Thiếu động lực sản xuất
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, an toàn thực phẩm (ATTP) có vai trò đặc biệt quan trọng đối với đời sống xã hội; chất lượng ATTP ảnh hưởng trực tiếp đến tiêu thụ hàng hóa nông sản và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, hiện nay nười tiêu dùng đang lo lắng trước tình trạng tồn dư độc chất trong rau, quả, thịt, cá, các loại hàng chế biến trong đời sống hàng ngày. Vẫn còn tình trạng hàm lượng chất kích thích sinh trưởng, chất kháng sinh, chất tạo nạc, các độc tố nấm mốc trong thức ăn chăn nuôi cao hơn nhiều so với ngưỡng cho phép. Việc sử dụng các chất phụ gia không được cho phép trong chế biến và bảo quản thực phẩm đang phổ biến...
Về những vấn đề tồn tại trên, các đại biểu tham gia tọa đàm đã thẳng thắn nêu ra những hạn chế trong công tác đảm bảo ATTP của TP. Hà Nội nói chung và huyện Chương Mỹ nói riêng.
Trang trại Hải Đăng Green Farm chăn nuôi gà ri thuần chủng theo quy trình VietGAP hướng hữu cơ có truy xuất nguồn gốc QR code tại thôn Xuân Linh, xã Thủy Xuân Tiên. ảnh: Nguyễn Quỳnh
Bà Nguyễn Thị Hường- Chủ tịch Hội ND xã Thụy Hương cho rằng, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng mất ATTP hiện nay là do nhận thức của người dân và công tác giám sát, chỉ đạo, xử phạt hiện nay còn chưa đủ mạnh. Ngoài ra, cơ chế hỗ trợ sản xuất và chế biến thực phẩm an toàn còn nhiều bất cập khi cơ sở hạ tầng đầu tư cho vùng sản xuất nông sản còn hạn chế, thiếu đồng bộ, nông dân còn thiếu vốn để đầu tư mở rộng quy mô sản xuất. Mặt khác chi phí đầu tư đối với sản xuất nông sản an toàn cao, giá cả đầu ra không khác mấy so với các sản phẩm thường dẫn đến lợi nhuận không tương xứng với công sức bỏ ra, không tạo được động lực thúc đẩy sản xuất nông sản an toàn phát triển.
Nhiều ý kiến cho rằng, sự tham gia của các tác nhân mới trong chuỗi giá trị, nhất là các HTX chuyên canh còn hạn chế, chưa chủ động liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm cho nông dân, dẫn đến nông dân thấy xa lạ với khái niệm “chuỗi liên kết”. Vì vậy, việc áp dụng quy trình sản xuất theo chuỗi gặp nhiều khó khăn.
Chia sẻ kinh nghiệm
Tại tọa đàm, các đại biểu là cán bộ và hội viên đến từ các cơ sở Hội của huyện Chương Mỹ đã chia sẻ các kinh nghiệm trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp hữu cơ và an toàn thực phẩm.
Ông Dương Quang Vinh-Chủ tịch Hội ND xã Lam Điền cho biết, xã Lam Điền hiện nay đã dồn điền đổi thửa thành công và quy hoạch được các vùng chuyên canh chăn nuôi tập trung sản xuất có hiệu quả với tổng diện tích quy hoạch 204ha, hiện đã thực hiện được 146ha. Trong đó, khu vực trồng nhãn muộn và chăn gà thả vườn là 54ha; khu vực trồng rau VietGAP tại địa bàn thôn Đại Từ với quy hoạch là 20ha, hiện đã thực hiện được 10ha; khu vực chăn nuôi xa khu dân cư là 14ha. Toàn xã có 92 trang trại, trong đó 84 mô hình nuôi gà đẻ trứng thương phẩm, gà thịt và gà hậu bị, 38 mô hình chăn nuôi lợn với quy mô từ 600 – 1200 con/trại.
Để đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP, điều đầu tiên phải xuất phát từ khâu sản xuất. Hơn bao giờ hết phải làm tốt công tác tuyên truyền để mỗi người dân tự ý thức, tránh lạm dụng thuốc BVTV có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Bên cạnh đó, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái...”. Ông Dương Quang Vinh |
Các mô hình này đều được liên kết với các doanh nghiệp, thực hiện đúng quy trình trong chăn nuôi, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt là mô hình chăn gà thả vườn, các hộ đều có sổ sách nhật ký ghi chép rõ ràng kỹ thuật trong chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh ATTP.
Đối với sản xuất các loại rau tại địa phương đều được Trung tâm Khuyến nông TP.Hà Nội, Trạm Khuyến nông huyện Chương Mỹ, Hội ND các cấp thường xuyên mở các lớp để hướng dẫn bà con về quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP.
“Để đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP, điều đầu tiên phải xuất phát từ khâu sản xuất. Hơn bao giờ hết phải làm tốt công tác tuyên truyền để mỗi người dân tự ý thức, tránh lạm dụng thuốc BVTV có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Bên cạnh đó, mỗi người dân hãy là người tiêu dùng thông thái...”- ông Dương Quang Vinh nêu ý kiến.
Ông Nguyễn Quang Hướng - hộ trồng rau an toàn tại thị trấn Xuân Mai chia sẻ, với niềm đam mê rau an toàn, ông đã thành lập tổ hợp tác để cùng liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tổ hợp tác đã tiến hành thuê ruộng của các hộ có cùng diện tích trên một xứ đồng để sản xuất trên một khu riêng biệt. Đồng thời, tổ hợp tác triển khai khoan giếng, xây dựng bể xử lý phân hoai mục, xây dựng bể chứa nước và tiến hành xét nghiệm nguồn nước và chất đất để đăng ký với Chi cục BVTV Hà Nội cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATTP.
Để trang bị cho các thành viên nắm được kỹ thuật và phương pháp thực hiện mô hình trồng rau an toàn, tổ hợp tác đã chủ động liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, để nắm được kỹ thuật và phương pháp thực hiện mô hình trồng rau an toàn, tổ hợp tác thuê kỹ sư về hướng dẫn trực tiếp kỹ thuật, quy trình sản xuất rau an toàn cho các thành viên trong tổ. Trong thời gian sản xuất, kỹ sư thường xuyên theo dõi, hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời phổ biến cho các hộ sản xuất xung quanh triển khai mô hình. Đến nay, tổ hợp tác của ông Hướng đã sản xuất được các loại rau đảm bảo ATTP để cung cấp đến người tiêu dùng.
Đại diện Hội ND, Sở Y tế và các đại biểu cũng đã trao đổi, thảo luận về các nội dung: Cơ chế hỗ trợ cho các hộ nông dân; cách để người tiêu dùng nhận biết thực phẩm an toàn; quy trình, thủ tục cấp hồ sơ chăn nuôi hữu cơ, công tác quy hoạch vùng sản xuất đảm bảo vệ sinh môi trường và ATTP.