Dân Việt

Chuyện lạ Cà Mau: Rải cám gạo xuống ao, tôm sú lớn vù vù, toàn con bự

Thành Vũ 09/05/2019 19:10 GMT+7
Ông Hoàng Mạnh, ấp Ông Chừng, xã Đất Mới, huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) đã nghĩ ra cách rải cám gạo xuống vuông nuôi tôm. Cách làm độc đáo và lạ chưa ai từng làm này đang mang lại kết quả bất ngờ: Tôm sú mau lớn, khỏe mạnh, khi thu hoạch bắt toàn con to bự. Rải cám gạo xuống vuông tôm đang là chuyện lạ Cà Mau.

Có rất nhiều nông dân tự tìm tòi, học hỏi, nghiên cứu và ứng dụng những phương pháp mới vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế khá cao. Điển hình là ông Hoàng Mạnh, ấp Ông Chừng, xã Đất Mới, huyện Năm Căn (tỉnh Cà Mau) thành công với mô hình nuôi tôm nước tĩnh.

img

Từ khi thực hiện việc rải cám gạo xuống ao nuôi tôm, mỗi năm, trừ các khoản chi phí, gia đình ông Hoàng Mạnh thu về từ con tôm khoảng 400 triệu đồng, cao gấp 4 lần so với trước kia.

Với 10 ha đất nuôi thuỷ sản, trước đây gia đình ông Mạnh thực hiện mô hình nuôi tôm quảng canh truyền thống. Nhưng do điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt, môi trường ngày càng bị ô nhiễm nên việc nuôi tôm truyền thống ngày càng khó khăn. Năm 2014 ông Mạnh bắt đầu chuyển sang hình thức nuôi tôm nước tĩnh.

Tuy nhiên, để thực hiện thành công mô hình này, yếu tố đột phá nằm trong sự sáng tạo của ông Mạnh, đó là việc rải cám (cám gạo) vào vuông tôm.

Nguyên nhân dẫn đến quyết định táo bạo được xem là độc và lạ này là do ông đến tham quan, nghiên cứu tại những vùng trồng một vụ lúa trên đất nuôi tôm đã mang lại hiệu quả. Tuy nhiên, do Năm Căn là huyện gần biển, độ mặn trong nước rất cao nên không thể trồng lúa trên đất nuôi tôm. Theo ông suy nghĩ, nếu thả rơm vào vuông tôm cũng có thể mang lại hiệu quả, nhưng nếu rải cám vào sẽ có hiệu quả hơn, vì cám có dinh dưỡng nhiều hơn rơm và ông bắt đầu triển khai thực hiện.

img

Ông Hoàng Mạnh thu hoạch tôm sú nuôi trong vuông. Những vuông tôm này đều đã được ông Mạnh rải cám gạo trước khi thả tôm sú giống.

Ông Mạnh chia sẻ: “Thực hiện mô hình này, hàng năm tôi thường cải tạo vuông tôm vào tháng 3-4 âm lịch. Sau khi cải tạo xong tôi xử lý nguồn nước bằng cám gạo. Tức là sau khi thuốc cá xong tôi sử dụng cám gạo mỗi héc-ta 30 kg cám. Nguồn nước từ màu xanh đen, sau khi bỏ cám gạo xuống 3 ngày trở thành màu trà nhạt, sau đó tôi thả con giống".

Để tránh tình trạng tôm con và cám trôi ra sông, trong 3 tháng đầu mỗi tháng ông chỉ xả nước một lần, mỗi lần xả khoảng 20% thể tích nước trong vuông tôm và sau đó lấy nước vô lại. Cứ như vậy cho tới khi con tôm được 4 tháng tuổi ông mới bắt đầu thu hoạch dần. Lúc này, tôm có trọng lượng trung bình từ 25-30 con/kg. Đặc biệt, mỗi năm ông chỉ thả tôm 2 lần, mỗi lần 400 ngàn con sú.

Trước đây, khi thực hiện mô hình nuôi tôm quảng canh truyền thống mỗi năm gia đình ông Mạnh chỉ lời khoảng 100 triệu đồng. Từ khi thực hiện mô hình nuôi tôm nước tĩnh rải cám gạo, trung bình mỗi năm trừ các khoản chi phí gia đình ông thu lời 400 triệu đồng. Trong khi đó, ông chỉ nuôi xen canh một loại thuỷ sản duy nhất là con cua. Mỗi năm gia đình ông thu nhập từ cua khoảng 200 triệu đồng nữa.

Ông Mạnh chia sẻ thêm: “Cua thả khoảng 10% so với tôm trong vuông. Bởi vì khi thả cua nhiều trong khi vuông không còn cá, khi tôm lột xác thì cua sẽ ăn tôm”.

Phó chủ tịch UBND xã Đất Mới Hồng Ngọc Châu đánh giá: "Ông Hoàng Mạnh sản xuất rất hiệu quả, đặc biệt là cách rải cám vào vuông tôm. Thời gian gần đây ông thu hoạch lúc nào cũng cao hơn so với những nơi khác".

Hiệu quả của việc rải cám vào vuông tôm tuy chưa được ngành chuyên môn kiểm chứng, nhưng trên thực tế nó đã được chứng minh qua 5 năm ông Mạnh áp dụng và mang lại hiệu quả rất cao. Chính vì vậy, cách làm của ông Mạnh rất đáng được nhân rộng để người dân phát triển kinh tế bền vững./.