Dân Việt

Phán quyết của WTO: Thiệt đơn, hại kép

02/02/2012 19:34 GMT+7
(Dân Việt) - Phán quyết của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là một thất bại về chính trị, pháp lý và kinh tế đối với Trung Quốc: WTO bác bỏ kháng kiện của Trung Quốc về quyết định trước đó của WTO coi chính sách của Trung Quốc hạn chế xuất khẩu nguyên vật liệu đặc biệt đã vi phạm những quy định hiện hành về mậu dịch tự do toàn cầu.

Hay nói cách khác, WTO coi chính sách đó của Trung Quốc là bảo hộ mậu dịch và như vậy bác bỏ hoàn toàn mọi lập luận của Trung Quốc, kể cả lý do nhằm bảo vệ môi trường sinh thái.

Trung Quốc là nước có trữ lượng lớn nhất và xuất khẩu nhiều nhất thế giới về những nguyên vật liệu đặc biệt. Mỹ và EU bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi chính sách hạn chế xuất khẩu của Trung Quốc và đã sử dụng biện pháp khiếu kiện lên WTO để buộc Trung Quốc phải chia xẻ nguồn tài nguyên thiên nhiên của mình với thế giới bên ngoài. Phán quyết nói trên tai hại đối với Trung Quốc cũng chính vì thế.

Ngoài ra, phán quyết ấy còn tạo tiền lệ để Mỹ hay EU tiến hành kiện tụng tương tự trên những lĩnh vực kinh tế thương mại khác, đặc biệt và trước hết là đất hiếm. Vì ở đó, Trung Quốc áp dụng chính sách tương tự nên một khi bị kiện tụng lên tận WTO thì WTO cũng sẽ phải có phán quyết tương tự. Thất bại một lần tạo tiền lệ và tiền lệ ấy đưa đến thất bại tiếp theo. Từ cái thiệt đơn sẽ trở thành cái hại kép.

Phán quyết này của WTO còn tác động mạnh mẽ đến nhiều khía cạnh khác nữa của quan hệ thương mại giữa các quốc gia trên thế giới. Nó động chạm đến cả chủ quyền quốc gia đối việc sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên trên lãnh thổ của riêng. Bởi vậy, việc các bên liên quan thực hiện phán xử này của WTO sẽ không dễ dàng và chóng vánh.