"Chuyện xảy ra đã ngót nghét 10 năm nhưng tôi không quên bất kỳ tình tiết nào trong hành trình tìm con năm đó", trong căn nhà cũ ở Mê Linh, Hà Nội, người đàn ông ngoài 60 tuổi, gương mặt khắc khổ, chậm rãi kể.
Năm 2007, như nhiều đứa trẻ mới lớn, Lương - cô con gái thứ ba của ông Thắng đòi bố mua cho chiếc điện thoại di động để tiện cho việc học. Từ những tin nhắn vu vơ của người lạ, cô bé 16 tuổi bị một kẻ lừa đảo rủ đi chơi rồi chuốc mê bán sang Quảng Tây (Trung Quốc).
Ông Thắng hiện có cuộc sống bình lặng bên vợ và các con cháu. Ông vẫn túc tắc đi làm kiếm vài triệu một tháng. Ảnh: Hiền Trịnh.
Con gái mất tích, cả nhà bấn loạn. Họ lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm của 11 tỉnh thành miền Bắc như Phú Thọ, Hưng Yên, Quảng Ninh, Lạng Sơn.... Ông Thắng rong ruổi khắp các nẻo đường, tới các quán net, bến xe, các quán gội đầu, karaoke để tìm con. Ông cũng báo công an nhưng sau nhiều ngày vẫn bặt vô âm tín.
Trong lúc tuyệt vọng, ông Thắng đoán có thể con gái đã bị lừa bán sang Trung Quốc. Nghe người ta mách, ông đến gặp một người cha ở Phú Thọ từng tìm thấy con mất tích để học hỏi kinh nghiệm. Từ đây hành trình của ông bắt đầu.
Tháng 11/2007 ông Thắng lên chuyến tàu sang bến xe Pò Chài (Bằng Tường, tỉnh Quảng Tây). Một mình nơi đất khách, tiếng Trung một chữ bẻ đôi cũng không biết, nhìn đoàn người dài dằng dặc nối đuôi nhau ở bến xe, ông ứa nước mắt: "Biết tìm con ở đâu giữa biển người bất tận này".
May mắn ông gặp được một người Trung Quốc tên Hữu, giỏi tiếng Việt, tình nguyện giúp. Ông Hữu đưa ông Thắng đến đồn công an trình báo rồi vẽ đường đi các thị xã, thị trấn thường có người Việt sinh sống để dựa vào đó mà tìm. "Tôi không biết tiếng Trung, ông ấy còn viết ra giấy những câu giao tiếp thông thường để tôi không bị lạc", ông Thắng bùi ngùi nhớ lại.
Với hành trang đó, ông Thắng tiếp tục đi tới một số thị trấn của tỉnh Quảng Tây. Lần này, ông được một cô gái bản địa đưa tới thành phố Nam Ninh và dẫn đến Lãnh sứ quán Việt Nam gửi đơn trình báo. Sau vài ngày tìm kiếm không có kết quả, ông quay về nước khi tiền đã cạn.
Đơn ông Thắng nhờ cô giáo tiếng Trung viết hộ để gửi các cơ quan Trung Quốc nhờ tìm con. Ảnh: Hiền Trịnh.
Từ 2 lần tìm kiếm đầu tiên, ông nhận ra không thể dựa mãi vào sự giúp đỡ của người khác, bởi hành trình có thể kéo dài hàng năm, thậm chí là vài năm.
Tháng 3.2008, ông Thắng quyết định đi học tiếng Trung tại Hà Nội. Đều đặn, cứ tối thứ 2-4-6 hàng tuần, ông lọc cọc đạp xe đến trung tâm cách nhà 7, 8 cây số.
"Chú Thắng luôn đến sớm nhất lớp và ra về muộn nhất. Thường chú hay nán lại để hỏi tôi cách đọc, cách viết một số địa danh của Trung Quốc. Ban đầu tôi cũng ngạc nhiên. Nhưng khi biết được hoàn cảnh của chú thì vô cùng xúc động", Trần Thanh Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội), giáo viên dạy tiếng Trung của ông Thắng thời đó, chia sẻ.
"Có thời điểm đang học thì thấy chú nghỉ nhiều buổi. Đến khi về, chú mới kể lại sang bên Trung Quốc tìm con nhưng chưa được", cô giáo Hoa nhớ lại.
Với vốn ngoại ngữ ít ỏi sau 4 tháng, cộng với số tiền bán một mảnh đất, ông Thắng tiếp tục sang Quảng Tây. Lần này, ông cho in hàng nghìn tờ rơi với phần thưởng 50 triệu đồng, nhưng vẫn không có kết quả.
Những lần tìm con tiếp theo, thay vì đi khắp nơi, ông nhập vai khách làng chơi rồi tới các động mại dâm - nơi ông đoán rất có thể con gái mình đang ở đó - để dò hỏi. Từ Quảng Tây ông đi đến Vân Nam, rồi Quảng Đông.
"Tổng quãng đường tôi đã đi khoảng 30.000 km, có ngày đi ngót nghét hàng nghìn cây, đi xa thì bắt tàu hoặc xe khách, gần thì đi bộ hoặc taxi", ông kể.
Tuy nhiên chưa khi nào ông thấy mệt mỏi bởi cứ nằm xuống là hình ảnh con gái lại hiện ra khiến tim đau nhói. "Nó còn bé, bị bán vào động mại dâm thì khác gì là địa ngục", ông Thắng hồi tưởng.
Có lần đi qua một ngôi làng ở tỉnh Vân Nam, ông bị một toán thanh niên cầm dao xông tới, do tưởng là trộm cướp. Sau khi nghe ông giải thích, họ đã thả cho ông đi và chúc ông sớm tìm lại được con gái.
Mỗi lần bắt taxi, ông chỉ chọn xe do nữ lái, vì "vốn tiếng Trung tôi có hạn, nói nhiều sẽ lộ. Lỡ gặp phải taxi nam giới có ý đồ xấu thì có khi mất cả tiền cả mạng, chứ nói gì đến chuyện tìm thấy con".
Tấm bản đồ tỉnh Quảng Tây khi đi tìm con được ông Thắng giữ lại cẩn thận. Ảnh: Hiền Trịnh.
Cứ đi tìm rồi lại quay về, sau hơn một năm với 15 lần tới Trung Quốc, vào cuối năm 2008 một tin vui đến khi cô bé mất tích bất ngờ gửi tin nhắn trên Yahoo cho chị gái. Nội dung ngắn gọn rằng cô bé đang ở Sùng Tả, Quảng Tây. Sau này ông Thắng mới biết một lần do nhóm bảo kê sơ xuất nên cháu đã trốn được ra ngoài rồi gửi tin nhắn.
Biết tin, ông Thắng quên ăn quên ngủ tức tốc đi tìm địa điểm có tên là Sùng Tả. Phát hiện ở đó có một ổ mại dâm, ông đã gọi điện cho ông Hữu nhờ giúp đỡ.
Trong vai khách làng chơi, hai người cùng vào hỏi bà chủ "Có gái Việt Nam không?". Sau cái gật đầu, một cô gái trẻ tiến ra. "Ối con!", ông Thắng kêu lên một tiếng rồi cắn chặt miệng ngăn dòng nước mắt chảy ra. Cô con gái cũng nấc nghẹn nhưng rồi câm bặt. "Nếu lúc đó 2 cha con mà không nén cảm xúc thì có khi tôi cũng đã bỏ mạng bên đó", ông nhớ lại.
Tim đập thình thịch, tay chân run lẩy bẩy, ông kịp trấn tĩnh lại, lấy lý do chê cô gái xấu rồi bỏ đi. Ra ngoài, họ nhanh chóng gọi điện cho cơ quan chức năng Trung Quốc, bồn chồn chờ đợi, chỉ sợ chủ chứa phát hiện rồi đưa cô bé đi xa.
Một lúc sau công an tới, triệt phá địa điểm mại dâm này. Bố con ông Thắng cùng 10 cô gái Việt khác được đưa về đồn.
Trước Tết Nguyên đán 2009, phía công an Trung Quốc đã trao trả con gái ông Thắng cho Đội Biên phòng Móng Cái của Việt Nam, kết thúc hành trình hơn một năm bị bán sang xứ người.
Trở về Việt Nam, con gái ông Thắng tiếp tục việc học dang dở. 10 năm trôi qua, gác lại quá khứ buồn, cô đã có gia đình riêng với 2 nhóc tì và một người chồng đầy cảm thông cho quá khứ của vợ. "Nhiều người hỏi tôi là sao có thể kiên trì như vậy, nhưng tôi nghĩ ông bố nào rơi vào hoàn cảnh mình cũng đều làm thế. Đơn giản vì tôi là một người cha", ông nói.
Một cán bộ tại Cục C14 Bộ Công an - người từng tham gia chuyên án cho hay, vụ việc của ông Thắng khá hy hữu vì ông đã tự tìm thấy con bên xứ bạn rồi báo về. Vụ việc xảy ra đã lâu nhưng mỗi khi nhắc tới ông Thắng, vị cán bộ này chưa bao giờ quên.
*Tiêu đề bài viết do Dân Việt đặt lại