Dân Việt

Vụ khủng bố 11/9: Chuyện xúc động và bi thảm trên chiếc máy bay không đâm trúng mục tiêu

Thu Hương - Daily Mail 13/05/2019 18:55 GMT+7
4 chiếc máy bay dân dụng của hàng không Mỹ bị nhóm khủng bố Hồi giáo al-Qaeda cướp trong sự kiện đẫm máu ngày 11/9/2001. Trong số đó, nhóm khủng bố đã không thực hiện được mục tiêu với chiếc cuối cùng nhờ kế hoạch đầy dũng cảm của các hành khách.

img

Khói bốc lên từ cú va chạm của chiếc máy bay số hiệu 93.

Chuyến bay số hiệu 93 của United Airlines có 37 hành khách trong chuyến đi định mệnh ngày 11/9/2001. Trong số các hành khách tại khoang hạng nhất, có 3 người đàn ông Ả Rập Saudi và 1 người Lebanon. Ít nhất một người trong số đó mang theo mảnh giấy với nội dung hiệu triệu tử vì đạo: “Hãu cầu nguyện cho ngươi và các anh em chiến thắng và đâm vào mục tiêu mà không sợ hãi”.

Kẻ cầm đầu nhóm khủng bố Mohamed Atta – người được chọn lựa bởi Osama bin Laden, đã đảm bảo hắn và 18 đồng bọn khác có mặt trên 4 chuyến bay của Mỹ cất cánh cách nhau vài phút. Bằng cách này, khi chúng cướp máy bay trên không, cơ quan trên mặt đất sẽ không có thời gian cảnh báo các phi công.

 Chuyến bay số hiệu 93 cất cánh muộn 42 phút. Vào thời điểm đó, chiếc máy bay đầu tiên sắp sửa đâm vào Tháp Bắc của Trung tâm Thương mại Thế giới. Chiếc thứ 2 sẽ đâm vào Tháp Nam 17 phút sau đó. Tiếp theo, chiếc thứ 3 sẽ đâm vào Lầu năm góc.

Tới 9h15’ (giờ địa phương) ngày 11/9/2001, mọi chuyện trên chuyến bay 93 vẫn diễn ra bình thường. Không ai biết 2 chiếc máy bay đã đâm vào Tháp Đôi và chiếc thứ 3 đã biến mất khỏi radar theo dõi.

Tuy nhiên, một nhân viên United Airlines là Ed Ballinger đã quan ngại về khả năng chuyến bay 93 bị cướp. Ông đã gửi tin nhắn cho các phi công, cảnh báo họ về khả năng hành khách xâm nhập vào buồng lái. Cơ trưởng Jason Dahl nhận được tin nhắn và hồi âm cho Ballinger.

Đến 9h28’, những kẻ khủng bố xông vào buồng lái. Chiếc máy bay hạ độ cao hơn 200m. Các phi công không ngừng gào lên: “Ra khỏi đây ngay!”. Microphone radio trong buồng lái đã được bật lên, giúp cơ quan kiểm soát dưới mặt đất theo dõi được trận xô xát trong buồng lái. Nhân viên kiểm soát không lưu John Werth lo ngại rằng bọn khủng bố có thể nhắm tới một cơ sở điện hạt nhân, cách vị trí chiếc máy bay khoảng 65km.

img

Các hành khách lập kế hoạch giành lại quyền kiểm soát chiếc máy bay từ tay khủng bố (Cảnh trong phim United 93).

Sau đó, ông Werth nghe thấy một giọng đàn ông có ngữ điệu Trung Đông. “Cơ trưởng đây. Hãy ngồi xuống im tại chỗ. Chúng tôi có một quả bom trên máy bay”, người này nói.

Giọng nói này nhiều khả năng thuộc về Ziad Jarrah – kẻ khủng bố duy nhất từng được huấn luyện phi công. Trong khoảng thời gian 31 phút tiếp theo, những kẻ khủng bố liên tục ra mệnh lệnh yêu cầu các hành khách nằm hoặc ngồi xuống, cấm di chuyển. Jarrah sau đó đã điều khiển chiếc máy bay hướng về mục tiêu Washington DC.

Các hành khách bắt đầu sử dụng điện thoại gắn vào sau ghế ngồi để liên lạc với người thân. Jeremy Glick – một cựu vô địch judo quốc gia, gọi cho vợ là Lyz. Glick nói với vợ rằng một số hành khách đã quyết định tấn công những kẻ khủng bố. Tới đây, người vợ dũng cảm đã đưa ra lời nhắn nhủ tới chồng: “Em nghĩ anh cần làm việc này. Anh hãy mạnh mẽ và dũng cảm lên”.

img

Danh sách các tên khủng bố cướp 4 chiếc máy bay dân dụng Mỹ.

Tới 9h53’, một hành khách là Todd Beamer hỏi những người khác: “Mọi người đã sẵn sàng chưa?”. Sau đó, nhóm hành khách dũng cảm bắt đầu tiến về phía buồng lái.

Từ khoang hạng nhất, một kẻ khủng bố cố đập cửa buồng lái nhằm tìm cách trốn khỏi nhóm người. Sau đó vang lên âm thanh của một trận ẩu đả và tiếng kêu của một người đàn ông.

Nhằm khiến nhóm hành khách mất thăng bằng, Jarrah điều khiển chiếc máy bay “đánh võng” sang 2 bên. Cuộc ẩu đả bên ngoài buồng lái vẫn tiếp tục. Một kẻ khủng bố kêu lên “Lùi lại”, có thể đe dọa nhóm hành khách với một con dao.

Jarrah kêu lên: “Họ muốn vào đây. Giữ lấy cửa. Chặn cửa từ bên trong”. Bên ngoài, một hành khách kêu lên: “Hãy bắt bọn chúng!”. Tiếng kim loại va đập vang lên rồi một kẻ khủng bố đau đớn kêu lên.

img

Chiếc máy bay số hiệu 175 đâm vào Tháp Nam của Trung tâm Thương mại Thế giới.

Một hành khách kêu lên: “Tiến vào buồng lái. Nếu không, chúng ta sẽ chết”. Sau đó, có vẻ một hành khách đã dùng chiếc xe đẩy để phá cửa buồng lái, gây ra tiếng động lớn.

Tới lúc này, bọn khủng bố nhận ra chúng không còn đủ thời gian để hoàn thành nhiệm vụ. Jarrah liền quyết định làm theo phương án B đã được Mohamed Atta chỉ định: đâm chiếc máy bay xuống mặt đất.

Chiếc máy bay chúc mũi xuống những ngọn đồi tại Pennsylvania. Trong những giây phút sinh tử này, nhóm hành khách và phi hành đoàn đã thực hiện một nỗ lực cuối cùng nhằm khống chế bọn khủng bố.

Thiết bị ghi âm buồng lái cho thấy có khả năng một hành khách đã túm lấy cần điều khiển phi công để ngăn chiếc máy bay lao xuống. Một tên khủng bố kêu lên bằng tiếng Ả Rập “Đưa nó cho ta!”. Câu này được lặp lại 7 lần.

Ai đó đã kéo mạnh cần điều khiển sang bên phải. Chiếc máy bay sau đó bị lật ngược, ngửa bụng lên trời. Những tiếng hét vang lên.

Tới 10h03’, chuyến bay 93 đâm xuống một cánh đồng tại Pennsylvania. Vụ va chạm tạo ra một hố sâu gần 5m và rộng gần 10m. Tất cả 33 hành khách, 7 thành viên phi hành đoàn và 4 tên khủng bố đều thiệt mạng, nhưng không có ai trên mặt đất bị thương.

Những vị khách anh hùng trên chuyến bay có thể không cứu sống được chính mình, nhưng với lòng quả cảm vô song, họ đã ngăn những tên khủng bố tiến về Đồi Capitol tại thủ đô Washington DC và do đó, cứu sống được tính mạng rất nhiều người vô tội khác.

Người đàn ông bí ẩn rơi khỏi tháp đôi vụ khủng bố 11.9

15 năm sau thảm kịch khủng bố kinh hoàng 11.9, chưa bao giờ có một sự kiện nào để lại nhiều nỗi đau và dằn vặt trong...