Dân Việt

Lạng Sơn: Cơ sở chế biến nội tạng xả mùi tanh hôi "hành" dân

Tuấn Trung - Mộc Trà 16/05/2019 16:01 GMT+7
Thời gian vừa qua, hàng trăm hộ dân sinh sống dọc bờ sông Kỳ Cùng đoạn qua các xã Hữu Khánh, Tú Đoạn và thị trấn Lộc Bình, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) phải sống chung với mùi hôi tanh từ nước thải của cơ sở chế biến nội tạng An Phát đóng trên địa bàn thôn Bản Hoi, xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình.

Dẫn phóng viên tới địa điểm mà hàng trăm hộ dân thị trấn Lộc Bình cho là nguồn của những dòng nước thải chảy xuống sông Kỳ Cùng gây mùi hôi tanh khó chịu, ông Tô Thanh Hoài (Trưởng khu Chộc Vằng, thị trấn Lộc Bình) cho biết: Trong các cuộc họp, rất nhiều hộ dân đã có ý kiến về vấn đề mùi hôi từ nước thải của cơ sở này. Trước đây, nước thải từ cơ sở này thường xuyên được xả xuống con sông Kỳ Cùng phía bên dưới. Thời gian gần đây, tần suất xả giảm còn 5 ngày 1 lần, tuy nhiên mùi hôi vẫn rất tanh và khó chịu.

“Cứ 5 ngày, cơ sở chế biến lại xả thải trực tiếp ra sông một lần, thường xả vào sáng sớm. Mỗi lần xả, nước sông có màu xanh đục, xuất hiện bọt trắng”, ông Hoài nói.

img

Người dân bức xúc vì phải hứng chịu mùi hôi tanh được cho là nước thải của cơ sở chế biến lòng non An Phát.

Riêng khu Chộc Vằng có hơn 100 hộ dân sinh sống dọc bờ sông Kỳ Cùng bị ảnh hưởng bởi mùi hôi này. Mùi hôi  thối càng trở nên khó chịu nhất vào mùa hè, trời nắng nóng, hơi nước bốc lên. “Nếu trước đây người dân còn dùng nước sông để sinh hoạt, giặt giũ... thì giờ đây chẳng còn ai dám xuống sông giặt đồ nữa. Nước sông bốc mùi hôi, tanh, đặc biệt vào mùa khô, mùi càng nồng nặc” - ông Hoài cho hay.

Theo tìm hiểu của PV Dân Việt, đây là Cơ sở chế biến lòng non An Phát đóng trên địa bàn thôn Bản Hoi, xã Hữu Khánh từ giữa năm 2017 do ông Hoàng Văn Đặng làm chủ. Dù cơ sở này mới đi vào hoạt động khoảng hơn 1 năm nhưng đang gây nhiều bức xúc cho người dân.

Hằng ngày tại cơ sở này thu mua số lượng lớn lòng lợn tại các cơ sở giết mổ, lò mổ trên địa bàn và các tỉnh lân cận để tiến hành rửa, sơ chế, ướp, muối... Thành phẩm mà cơ sở này làm ra là vỏ xúc xích, thị trường tiêu thụ chủ yếu là Trung Quốc và một vài cơ sở làm xúc xích nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố.

img

Cơ sở này "cửa đóng then cài", tuy nhiên phía bên trong tiếng máy móc và công nhân vẫn đang làm việc.

Từ khi cơ sở này đi vào hoạt động, hằng ngày hơn 200 hộ dân sinh sống dọc theo bờ sông Kỳ Cùng thuộc các xã Hữu Khánh, Tú Đoạn và thị trấn Lộc Bình bị "hành hạ" bởi nước thải từ xưởng chế biến hòa vào nước sông, bốc mùi tanh hôi. Trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri, người dân đã nhiều lần kiến nghị, tuy nhiên tình trạng này vẫn tiếp tục tái diễn khiến người dân bất bình.

Theo ghi nhận của PV, dù đứng cách xưởng chế biến khoảng 100m, nhưng mùi tanh, hôi thối từ cơ sở này vẫn nồng nặc, gây cảm giác rất buồn nôn.

Ông Chu Văn Thuận (thôn Bản Hoi, xã Hữu Khánh) chia sẻ: "Nhà tôi chỉ cách cơ sở chế biến lòng non An Phát chừng 800m. Từ khi có cơ sở này, đi lại qua khu vực xưởng chế biến, tôi đều cảm thấy có mùi hôi, tanh khó chịu. Những hôm gió tạt theo hướng Nam, mùi hôi tanh khó chịu xộc vào nhà. Trước đây, người dân chúng tôi thường ra sông mò ốc, bắt cá thì giờ chẳng còn ai dám bắt ốc về ăn nữa."

Chị Chu Thị Nhung, một “công nhân thời vụ” của cơ sở này cho biết, có ngày chị nhận hơn 2 tạ lòng lợn từ cở sở này mang về nhà rửa sau đó luộc lên, tách mỡ... rồi lại chở ra cơ sở chế biến An Phát. Trung bình, chị được trả 2.000-3.000 đồng/kg tiền công sau khi làm xong.

img

Số lòng lợn được chị Nhung mang về nhà "sơ chế" được đổ, rải ngay góc sân nhà, cạnh mương thoát nước.

Trao đổi với Dân Việt, ông Hoàng Văn Huấn, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lộc Bình cho biết, cơ sở này hoạt động trên địa bàn đã được hơn 1 năm. Người dân cũng có phản ánh về tình trạng xả nước thải gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Vào ngày 6.3, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện phối hợp với Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh đã trực tiếp kiểm tra tại cơ sở chế biến lòng non An Phát. Tại buổi kiểm tra, đoàn đã lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực bảo vệ môi trường, tài nguyên nước và khoáng sản. Đồng thời đoàn đã lấy mẫu nước về phân tích, nhưng chưa có kết quả. “Hiện tại, chúng tôi đang đợi kết quả phân tích mẫu nước của cơ sở, nếu mẫu nước không đạt tiêu chuẩn thì sẽ xử lý theo quy định để đảm bảo cuộc sống và sinh hoạt của người dân sinh sống trên địa bàn”, ông Huấn nói.

Theo biên bản vi phạm hành chính ngày 6.3 cơ sở chế biến An Phát đã bị xử phạt vì vận hành không đúng quy trình đối với công trình bảo vệ môi trường theo quy định; quan trắc không đúng tần suất theo quy định. Được biết trước đó cơ sở này cũng từng bị Đội quản lý thị trường số 3 xử phạt hành chính vì vi phạm các quy định về Vệ sinh an toàn thực phẩm.