Dân Việt

Đối phó dịch tả heo châu Phi: Công ty Vissan ra quy định "cấm trại"

Phương Thảo 16/05/2019 19:00 GMT+7
Để tập trung đối phó với tình hình dịch tả heo châu Phi đang leo thang, Công ty Vissan quy định "cấm trại", 100% lao động trong các trại chăn nuôi chỉ được ra ngoài 1 lần/tháng.

Trước tình hình diễn biến dịch tả heo châu Phi ngày càng phức tạp, đã lây lan tới hai địa phương giáp ranh TP.HCM là Đồng Nai và Bình Phước, nguy cơ đe dọa tổng đàn heo của TP.HCM, phóng viên Dân Việt đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Ngọc An - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) xung quanh vấn đề đối phó với bệnh dịch này.

PV: Thưa ông, dịch tả heo Châu Phi đã được phát hiện tại Đồng Nai và Bình Phước, là hai địa phương cung ứng sản phẩm heo cho công ty Vissan. Công ty đã có những biện pháp gì để đảm bảo an toàn sản phẩm?

- Ông Nguyễn Ngọc An: Từ cuối năm 2018 khi dịch tả heo Châu Phi diễn ra tại Trung Quốc, nhận định Việt Nam có nguy cơ lây lan dịch bệnh; đặc biệt khi dịch xảy ra tại 2 tỉnh phía Bắc, công ty đã đề ra các biện pháp tổng hợp nghiêm ngặt, chống lây lan và được triển khai đồng bộ từ trang trại chăn nuôi cho tới nhà máy sản xuất.

Đặc biệt trong những tháng đầu năm 2019, khi dịch bệnh lây lan tới các tỉnh miền Trung, các biện pháp phòng ngừa càng được triển khai mạnh mẽ, công ty đề ra những biện pháp phòng ngừa khắt khe. Đối với các trang trại chăn nuôi, ngoài việc phun thuốc khử trùng, vệ sinh chuồng trại, 100% lao động trong các trại chăn nuôi chỉ được ra ngoài 1 lần/tháng.

Đối với các khu chế biến, sản xuất, hai đường vào ra của thực phẩm là riêng rẽ, vào một đường và ra một đường. Sau mỗi ca sản xuất hàng ngày phải thực hiện việc phun thuốc sát trùng. Cũng rất may mắn những trang trại cung cấp heo cho công ty tại hai địa phương trên nằm cách xa khu xảy ra dịch bệnh nên vẫn an toàn. Tuy nhiên không vì thế mà công ty chủ quan, lơ là.

img

Tất cả các khâu từ chăn nuôi, chế biến, sản xuất của Công ty Vissan đều tuân thủ theo quy trình nghiêm ngặt.

PV: Còn đối với các trang trại liên kết, làm thế nào để quản lý và bảo đảm nguồn heo sạch, thưa ông?

- Đối với các đơn vị mà công ty liên kết trong chăn nuôi, công ty thực hiện lấy mẫu xét nghiệm thường xuyên và định kỳ. Yêu cầu các đơn vị cung cấp heo cho công ty ký cam kết. Ngày nào đơn vị cung cấp heo thì phải có kế hoạch kèm danh sách để công ty thực hiện việc kiểm soát. Các phương tiện vận chuyển sản phẩm heo sống và sản phẩm chế biến từ heo cho công ty đều có gắn định vị để giám sát.

PV: Trong trường hợp rủi ro, dịch bệnh bùng phát tại TP.HCM và các tỉnh thành khiến nguồn heo hơi thiếu hụt, công ty đã có “kịch bản” nào để đảm bảo nguồn cung cho  thị trường?

- Trước đó, Công ty Vissan cũng đặt ra nhiều tình huống cụ thể để ứng phó, trong đó có tình huống nguồn heo hơi trong nước không đủ đáp ứng. Giải pháp nhằm đối phó tình huống này chuẩn bị kho lạnh để thu mua thịt heo đông lạnh từ nước ngoài về dự trữ. Công suất kho lạnh của Vissan đạt 3.600 tấn/ngày, trong khi nhu cầu của TP.HCM khoảng 800 tấn/ngày.

Hiện nay, mỗi ngày công ty giết mổ 1.200 con. Công ty đã thực hiện giải pháp mua thêm 100 con/ngày để cấp đông dự phòng. Phương án nhập khẩu thịt heo chỉ là giải pháp cuối cùng. Trước tiên vẫn là ưu tiên tiêu thụ sản phẩm thịt heo an toàn trong nước.

img

Dự báo giá thịt heo sẽ tăng cao nếu dịch bệnh kéo dài và sau khi được khống chế.

PV: Trong trường hợp cấp đông dự trữ sản phẩm, công ty gặp khó khăn gì?

Giải pháp cấp đông chỉ giải quyết được nhu cầu trong ngắn hạn. Chi phí cấp đông khoảng 3 – 3,4 triệu đồng/tấn; trữ đông 12.000 – 14.000 đồng/tấn/ngày. Chi phí này sẽ khiến giá thành thịt lợn tăng cao trong điều kiện thị trường chỉ chấp nhận tiêu dùng trong ngắn hạn.

Hơn nữa, việc cấp đông rồi rã đông để bán sẽ khiến hình ảnh cảm quan của thịt lợn bị ảnh hưởng. Người tiêu dùng có chấp nhận hay không là việc lớn, cần cân nhắc. Bởi vậy, bài toán cấp đông dự trữ mang nhiều rủi ro cho doanh nghiệp.

Với lượng mua heo hơi tăng lên, những phụ phẩm như lòng, đầu… giá cả thấp, thậm chí khó tiêu thụ. Thêm đó chi phí kho lạnh, không biết khi nào mới có thể tiêu thụ được, có thể đến tận cuối năm, gây hao hụt trọng lượng khi cấp đông và rã đông. Trọng lượng có thể hao hụt từ 5 – 10%.

PV: Nếu dịch bệnh kéo dài, ông dự đoán như thế nào về giá thịt heo sau khi dịch bệnh được khống chế?

Ông Nguyễn Ngọc An: Tôi chắc chắn sau khi dịch bệnh được khống chế, nguồn heo hơi giảm sút, kéo theo nhu cầu sử dụng sản phẩm thịt heo và các sản phẩm chế biến từ heo của người tiêu dùng trở lại bình thường thì sẽ mất cân đối giữa cung và cầu. Sức mua tăng mà nguồn cung khan hiếm đương nhiên giá cả thị trường sẽ tăng cao.

Hiện nay, mặc dù đang trong thời gian dịch tả heo châu Phi diễn biến phức tạp, giá heo hơi hai hôm nay trên thị trường TP.HCM đã nhích lên 500 đồng/kg. Vì vậy, rất cần sự quan tâm, hỗ trợ của nhà nước để bình ổn thị trường.

PV: Xin cảm ơn ông!