Dân Việt

Bí mật về ông trùm Năm Cam (Kỳ cuối): Nghĩa vợ chồng của người đàn bà bị bỏ rơi

Hương Trần 20/05/2019 14:34 GMT+7
Dù lấy người đàn ông đầu tiên của cuộc đời mình bởi chữ hiếu, rồi lại bị phũ tình, rồi nhận rất nhiều thị phi từ người đàn ông được gọi là chồng ấy, nhưng bằng cách này hay cách khác, bà Nguyệt lặng lẽ ở bên Năm Cam mỗi lúc ông trùm này gặp hoạn nạn.

Bởi như lời bà nói: “Dù tôi chỉ sống với ông ấy mấy tháng, nhưng đó là tình nghĩa vợ chồng. Ông ấy là ba của con trai tôi, khi vui hay giàu có, tôi chẳng màng, nhưng ông ấy gặp khó khăn hoạn nạn, nhất định tôi phải ở bên ông ấy, dù ông ấy có cần hay không”.

Ở bên chồng cũ lúc hoạn nạn

Ai đã từng quan tâm đến trọng án trùm giang hồ Năm Cam, đều không thể quên được hình ảnh người đàn bà đầu trọc, vẫn luôn theo dõi trong nhiều ngày liền vụ án Năm Cam và đồng bọn. Bà Nguyệt vẫn nhớ như in khuôn mặt chồng cũ trong những ngày đó, bà xót xa nói: “Ông ấy gầy đi hẳn, tóc bạc ra. Tôi nhìn mà xót vô cùng”. Rồi bà lấy tay lau nước mắt. Với bản lĩnh như bà Nguyệt, có lẽ trong lòng đau đớn lắm bà mới chảy được những giọt nước mắt như thế.

Thật lâu sau, bà mới lấy lại bình tĩnh nói tiếp: “Tôi đến từ sáng sớm, thấy xe Công an đưa ông đi qua, tôi gào lên “ông Năm ơi!" Tôi đau xót khi thấy ông như vậy lắm. Trong xe tù nhìn qua ô cửa nhỏ, tôi vẫn thấy ông Năm gật gật với tôi. Sau đó, nghe con gái ổng vào thăm, ổng có hỏi sao má Nguyệt lại cạo đầu, con gái ổng nói là tôi cạo đầu cầu cho ổng thoát án tử. Nhưng có lẽ thánh thần cũng bất lực trước tội ác của ông, nên tôi không được mãn nguyện”.

Bà kể, ngoài việc cầu mong cho chồng cũ tai qua nạn khỏi, thì trước đây có những lúc Năm Cam sa cơ thất thế, bà đã giang tay ra giúp đỡ. Nhưng bà cũng chẳng bao giờ tính toán, bà chỉ buồn lòng khi con trai bà và Năm Cam cũng sa ngã vào vòng lao lý vì ma túy.

Bà tâm sự: “Tôi chỉ có duy nhất thằng Hùng, ngày nhỏ nó ba trợn ba trạo, tôi điên tôi la mắng cho thành người. Nó cậy ba nó cũng giang hồ, nó sang bên nhà ba nó ở. Tôi đành bất lực. Sau này nó lấy vợ, gia đình cũng toàn dân dính dáng đến ma túy. Nó bây giờ đã 54 tuổi rồi, có 2 đứa con, 1 trai 1 gái. Con nó đẹp như ca sỹ, con gái cũng đẹp lắm. Nhưng con gái nó cũng đang đi tù vì dính đến ma túy. Tôi cũng đau lòng lắm, nói hoài mà tụi nó không nghe, cái phúc phận mỏng nó vậy…”.

img

Hiện nay bà vẫn thờ Năm Cam một cách trân trọng.

Bà lặng lẽ nhìn lên những tấm hình gia đình được bà treo trân trọng trong ngôi nhà mỏng, với chiều dài 10 mét và chiều ngang 1,8 mét. Bà nói, ngôi nhà Hùng ở là do Năm Cam mua cho, còn ngôi nhà bà đang ở là do tự tay bà mua. Trước đây, lúc còn thời hoàng kim, thấy bà sửa nhà nên Năm Cam cho bà tiền xây nhà.

Bà trần tình: “Nói gì thì cũng nói cho đúng cái lương tâm mình, tôi không nhớ năm nào, ông Năm có cho tôi tiền sửa nhà một lần, nhưng ngôi nhà đó tôi bán rồi. Còn ngôi nhà này là tự tay tôi mua, bây giờ thằng Hùng nó ra tù, nó về ở với tôi. Nó quyết tâm ăn chay trường để rời xa thế tục, không còn sân si nhiều nữa. Tôi cũng mong nó sớm tỉnh ngộ, để yên lòng tôi lúc tuổi già”.

Cũng theo lời bà Nguyệt, thì bà muốn Hùng ở nhà với bà, chứ không ở nhà bên vợ, vì sợ khu bên đó có nhiều người buôn bán ma túy, sẽ làm Hùng không có quyết tâm cai nghiện.

Đã từng nhiều lần cảnh báo với Năm Cam về “đại hạn”

Bây giờ, bà Nguyệt chủ yếu sống bằng nghề bói bài tây. Nói đúng hơn, là bà cũng đã biết bói bài tây từ năm 23 tuổi, nhưng bà Nguyệt bảo: “Tôi bói cho vui, chứ cũng chẳng lấy nghề này để kiếm tiền. Nhưng đến tuổi già, ai nhờ thì tôi coi, họ cho đồng nào tôi lấy đồng đó, chứ cũng chẳng đòi hỏi gì, cũng chẳng gọi đây là nghề nghiệp của mình”.

img

Những ngày cuối đời, bà Nguyệt tìm niềm vui bằng nghề bói bài tây.

Khi được hỏi, sao bà nói bà bói được bài tây mà lại để số phận bà bi kịch đến vậy. Bà cười nói: “Tôi vì biết xem nên mới tránh được nhiều tai ương rồi đó, chứ cái số tôi còn khổ hơn nữa. Ai cũng có một phận số, nhưng biết trước thì né được nhiều tai ương hơn”.

Bà cũng kể thêm, đã nhiều lần bà báo trước với Năm Cam rằng, số của Năm Cam sẽ có đại họa lớn, nhưng Năm Cam không nghe. Bà buồn bã nói: “Lần ông ấy đi tù, tôi cũng nhờ người bảo là ông ấy cẩn thận. Nhưng ông ấy coi lờ lời của tôi, lần cuối cùng tôi bảo với thằng Hùng, sang bảo với ba mày, ba mày sắp có đại hạn, nhưng ông ấy chỉ cười. Cuối cùng thì là ông ấy bị bắt, đau đớn hơn còn nhận cả án tử, tôi nói ông đâu có nghe”.

Bà Nguyệt cũng tâm sự, ông Năm Cam khi khai với Công an, toàn nói chỉ có hai bà vợ, chẳng bao giờ công nhận bà là vợ. Nhưng Công an vẫn đến điều tra bà, hỏi bà xem ông Năm Cam có cho bà gì không. Bà nói: “Ổng không công nhận mà người ta biết hết, tôi cũng chẳng hận gì ông cả. Vẫn cứ ngày đêm cầu mong ông tai qua nạn khỏi”.

Ngày Năm Cam ra pháp trường xử bắn, bà Nguyệt lặn lội đến. Hôm đó tuyệt nhiên không có bất cứ “bóng hồng” nào từng được Năm Cam yêu thương và sủng ái đến thăm. Sau khi Năm Cam chết đi, người ta đồn rằng, thực ra Năm Cam vẫn chưa chết, chúng tôi hỏi bà Nguyệt về chi tiết này, bà Nguyệt lắc đầu bảo: “Bọn giang hồ nó đồn đại vậy, chứ chính mắt tôi thấy ổng bị xử bắn. Đất nước mình nghiêm minh, chứ đâu phải này kia mà làm được điều trái luân thường đạo lý. Ông ấy bây giờ đã ở dưới suối vàng rồi, chứ đâu mà còn sống nữa”.

Nhưng điều bà Nguyệt thấy đau lòng hơn cả, là lúc Năm Cam chết, bà đã không thể làm gì để cái xác Năm Cam được thay bằng áo bình thường. Nghẹn ngào, bà Nguyệt nói: “Dù thế nào, tôi cũng thương ông ấy phải mặc áo tù đến khi về với đất. Tôi chỉ muốn đào trộm cái mộ lên, thay cho ông ấy bộ quần áo thường. Nhưng tôi không thể làm được, nên đành để ông ấy vậy…”.

Điều bà Nguyệt còn có thể làm được, là việc bà đưa di ảnh Năm Cam về nhà thờ cúng. Suốt bao nhiêu năm qua, bà vẫn đặt Năm Cam trân trọng trên bàn thờ, cùng gia tiên của nhà bà. Đến ngày giỗ, bà vẫn mua hoa quả về thắp hương.

Bà thường nói với Hùng rằng: “Dù ba con có thế nào, con cũng phải yêu thương ông ấy. Con không được tranh giành tài sản của nhà ông ấy, không được cãi nhau với anh em, dù là anh em cùng cha khác mẹ. Bởi, ba con đã về suối vàng, cả đời vì tiền bạc mà chịu tội, các anh chị em con cũng là máu mủ ruột rà. Dù thế nào, ba con có còn tài sản hay đã hết, con cũng không đòi hỏi. Đừng vì tiền mà đổ máu, đó là điều chẳng bao giờ má muốn”.

Đó là lời của người đàn bà trải qua quá nhiều biến cố, dù thời tuổi trẻ bà cũng từng nông nổi, từng mắc sai lầm. Nhưng bà đã sớm tỉnh ngộ, sớm nhận ra những giá trị thực của cuộc sống không chỉ là tiền, mà còn nhiều thứ ân nghĩa khác như tấm lòng của những con người dành cho nhau, mà không phải tiền nào cũng mua được.

Có rất nhiều con nuôi hiếu thuận

Theo lời bà Nguyệt, Hùng chưa làm được gì nhiều cho bà, nhưng nhờ duyên phật phù hộ, bà có rất nhiều người xin làm con nuôi, trong đó có hai con gái nuôi hiện định cư ở Mỹ.

Hai người này gửi tiền về xây mộ cho bà. Bà cười nói: “Nó lo khi tôi nằm xuống tôi không biết cái mộ của tôi có trúng ý tôi không nên nó gửi tiền về, nói tôi về quê tôi ở Bến Tre, xây một cái mộ trước, sau này chết thì cứ việc con cháu đưa về. Tôi may mắn, có những đứa con nuôi cực kỳ thương tôi, âu đó cũng là cái phước phần mà tôi tích đức được”.