Cậu học trò ‘nằm ngoài sổ’
‘Tuổi thơ của tôi cô đơn và đầy buồn tủi’, Lê Thái Bình (SN 1988, Kỳ Anh, Hà Tĩnh) nói về thời thơ ấu của mình.
Khi mới chào đời anh đã có những biểu hiện không bình thường. Lên 3 tuổi, Bình chưa biết đi, không biết nói, cha mẹ đưa cậu bé này đến một bệnh viện ở Hà Nội để thăm khám.
Bác sĩ kết luận anh bị bại não bẩm sinh do di truyền chất độc da cam từ ông nội. Ở bệnh viện Hà Nội đến năm 8 tuổi, anh trở về nhà và vẫn không thể đi. Cậu bé ấy chỉ bò lê la ở mảnh sân con trước nhà.
Anh Lê Thái Bình (người đẩy xe) trong một hoạt động tình nguyện
Thương con, cha anh chế một chiếc xe 3 bánh để con trai tập đi. Kiên trì đến năm 10 tuổi, Lê Thái Bình mới có những bước đi chập chững đầu đời.
‘Khi tôi có thể bước đi ra đường, nhìn thấy dáng đi lèo khoèo và giọng nói méo mó của tôi, bọn trẻ trong làng chạy theo trêu chọc: ‘Thằng què, thằng què’, thậm chí gọi tôi là người ngoài hành tinh…’.
‘12 tuổi, nhận thức được chỉ có việc học mới thay đổi cuộc đời, tôi xin cha mẹ đến trường. Cha tôi lắc đầu: ‘Con tật nguyền, học thế nào?’ nhưng lúc ấy vì tôi quá khao khát nên ông đến xin thầy hiệu trưởng trường cho tôi được đến lớp’, anh kể tiếp.
Nhưng vì quá tuổi nên cậu bé Lê Thái Bình năm đó không được là học sinh chính thức của lớp, mà là ‘một học sinh nằm ngoài sổ’.
Đến trường ở cái tuổi không còn nhỏ, bị trêu chọc rất nhiều nhưng anh thừa nhận đó là khoảng thời gian đáng nhớ nhất trong đời.
‘Tôi học toán rất nhanh, những bài văn cũng được cô giáo đọc làm văn mẫu cho cả lớp. Tiếc rằng học hết lớp 5, tôi phải nghỉ vì sức khỏe yếu’, anh nói.
Nhưng nỗi buồn của cuộc đời anh không chỉ vậy, sự cố lớn nhất của anh có lẽ là khi người em trai chào đời.
‘Em bị khuyết tật nặng hơn tôi. 20 tuổi, em vẫn như đứa trẻ chưa tròn 1 năm, không biết no, đói là gì, thường xuyên lên cơn động kinh. Cha mẹ phải lo cho em từng thìa cháo.
Tôi sinh ra trong gia đình bố mẹ làm nông dân, nhà rất nghèo. Họ có 3 người con thì 2 người bị tàn tật từ nhỏ. Nhìn cha mẹ lăn lộn trên cánh đồng quê mà không đủ ăn, tôi muốn làm một điều gì đó…’, anh nói.
Hành trình ‘cho đi’
Nghỉ học ở trường, Bình đến với một trung tâm dạy nghề cho người khuyết tật để học tin học.
Năm 2008, hoàn thành khóa học, anh quyết định lập nghiệp bằng cách mở tiệm Internet tại quê nhà. Thời gian này, anh cũng bắt tay vào công tác làm từ thiện.
'Tôi muốn đến với những người đồng cảnh ngộ để chia sẻ tình yêu cuộc sống đến với họ’, anh nói.
Tôi muốn đến với những người đồng cảnh ngộ để chia sẻ tình yêu cuộc sống với họ’, anh nói.
Việc thiện đối với một người lành lặn đã khó, đối với người khuyết tật còn khó khăn hơn rất nhiều. ‘Tham gia từ thiện, tôi gặp nhiều cái nhìn hiếu kỳ, dị nghị. Có người bảo tôi: ‘Mày khuyết tật, làm tình nguyện được cho ai?’. Nhưng khát khao được cống hiến, tôi bỏ ngoài tai tất cả’, anh nói.
Với cơ thể không hoàn hảo, anh vượt hàng trăm cây số đi đến những xã nghèo, vùng núi để gặp những người khuyết tật nặng nằm liệt giường hay những em nhỏ vùng cao mặc những chiếc áo mỏng, chân trần vẫn chăm chỉ ôm sách vở vượt rừng, băng núi đến trường...
Gia đình nhỏ của anh Thái Bình
Anh kể: ‘Anh Dũng ở xã vùng núi tỉnh Hà Tĩnh, người bị liệt nằm bất động gần 40 năm nay, cầm tay tôi nói: ‘Nghị lực của em đã truyền sang cho anh, anh sẽ gắng thật nhiều’.
Có những người mẹ có con khuyết tật, dù lần đầu gặp, họ đã ôm tôi vào lòng vì nhìn vào tôi họ có thêm niềm hy vọng về con mình. Những giọt nước mắt của họ rơi trên vai áo tôi. Đó là những món quà quý mà tôi được nhận lại khi đã ‘cho đi’.
Chào con gái!
Khi còn là học viên trung tâm dạy nghề của người khuyết tật, anh đã gặp chị Nguyễn Thị Vân, một người con gái nhỏ nhắn. Chị mang khối u sau lưng, lâu dần ảnh hưởng đến tứ chi, đốt sống cũng như sự phát triển về chiều cao, cân nặng. Ở tuổi trưởng thành, chị chỉ cao chưa đầy 1m2, nặng 28kg.
Nhưng sự hồn hậu, vẻ dễ mến đã khiến chị chiếm một phần quan trọng trong những suy nghĩ của anh. Một lần, anh can đảm hẹn chị đến một không gian yên tĩnh và ngỏ lời: ‘Anh sẽ che chở cho em suốt cả cuộc đời. Em đồng ý làm người yêu của anh nhé?’.
Nhưng khi họ có ý định muốn thành đôi, cả hai bên gia đình đều lên tiếng ngăn cản: ‘Các con là người khuyết tật, lấy nhau về biết làm gì mà ăn?’. Cuối cùng, vì thấy cả hai quá quyết tâm nên gia đình đều chấp thuận.
Hiện, chị mở cửa hàng tạp hóa nhỏ tại nhà. Anh có tiệm máy tính dạy tin học cho trẻ em trong xã và làm dịch vụ cài đặt, sửa chữa máy tính, in tài liệu…
‘Khi vợ có thai, đi khám và được các bác sĩ nói thai phát triển bình thường, khoảnh khắc đó làm tôi bật khóc.
Năm 2012, nghe tiếng con gái khóc chào đời, trong lòng tôi như vỡ òa vì hạnh phúc. Hai vợ chồng ngắm con gái nhỏ, mắt rơm rớm: “Chào con gái! Chào con đã đến với thế giới này”.
Anh Thái Bình trong một lần nhận bằng khen vì hoạt động thiện nguyện
Hiện, con gái của họ đã là học sinh của một trường tiểu học. ‘Nhìn con gái lớn lên từng ngày, tôi như quên hết những chuyện không vui thời thơ ấu của mình.
Không dám mơ ước nhiều, chúng tôi chỉ hy vọng con lớn lên khỏe mạnh, bình thường như bao đứa trẻ khác.
Con - là động lực lớn nhất để tôi có thể vươn lên, tiếp tục cống hiến cho cuộc đời’, anh nói.
Tháng 5.2010, anh Lê Thái Bình được Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Hà Tĩnh tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong việc bảo trợ người khuyết tật. Tháng 11.2013, anh được Ban chấp hành Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh huyện Kỳ Anh tặng giấy khen vì có nhiều thành tích trong phong trào tình nguyện. Tháng 7.2014, Lê Thái Bình được chọn là 1 trong 10 gương mặt tiêu biểu tại Đại hội liên hiệp thanh niên huyện Kỳ Anh nhiệm kỳ 2014 - 2017. Tháng 8.2014, Lê Thái Bình nhận giấy khen của Ban chấp hành đảng bộ huyện Kỳ Anh vì đã có nhiều thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Tháng 10.2014, anh nhận bằng chứng nhận thanh niên tiêu biểu trong phong trào Thi đua chào mừng kỷ niệm 100 ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng do tỉnh đoàn Hà Tĩnh trao tặng. Tháng 9.2018, Lê Thái Bình được ghi nhận có nhiều thành tích trong hoạt động nhân đạo do Hội chữ thập đỏ tỉnh Hà Tĩnh trao tặng. |