Phó Thống đốc Đào Minh Tú phát biểu tại hội thảo
Chia sẻ tại Hội thảo quốc gia “Cải cách hành chính ngành Ngân hàng: Doanh nghiệp và người dân thuận lợi trong giao dịch ngân hàng” diễn ra sáng nay tại TP.HCM, TS Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia kinh tế cho rằng, các doanh nghiệp nhỏ hiện nay rất khó khăn để tiếp cận nguồn vốn ngân hàng. Nguyên nhân là vì vướng vào cơ chế tín dụng, muốn vay vốn nhưng phía các ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp mới được vay.
"Nhiều khách hàng điện thoại cho tôi nói doanh nghiệp của họ có phương án hoạt động tốt, có hàng tồn kho, có khoản thu nợ khách hàng, có thị trường… nhưng lại khá thiếu vốn vì không vay được. Thế là tôi chạy đi gặp lãnh đạo ngân hàng, nhưng họ chỉ chịu thế chấp khoản phải thu cho các 'ông lớn', còn những doanh nghiệp nhỏ thì không dám", ông Hiếu kể.
Theo ông Hiếu, đã đến lúc các ngân hàng Việt Nam nên học tập kinh nghiệm của hệ thống ngân hàng Hoa Kỳ, tức là nguyên tắc "cho vay theo công thức và tài trợ dựa vào tài khoản", hình thành tập quán cho vay căn cứ trên khoản phải thu và hàng tồn kho.
“Ngân hàng Nhà nước nên xây dựng tiêu chí xếp hạng tín dụng cho hệ thống ngân hàng và cá nhân, để tạo cơ sở đánh giá cho vay. Ở Hoa Kỳ, dựa vào xếp hạng tín dụng, ngân hàng chỉ cho vay trong vòng chưa tới 5 phút. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần có biện pháp tăng cường bảo lãnh tín dụng vì các quỹ bảo lãnh tín dụng địa phương hoạt động chưa hiệu quả. Có như thế thì các doanh nghiệp nhỏ mới tiếp cận được nguồn vốn để phát triển, kể cả người dân muốn vay vốn cũng dễ hơn”, ông Hiếu chia sẻ.
Trong khi đó, ông TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên Phó chủ tịch Uỷ ban Giám sát Tài chính quốc gia thì thẳng thắn: “Mặc dù hệ thống ngân hàng Việt Nam đã tiến hành nhiều cải cách lớn nhưng theo thống kê mới công bố gần đây của Standard Chartered, vẫn có 91% người dân Việt Nam sử dụng tiền mặt trong thanh toán và số người sử dụng dịch vụ tài chính ngân hàng chỉ chiếm khoảng 30%. Đây là một vấn đề đáng cân nhắc bởi các ngân hàng thương mại hiện nay đang phát triển khá mạnh, có thể xếp ngang hàng với các ngân hàng trong khu vực”.
Ngoài ra, ông Nghĩa cũng khuyến cáo hệ thống tài chính - tiền tệ Việt Nam, mà cụ thể là các ngân hàng thương mại, phải được giữ ổn định, kiểm soát được lãi suất và tỉ giá hối đoái trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang leo thang căng thẳng như hiện nay.
Toàn cảnh hội thảo cải cách hành chính ngành ngân hàng
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Trí Hiếu cũng chia sẻ, Việt Nam hưởng lượng lớn dòng vốn đầu tư từ nhà đầu tư trong và ngoài nước bởi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang hiện nay. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ gặp sự cạnh tranh lớn khi các nhà đầu tư bỏ tiền vào Việt Nam, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao, liệu doanh nghiệp Việt Nam sẽ cạnh tranh như thế nào.
"Đây là bài toán dành cho tất cả cơ quan ban ngành, doanh nghiệp rất quan tâm. Do đó, nếu phía các ngân hàng thương mại không nhanh chóng cải cách các thủ tục hành chính theo hướng ‘cởi trói’ cho các DN vừa và nhỏ tiếp cận nguồn vốn vay thì sắp tới các DN này sẽ rất khó khăn", ông Hiếu nói.
Tại hội thảo, các diễn giả, doanh nghiệp và người dân cũng có nhiều đóng góp thiết thực về thực trạng cải cách hành chính của ngành ngân hàng ở Việt Nam; những định hướng cải cách hành chính ngành ngân hàng; một số kiến nghị hoàn thiện pháp luật và các giải pháp nhằng đảm bảo cơ chế thực hiện pháp luật trong cải cách hành chính ngành Ngân hàng; vai trò của Ngân hàng điện tử và ứng dụng công nghệ tiên tiến vào dịch vụ ngân hàng trong thời đại hoà nhập 4.0; các cải cách với công nghệ blockchain…
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú khẳng định, những năm vừa qua, các ngân hàng đã cải cách hành chính theo hình thức một cửa quy trình gửi tiết kiệm, dịch vụ chuyển tiền, kiều hối, dịch vụ thẻ, dịch vụ tiền mặt và các dịch vụ thanh toán khác… để giảm chi phí, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ, cung cấp thông tin đầy đủ tới các khách hàng, phối hợp trong nội bộ để xử lý kịp thời phản ánh, khiếu nại của khách hàng về chất lượng và giá cả dịch vụ…
Nhưng thời gian tới, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa, phát huy sáng tạo, chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại đưa ra các sản phẩm tiện ích đa dạng và đề xuất, tham mưu cho Ngân hàng Nhà nước nhằm tạo môi trường kinh doanh tích cực trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ngày càng tốt hơn.
“Về phía Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa các cơ chế thể lệ, tạo điều kiện mở rộng quyền hạn và trách nhiệm cho các TCTD trong việc tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng và các dịch vụ ngân hàng, đồng thời vẫn phải đảm bảo an toàn vốn, hạn chế rủi ro trong hoạt động”, ông Tú nói thêm.
Trong 4 năm qua Ngân hàng Nhà nước luôn dẫn đầu 19 bộ ngành trong chỉ số cải cách hành chính. Thêm vào đó, chỉ số “Tiếp cận tín dụng” năm 2018 của Việt Nam đã được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN. |