Những ngày gần đây, trên mạng xã hội lan truyền một số video ghi lại cảnh người dân tập trung tại khu vực cầu treo Làng Vòng (xã Phú Lạc, huyện Đại Từ, Thái Nguyên) để phản đối việc chính quyền địa phương tiến hành việc thu phí qua cầu. Được biết, cây cầu này vừa mới hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Cầu treo Làng Vòng, xã Phú Lạc, huyện Đại Từ, Thái Nguyên nơi người dân tập trung phản đối việc thu phí những ngày gần đây
Ngày 15.5.2019, PV Dân Việt đã tìm về xóm Đầm Dím, xã Phú Lạc, huyện Đại Từ - khu vực diễn ra việc người dân tập trung phản đối thu phí cầu để tìm hiểu. Theo người dân nơi đây, họ phản đối việc thu phí qua cầu treo vì họ cho rằng, nguồn vốn xây dựng cây cầu từ nguồn ngân sách của nhà nước nên không thể tiến hành thu phí của người dân.
Ông Lưu Quang Ngọc – một người dân sống ngay sát cây cầu treo này cho biết: “Theo tôi được biết thì cây cầu này được xây dựng bằng nguồn vốn của UBND huyện Đại Từ chứ không phải bằng nguồn vốn BOT. Đây là vốn ngân sách của nhà nước xây dựng cho người dân, tại sao lại thực hiện việc thu phí. Chỉ tính riêng việc gia đình nào có con ốm đi viện mỗi ngày 5 – 7 lượt qua đây, mỗi lượt 2.000 đồng đối với xe máy đã là bao nhiêu tiền? Dân đã khổ nhiều rồi, giờ có cây cầu mới để đi sao còn bắt người dân phải đóng góp thêm nữa”.
Bà Hoàng Thị Bé (xóm Đầm Dím, xã Phú Lạc, huyện Đại Từ) bức xúc: “Gia đình tôi hiện nay thu nhập chủ yếu bằng nghề trồng lúa và trồng chè. Mỗi ngày chúng tôi vất vả lắm mới hái được gần 10kg chè tươi. Trước đây khi chưa thu phí cầu thì giá chè chúng tôi bán ra trung bình khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg. Vậy mà từ khi xã tiến hành việc thu phí này thì thương lái ép giá, có khi chỉ bán được với giá 12.000 – 15.000 đồng/kg. Thử hỏi giá cả xuống thấp như thế chúng tôi sống sao được. Hơn nữa từ khi thu phí cầu đến nay đã ảnh hưởng rất lớn đến việc đi lại giao thương buôn bán của chúng tôi. Mỗi lần đi qua đây lại phải chờ đợi rất lâu dẫn đến ách tắc giao thông kéo dài, nhất là vào giờ cao điểm.”
Trước ý kiến phản ánh của người dân, cùng ngày, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi và làm việc với ông Nguyễn Kiên Cường – Chủ tịch UBND xã Phú Lạc về vấn đề trên. Qua trao đổi, ông Cường cho biết: “Việc sửa chữa cây cầu treo Làng Vòng được tiến hành bắt đầu từ tháng 9.2018 và hoàn thành vào tháng 12.2018. Nguồn vốn sửa chữa cây cầu này được lấy từ nguồn vốn phát triển kinh tế của UBND huyện Đại Từ do Phòng kinh tế hạ tầng huyện làm chủ đầu tư với tổng số tiền trên 1,4 tỷ đồng”.
Ông Nguyễn Kiên Cường - Chủ tịch UBND xã Phú Lạc, huyện Đại Từ trao đổi và làm việc với PV Dân Việt.
Cũng theo ông Cường, từ trước năm 2009 khi cây cầu này còn là cầu tre dân sinh đã tiến hành việc thu phí từ đó nhưng người dân không ai có ý kiến gì. Đến năm 2011, do cây cầu bị mục nát nên Sở Giao thông đã cho lát lại gỗ phần mặt cầu để phục vụ cho việc đi lại của bà con nhân dân được thuận tiện và dễ dàng. Đến tháng 9.2018, cây cầu đã hư hỏng nhiều nên UBND huyện đã tiến hành việc sửa chữa lại cây cầu treo này bằng nguồn vốn của huyện và tạm dừng việc thu phí để sửa chữa.
Trước đó năm 2016, UBND tỉnh Thái Nguyên đã có Quyết định số 41 chỉ đạo về việc tiếp tục thu phí 13 cây cầu treo trên địa bàn tỉnh trong đó có cầu treo Làng Vòng. Do đó, tháng 12.2018 sau khi việc sửa chữa cây cầu treo hoàn thành, UBND xã Phú Lạc đã xin ý kiến UBND huyện Đại Từ về việc tiếp tục thu phí cây cầu treo này để nộp vào nguồn ngân sách nhà nước và được sự đồng ý. Không có việc UBND xã tự ý lập ra quy định để thu tiền trục lợi như nhiều người dân vẫn lầm tưởng.
Tuy nhiên ngay khi vừa tiến hành việc thu lại phí vào ngày 6 và 7.5 vừa qua đã gặp ngay phải sự phản đối quyết liệt của người dân địa phương vì nhiều người đang hiểu lầm rằng nguồn vốn sửa chữa cây cầu được lấy từ nguồn của chương trình xây dựng nông thôn mới do UBND xã làm chủ đầu tư.
Quyết định số 41 của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc phê duyệt giá dịch vụ qua cầu treo.
“Hiện nay từ xã Phú Lạc đi ra trung tâm thị trấn Hùng Sơn có 4 cung đường chứ không phải con đường qua cầu treo Làng Vòng là con đường độc đạo. Bởi vậy việc người dân cho rằng do thu phí cầu dẫn đến giao thương buôn bán khó khăn là không có cơ sở. Và cũng không có việc vì thu phí cầu mà giá thành sản phẩm của người dân bị giảm xuống nghiêm trọng như một số người dân đã phản ánh. Hơn nữa việc ùn tắc giao thông không phải do người tham gia giao thông mà do người dân ra chắn đường gây ách tắc. Tuy nhiên trước việc phản đối của người dân, xã đã văn bản có đề xuất lên UBND huyện đề nghị miễn việc thu phí để đảm bảo cho địa phương phát triển ổn định," ông Cường nói.
Ông Nguyễn Duy Hùng – Chủ tịch UBND huyện Đại Từ cho biết, mục đích thu phí cầu của huyện là để duy tu, bảo dưỡng khi có hỏng hóc. Tuy nhiên, trước việc người dân phản đối gay gắt như hiện nay huyện đã có đề nghị lên UBND tỉnh xem xét dừng việc thu phí.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin sự việc!