Dân Việt

Chân dung thiếu gia 9x đi Rolls Royce làm Giám đốc Cấp thoát nước Ninh Bình

Gia Linh 10/05/2019 08:36 GMT+7
Ông chủ công ty Hoàng Dân, Nguyễn Văn Dân, một doanh nhân đến từ Gia Viễn, Ninh Bình chính thức trở thành Chủ tịch HĐQT của CTCP Cấp thoát nước Ninh Bình (NNB) và thiếu gia 9x của ông Dân là Nguyễn Văn Ninh trở thành thành viên HĐQT kiêm Giám đốc. Gia đình ông Dân được biết đến với bộ sưu tập gồm 1 chiếc Rolls Royce và 3 chiếc Lexus các loại đứng tên Công ty Hoàng Dân.

Theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2019 của CTCP Cấp thoát nước Ninh Bình (Mã chứng khoán: NNB), công ty này đã thông qua quyết định miễn nhiệm Chủ tịch HĐQT kiêm Người đại diện theo pháp luật đối với ông Đinh Ngọc Vân và 2 thành viên Đặng Hùng Cường và Lương Thị Bích Thuỷ.

Đồng thời, bầu bổ sung 2 thành viên mới là ông Nguyễn Văn Dân và Nguyễn Văn Ninh với chức danh Chủ tịch HĐQT và Giám đốc công ty

Thiếu gia 9x đi Rolls Royce làm Giám đốc công ty

Theo đó, trong phiên họp thứ nhất, HĐQT NNB đã bầu ông Nguyễn Văn Dân làm Chủ tịch HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 với số phiếu đạt 100% ý kiến giới thiệu.

Ông Vũ Đăng Tú miễn nhiệm chức danh Giám đốc công ty và bổ nhiệm chức danh Phó giám đốc công ty với số phiếu đạt 100% ý kiến giới thiệu. Thay vào đó, ông Nguyễn Văn Ninh cũng được bổ nhiệm làm Giám đốc kiêm Người đại diện theo pháp luật với thời hạn 5 năm thay cho ông Vũ Đăng Tú.

Như vậy, HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020 của NNB còn lại 3 thành viên - mức tối thiểu theo quy định của Luật Doanh nghiệp, gồm Chủ tịch Nguyễn Văn Dân cùng 2 thành viên Nguyễn Văn Ninh và Vũ Đăng Tú. Ban Giám đốc cũng có 3 người, là các ông Nguyễn Văn Ninh, Vũ Đăng Tú và Nguyễn Xuân Hạnh.

img

Việc “thay máu” dàn lãnh đạo chủ chốt của Cấp thoát nước Ninh Bình diễn ra khi UBND tỉnh Ninh Bình thực hiện thoái hết 93% cổ phần ngày 20.2.2019 vừa qua và mang về 350 tỷ đồng từ động thái này.

Trong lần đấu giá này, ông Nguyễn Văn Dân đã vượt qua những tên tuổi nổi bật như Tổng công ty CP Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Tổng công ty Xây dựng và Thương mại Xuân Mai, CTCP Đầu tư Ngành nước DNP và cá nhân có liên hệ là ông Vũ Ngọc Tú (Chủ tịch VSD Holding) với giá đặt mua cao nhất là 350 tỷ đồng/lô cổ phần trong đợt thoái vốn này của UBND tỉnh Ninh Bình.

Nói về tân Chủ tịch HĐQT NNB, việc sở hữu cổ phần gần như tuyệt đối tại NNB sẽ giúp doanh nhân sinh năm 1970 tiến một bước dài với tham vọng chiếm lĩnh thị trường nước sạch ở Ninh Bình. NNB hiện sản xuất và cung cấp nước sạch cho hai thành phố Ninh Bình, Tam Điệp và các thị trấn, thị tứ, một số khu vực nông thôn với tổng số khách hàng là 75.000 hộ. Năm 2018, nước sản xuất đạt 17 triệu m3, nước thương phẩm 10,5 triệu m3.

Trước khi đầu tư vào NNB, ông Nguyễn Văn Dân đã là doanh nhân có tiếng ở Ninh Bình, khi sở hữu cơ ngơi kinh doanh riêng thông qua Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Hoàng Dân, doanh nghiệp được ông thành lập năm 2004, hoạt động chủ yếu trong 4 lĩnh vực: xây dựng dân dụng, thuỷ lợi, giao thông và hạ tầng kỹ thuật.

Đáng chú ý, tân Chủ tịch HĐQT NNB cũng được biết tới là người có bộ sưu tập nhiều siêu xe, theo nguồn tin của Nhadautu.vn gồm 1 chiếc Rolls Royce và 3 chiếc Lexus các loại đứng tên Công ty Hoàng Dân.

img

Công ty Hoàng Dân của doanh nhân Nguyễn Văn Dân sở hữu nhiều xe sang, trong đó có 1 chiếc Rolls Royce và 3 chiếc Lexus các loại. Ảnh: Minh họa

Tại cố đô, người được biết đến nhiều nhất với thú chơi xe chính là ông Nguyễn Đức Thụy, hay còn gọi là bầu Thụy, Chủ tịch Tập đoàn Xuân Thành với bộ sưu tập 3 chiếc Rolls Royce cùng nhiều chiếc xe siêu sang khác.

Trong khi đó, Thành viên HĐQT kiêm Giám đốc và là Người đại diện theo pháp luật của NNB ông Nguyễn Văn Ninh không ai khác chính là con trai của tân Chủ tịch Nguyễn Văn Dân.

Ông Nguyễn Văn Ninh sinh năm 1991. Trước khi nắm quyền điều hành tại NNB, ông Nguyễn Văn Ninh đã đảm trách chức vụ Chủ tịch HĐQT CTCP Tư vấn Xây dựng Ninh Bình từ cuối năm 2017.

Soi kết quả kinh doanh của NNB

Được biết, Công ty cổ phần Cấp thoát nước Ninh Bình tiền thân là Nhà máy nước Ninh Bình thành lập vào ngày 16.7.1971. Ngành nghề kinh doanh chính là khai thác, xử lý và cung cấp nước; hoạt động của hệ thống cống rãnh thoát nước thải; hoạt động của các phương tiện xử lý nước thải; lắp đặt hệ thống đường ống cấp, thoát nước trong nhà hoặc tại công trình xây dựng khác…

Năm 1994 được đổi tên thành Công ty Cấp nước Ninh Bình, đến tháng 9.2007 chuyển thành Công ty TNHH MTV kinh doanh nước sạch Ninh Bình, đến năm 2015 được phê duyệt phương án và chuyển thành Công ty cổ phần.

Ngày 20.8.2015 Công ty tiến hành bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng tại Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội, với số lượng cổ phần đưa ra đấu giá là 4.401.880 cổ phần, số lượng cổ phần bán đấu giá thành công là 162.000 cổ phần, giá đấu giá thành công là 10.000 đồng/cp. Đến ngày 23.10.2015 Đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất chính thức được tổ chức và thành lập Công ty CP Cấp thoát nước Ninh Bình với số vốn điều lệ là 150 tỷ đồng.

Báo cáo thường niên 2017 cho thấy, đây là doanh nghiệp được tổ chức theo mô hình Công ty cổ phần, trong đó vốn của Nhà nước do UBND tỉnh Ninh Bình làm đại diện chủ sở hữu 93,02% (14.027.760 cổ phần).

img

Doanh nghiệp này tập trung đầu tư các dự án trọng điểm để bổ sung nguồn nước, cải tạo công nghệ xử lý và nâng công suất các nhà máy; cải tọa và mở rộng hệ thống truyền tải, hệ thống phân phối nước đáp ứng nhu cầu nước sinh hoạt, sản xuất phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của mỗi đô thị. Tập trung phát triển nhanh mạng cấp nước các khu vực nông thôn.

Về kết quả kinh doanh của NNB, quý I.2019, công ty lỗ ròng 344 triệu đồng trong khi cùng kỳ năm trước lãi 355 tỷ.

Trong năm 2018, lợi nhuận của NNB chỉ vỏn vẹn 263 triệu đồng, thấp hơn nhiều so với con số 1,5 tỷ trong năm liền trước. Trước đó, NNB từng đạt đỉnh 10 tỷ về lợi nhuận vào năm 2014.

Với kết quả này, NNB đặt mục tiêu khiêm tốn 140 triệu đồng doanh thu và lãi ròng chỉ 92 triệu đồng, chỉ bằng 35% kết quả thực hiện của năm 2018.