Sự dịch chuyển, bồi xói của cồn cát biển Cửa Đại từ ngày 21/4-10/5
Mới đây, Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã khảo sát lần 5 tại khu vực cồn cát gần biển Cửa Đại, TP Hội An, Quảng Nam.
Qua quan trắc hình dạng phần nổi của cồn cát cho thấy, tốc độ bồi, xói tại các cột mốc diễn biến rất nhanh, mỗi tuần có thể lên tới 30-50m; độ cao và khoảng cách đến mép nước của mỗi cọc biến đổi lớn, liên tục. Các chuyên gia chưa thể nhận định được quy luật phát triển của cồn cát này cũng như mối tương quan với diễn biến bờ biển Cửa Đại.
Để có đầy đủ cơ sở khoa học đưa ra những nhận định về diễn biến của khu vực này, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho rằng, cần thiết phải đo đạc bổ sung các yếu tố thủy động lực: mực nước; sóng và bùn cát… nhằm phục vụ công tác mô phỏng bằng mô hình toán, kết hợp với phân tích ảnh vệ tinh khu vực trong những năm gần đây. Đồng thời, cần sự vào cuộc của các chuyên gia trong và ngoài nước.
Bảng thông số phần nổi của cồn cát qua 5 lần khảo sát
Trước đó, kể từ năm 2017 đến nay, khu vực ngoài khơi biển Cửa Đại xuất hiện một đảo cát kéo dài tới 3 cây số với bề rộng gần 200m mang hình dáng của một con khủng long. Những ngư dân đặt chân đầu tiên lên đảo đã đặt cho nó cái tên là “đảo khủng long”.
Ngoài ra, ở phía Nam Cửa Đại cũng đang hình thành một bãi cát khác có nguy cơ gây cản trở tàu thuyền của ngư dân ra vào cảng.
Ngày 23/3, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có văn bản chỉ đạo Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nghiên cứu, kiểm tra vì sao xuất hiện đảo cát ở biển Hội An và có giải pháp phù hợp.
Ngày 5/4, Tổng cục phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) đã có chuyến thực tế cồn cát nổi bất thường giữa biển Cửa Đại, Hội An (Quảng Nam).
Tỉnh Quảng Nam sau đó đã cắm biển báo cấm người và phương tiện lên đảo cát lạ, đồng thời phối hợp cơ quan chuyên môn tổ chức hội thảo đánh giá hiện tượng này và tìm giải pháp xử lý.
Đây là một phát hiện thú vị vừa được một nhóm quay phim tại Hội An khám phá.