Chia sẻ với PV, ông Khương cho biết, trước kia chưa chuyển sang trồng các loại rau ngắn ngày, gia đình anh chủ yếu làm ruộng và trồng ít ngô trên nương rẫy trang trải cuộc sống, cuộc sống bấp bênh và khó khăn lắm.
"Tôi lên thăm người quen ở huyện Mộc Châu (Sơn La) thấy bà con nơi đây trồng rau xanh cho hiệu quả kinh tế cao. Sau đó, tôi trở về cải tạo lại 6.000m2 đất ruộng, mua máy bơm dẫn nước từ suối về để thử vận may với trồng loại rau ngắn ngày. Bước đầu tôi trồng rau bắp cải, rồi nhân rộng ra trồng rau xà lách, su hào, đậu cô ve, cải cúc, mồng tơi và cả rau tầm bóp dại... Sau 1 thời gian trồng vườn rau của gia đình tôi phát triển rất xanh tốt, hầu như không bị sâu bệnh.
Ông Hà Văn Khương đang chăm sóc những luống rau tầm bóp dại tại vườn. Loài rau tầm bóp dại này phát triển rất xanh tốt, ít khi bị sâu rầy phá hại. "Rau tầm bóp dại được người tiêu dùng rất ưa chuộng bởi có thể chế biến thành nhiều món ăn lạ miệng...Rau tầm bóp dại này thu hái đến đâu bán hết đến đó, nhiều khi rau không kịp lớn để hái bán...", ông Khương chia sẻ.
Thời gian đầu mới bắt tay vào trồng rau, ông Hà Văn Khương còn nhiều bỡ ngỡ, chưa am hiểu về kỹ thuật chăm sóc rau. Để thành công trong mô hình trồng rau ngắn ngày, ông Khương vừa làm, vừa học, vừa rút kinh nghiệm. Thời gian rảnh rỗi ông Khương lên mạng internet tìm hiểu sách báo hướng dẫn về cách chăm sóc và bón phân cho rau. Sau đó, ông áp dụng vào phát triển vườn rau của mình. Nhờ vậy mà vườn rau của gia đình ông phát triển tươi tốt và cho những vụ thu hoạch chất lượng với giá cả cao.
Ông Khương đang theo dõi quá trình phát triển của rau mồng tơi.
Theo kinh nghiệm trồng rau của ông Khương, để các loại rau ngắn ngày: xà lách, su hào, cải cúc, bắp cải...sinh trưởng và xanh tốt, trước khi gieo hạt người trồng phải ngâm hạt giống vào nước ấm 46 độ C khoảng 22 phút. Sau đó tiến hành ngâm nước lạnh từ 8 – 9 giờ, lượng hạt gieo 1,5 - 2,0 g/m2. Khi gieo xong nhà vườn phải phủ lên đất một lớp rơm dày từ 1- 2 cm, sau đó tưới đẫm nước lên từ 1 - 2 lần/ngày.
Nhờ cách làm hay, trồng các loại rau ngắn ngày, đã mang lại nguồn thu nhập cao cho gia đình ông Khương.
“Lúc hạt nảy mầm nhô lên khỏi mặt đất, tôi thường xuyên tưới nước 2 lần/ngày, tùy theo thời tiết nắng hay mưa để duy trì lượng nước tưới cho phù hợp. Khi cây phát triển cứng cáp, tôi tiến hành nhổ tỉa những cây còi cọc, vàng úa... Sau mỗi lần nhổ tỉa như vậy, tôi kết hợp bón thúc bằng phân chuồng...", ông Khương cho hay.
Vì là trồng rau theo hướng an toàn nên ông Khương hạn chế ở mức thấp nhất việc sử dụng phân bón hóa học, các chất kích thích chất kích thích. Đây cũng chính là lý do để các loại rau của gia đình ông Khương tiêu thụ tốt. Mỗi ngày các thương lái vào xã thu mua rất nhiều rau xanh, đây là điều kiện tốt để ông chuyển hẳn sang trồng các loại rau ngắn ngày, nâng cao nguồn thu nhập...
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác, vườn rau xà lách của ông Khương phát triển xanh tốt.
Trước đây, trên địa bàn xã Tòng đậu, người nông dân chủ yếu tập trung làm ruộng và trồng ngô. Các loại rau ngắn ngày chỉ trồng manh mún, rải rác; nay nhiều nông hộ đã đầu tư vốn, cải tạo đất ruộng, mở rộng quy mô trồng rau, đã bước đầu hình thành vùng trồng rau, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân.
Từ lúc chuyển sang trồng các loại rau ngắn ngày, cuộc sống của gia đình ông Khương đã khấm khá hẳn lên.
Ông Hà Văn Khương, cho hay: Riêng bản thân tôi thấy cái lợi của trồng rau, hạt giống rẻ, việc chăm bón rất đơn giản, chi phí đầu tư thấp hơn chăn nuôi và các loại cây hoa màu khác. Tôi thu hoạch đến đâu, bán hết đến đó. Với 6.000m2 đất trồng các loại rau ngắn ngày, ngày nào gia đình tôi cũng có thu nhập, bình quân 1 năm tôi có lời gần 70 triệu đồng tùy vào giá cả thị trường.