất, ngay từ khi thành lập, Công ty đã phối hợp chặt chẽ với các trung tâm khuyến nông, các hợp tác xã NN liên kết với các hộ nông dân trên địa bàn khu vực miền Trung - Tây Nguyên tổ chức sản xuất theo chương trình khép kín.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT Lê Quốc Doanh (trái) kiểm tra mô hình liên kết sản xuất giống lúa BC15 của Tập đoàn ThaiBinh Seed tại xã Đại Minh (Đại Lộc) ngày 11.4. Ảnh: T.H
Theo ông Triệu Tấn Phú – Giám đốc ThaiBinh Seed miền Trung – Tây Nguyên, Công ty sẽ tiếp tục hoàn thiện tính ổn định về di truyền, độ đồng đều của các loại giống, đồng thời nhân rộng các loại giống mới, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho bà con. |
Theo ông Phú, năm 2018 là năm chi nhánh có kế hoạch sản xuất cao nhất từ trước tới nay. Tổng diện tích thực hiện liên kết sản xuất hơn 2.548ha, đạt 99,95% kế hoạch công ty giao và bằng 138,47% năm 2017, năng suất bình quân đạt 41,17 tạ/ha. Sản lượng thu mua đạt 10.438 tấn giống các loại, đạt 104,3% kế hoạch, bằng 147,09% năm 2017, đã chuyển về công ty 7.089 tấn và nhập kho chi nhánh 3.349 tấn.
Cũng trong năm 2018, chi nhánh tổ chức liên kết sản xuất 12 bộ giống lúa thuần, ngoài ra đã bố trí được vùng và tổ chức chỉ đạo thành công việc sản xuất hạt lai F1; bắt đầu tìm vùng, tổ chức sản xuất các giống màu như lạc, ngô để tìm hướng phát triển sản xuất giống màu những năm tiếp theo.
Thời gian qua, được sự hỗ trợ của các địa phương, chi nhánh đã triển khai 75 mô hình khảo nghiệm trình diễn tại 45 huyện trọng điểm của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận, Đăk Lăk, Gia Lai, Kon Tum…
Các mô hình tập trung cho các giống mới và sản phẩm bản quyền. Chi nhánh phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức 28 hội nghị đầu bờ để giới thiệu các bộ giống lúa, ngô và lạc như: BC15, TBR225, TBR1, TBR36, TBR45, TBR279, Đông A1, Nếp A Sào, Phúc Thái 168, TBR117, OM9582, Ngô VS36, TA06, TA898 và lạc TB25…
Tiếp tục nhân rộng các mô hình
Theo ông Phú, sự khác biệt lớn nhất mà chi nhánh tạo ra trong những năm qua với các loại giống mới là có nhiều ưu điểm như ngắn ngày, phù hợp với định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chất lượng gạo thơm ngon, giá cả thu mua bằng HT1, phù hợp với thị trường, thị hiếu... Đặc biệt, chi nhánh đã tạo ra được các giống lúa chống chọi được sâu bệnh và đem lại giá trị cao hơn sản xuất lúa thường từ 20-30%, tạo nên thương hiệu cho ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên.
"Hiện, nhà tôi sản xuất hơn 4 sào lúa giống TBR279, năng suất bình quân đạt từ 60 - 65 tạ/ha. Nếu như trước đây và cũng tại vùng đất này, sản xuất lúa thường năng suất chỉ đạt trên 55 tạ/ha, thu nhập được khoảng 1,5 - 1,7 triệu đồng/sào, thì khi sản xuất lúa giống TBR279 chúng tôi đã thu về khoảng gần 2,5 triệu đồng/sào…" - ông Lê Văn Ba ở thôn Phú Bình, xã Đại Thắng, huyện Đại Lộc (Quảng Nam) hồ hởi nói.
Ông Hoàng Trung Hùng - Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại Thắng (Quảng Nam) cho biết, từ ngày chi nhánh ThaiBinh Seed liên kết với HTX nông nghiệp Đại Thắng tổ chức sản xuất, các hộ dân được hưởng lợi rất nhiều chính sách ưu đãi như: Được ThaiBinh Seed cho mua chịu giống, tư vấn kỹ thuật, bao tiêu đầu ra... nên bà con nhân dân rất phấn khởi…
“Với phương châm “nâng cao giá trị gia tăng” trên cùng đơn vị diện tích, Công ty cổ phần tập đoàn ThaiBinh Seed nói chung và ThaiBinh Seed miền Trung - Tây Nguyên nói riêng tiếp tục hoàn thiện tính ổn định về di truyền, độ đồng đều của các loại giống, đồng thời nhân rộng các loại giống mới, có giá trị kinh tế cao vào sản xuất nhằm nâng cao thu nhập cho bà con...” - ông Triệu Tấn Phú nhấn mạnh.