Dân Việt

Tòa xử Khmer Đỏ cạn tiền để trả lương nhân viên

01/02/2012 06:15 GMT+7
AFP dẫn lời người phát ngôn của tòa án do Liên hợp quốc hậu thuẫn xét xử Khmer Đỏ tại Campuchia cho biết cơ quan này đã cạn sạch tiền để trả lương cho hàng trăm nhân viên.

Không một ai trong số hơn 300 người Campuchia làm việc cho tòa, từ chánh án tới lái xe được trả lương tháng này và cũng sẽ không nhận được lương tháng Hai và Ba, người phát ngôn Neth Pheaktra cho hay.

“Chúng tôi không có tiền,” ông này nói với AFP đồng thời cho biết thêm rằng một số quan tòa và công tố viên đã không được trả lương từ tận tháng 10 năm ngoái.

img
"Anh Hai" Nuon Chea trong một phiên xét xử của tòa án do Liên hợp quốc hậu thuẫn (Nguồn: AFP)

Tuy nhiên, việc ngân quỹ của tòa cạn sạch lại không ảnh hưởng tới 130 nhân viên quốc tế làm việc cho tòa án tội ác chiến tranh, bởi khoản lương của những người này lại do Liên hợp quốc chi trả.

Còn lương của các nhân viên người Campuchia thì được trả từ nguồn đóng góp của các quốc gia như Nhật Bản, Pháp và Australia.

Người phát ngôn Neth Pheaktra nói rằng điều này sẽ ảnh hưởng tới tinh thần làm việc của các nhân viên bản địa, bởi gia đình của nhiều người sống nhờ vào khoản lương này.

Tòa án xét xử Khmer Đỏ tại Campuchia do Liên hợp quốc hậu thuẫn được thành lập năm 2006 nhằm đòi lại công bằng cho khoảng 2 triệu người đã chết trong thời kỳ chế độ Khmer Đỏ cai trị từ 1975 đến 1979.

Người phát ngôn Neth Pheaktra nói với AFP rằng các quan chức của tòa án sẽ bay tới New York vào tháng sau để thảo luận với các nước tài trợ về khoản ngân sách năm tài khóa 2012-2013. Ông cũng cho biết tòa cần khoảng 10 triệu USD từ nguồn tài trợ nước ngoài cho năm 2012, bằng với khoản tiền năm ngoái.

Chi phí để điều hành tòa án này từ năm 2006 tới nay đã tiêu tốn khoảng 150 triệu USD, nhưng mới chỉ hoàn tất một vụ xét xử, kết án 30 năm tù đối với một chỉ huy nhà tù khét tiếng dưới chế độ Khmer Đỏ. Phiên phúc thẩm dự kiến được mở vào thứ Sáu tới.

Vụ xét xử thứ hai đối với 3 nhân vật cao cấp nhất còn sống của chế độ này hiện vẫn đang được tiếp tục.

Theo Vietnam+