Dân Việt

Ngân hàng Quốc Dân – Thời cơ và thách thức tăng vốn

P.V 13/05/2019 16:16 GMT+7
Ngày 12.2.2019, Ngân hàng TMCP Quốc Dân (NCB – mã CK: NVB) được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) phê duyệt cho phép được đăng ký chào bán cổ phiếu ra công chúng cho các cổ đông hiện hữu và cán bộ nhân viên nhằm tăng vốn điều lệ từ 3.010 tỷ đồng lên trên 5.000 tỷ đồng.

Tiếp đó, ngày 26.4.2019, tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2019, các cổ đông cũng chính thức thông qua kế hoạch tăng vốn điều lệ NCB lên trên 7.000 tỷ đồng trong năm 2019 và tiếp tục tăng lên trên 10.000 tỷ đồng cho giai đoạn tiếp theo đến 2020 thông qua các hình thức như: phát hành cổ phiếu mới cho nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, phát hành cho cán bộ nhân viên và phát hành trái phiếu chuyển đổi.

img

ĐHCĐ thường niên của NCB

Trong bối cảnh chỉ còn gần một năm nữa là tới ‘hạn chót’ Thông tư 41 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khi yêu cầu tỷ lệ an toàn vốn theo các chuẩn mực về Basel II, các nhà băng hiện đang rất nỗ lực để tăng được vốn. Ngoài áp lực chạy đua trong triển khai và tuân thủ Thông tư 41, việc tăng vốn còn tạo thêm dư địa trong phát triển tín dụng; đồng thời thực hiện các kế hoạch đầu tư vào hạ tầng cơ sở, hệ thống công nghệ và mở rộng mạng lưới hoạt động của các ngân hàng.

Vì vậy, thời gian vừa qua, một loạt các ngân hàng đều đã thông cáo về kế hoạch tăng vốn như: Vietcombank trình ĐHCĐ tại phiên họp ngày 26/04/2019 phương án tiếp tục tăng vốn với giá trị tăng thêm hơn 14.800 tỷ đồng theo hình thức phát hành riêng lẻ hoặc phát hành tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu (chia cổ phiếu thưởng) hay chi trả cổ tức bằng cổ phiếu; BIDV cũng đang chào bán 603 triệu cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài KEB Hana Bank và dự kiến thương vụ sẽ hoàn tất trong năm 2019. Ngoài các “ông lớn”, các ngân hàng nhỏ như: Ngân hàng Nam Á tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng, SeABank lên hơn 9.000 tỷ đồng,… trong năm nay.

img

NCB tập trung cho kế hoạch tăng vốn 2019.

Với NCB, kế hoạch tăng vốn cũng nằm trong lộ trình chung như các ngân hàng thương mại cổ phần theo yêu cầu quản lý của NHNN với mục tiêu áp dụng các chuẩn mực quốc tế nhằm lành mạnh hóa hoạt động của thị trường – tài chính. Tuy nhiên, kế hoạch tăng vốn  NCB đang đặt ra là khá thách thức.

Có thể thấy ngân hàng này đang kỳ vọng đạt được sự bứt phá khi hướng đến các đối tác nước ngoài nhằm tăng năng lực cổ đông và tiến lên nhóm ngân hàng có quy mô vốn tầm trung. Bước đi này có lẽ cũng đang nằm trong chiến lược kinh doanh của NCB khi tập trung mọi nguồn lực để nâng cấp cơ sở hạ tầng; hiện đại hóa công nghệ thông tin; phát triển ngân hàng số (Digital Banking); mở rộng mạng lưới cũng như tăng cường quản trị rủi ro – quản trị điều hành của nhà băng này trong thời gian gần đây.

Năm 2019, các dự báo khả quan về tình hình kinh tế, thị trường ngân hàng cùng một loạt các chính sách đang phát huy hiệu quả của Chính phủ và NHNN trong xử lý nợ xấu, quản lý vĩ mô và tạo điều kiện cho các ngân hàng tiếp tục tái cấu trúc đã giúp các ngân hàng như NCB trở thành “điểm đến” hấp dẫn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Đây vừa là thời cơ, vừa là thách thức để nhà băng này có thể chuyển mình, bứt phá với các chiến lược kinh doanh và quản trị phù hợp trong thời gian tới.